Tọa đàm: “PAPI – Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh – Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” - Lan Chi
28/08/2015 10:53
Tọa đàm: “PAPI – Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh – Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” Lan Chi Sáng 27/08/2015, tại Học viện chính trị khu vực I, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển (IPD) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “PAPI – Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh – Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” do Diễn giả - GS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (đơn vị trực tiếp thực hiện dự án nghiên cứu và xây dựng PAPI) trình bày. Tới dự còn có đại diện của VPO (Vietnamese Policy Online) – một website phi lợi nhuận chuyên cung cấp các nghiên cứu chính sách cập nhật từ nguồn nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, các giảng viên của khoa Kinh tế, khoa Kinh tế chính trị học, khoa Xã hội học và Khoa học lãnh đạo quản lý, khoa Nhà nước và Pháp luật, khoa Chính trị học của Học viện chính trị khu vực I. Sau lời dẫn mở đầu buổi tọa đàm của TS. Phí Hùng Cường – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển (IPD), diễn giả GS.TS. Đặng Ngọc Dinh đã có bài thuyết trình giới thiệu về PAPI dưới góc độ của những người làm ra chỉ số này. Bài thuyết trình tập trung vào những phần chính như sau: Một là: Giải thích thuật ngữ “PAPI là gì?”; Hai là: Phương pháp đánh giá của PAPI (Đánh giá ai? Ai đánh giá? Đánh giá theo cách nào? Đánh giá về cái gì? Và Đánh giá để làm gì?); Ba là: Cơ sở pháp lý và các tổ chức được lựa chọn để phối hợp thực hiện khảo sát PAPI; Bốn là: Cách chọn mẫu khảo sát PAPI; Năm là: Thành phần của 6 trục nội dung đánh giá của PAPI; Sáu là: Tác động xã hội của chỉ số PAPI.
Theo GS.TS. Đặng Ngọc Dinh, nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam cả tầm quốc gia và cấp địa phương, cụ thể là 6 trục (lĩnh vực) được đánh giá như sau:
Đây là 6 trục (lĩnh vực) nội dung chính, được chia thành 22 nội dung thành phần và 92 chỉ số thành phần, thể hiện trên bảng khảo sát bao gồm 100 câu hỏi cụ thể. Mỗi năm, khoảng 14.000 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp tại các địa phương trên toàn quốc.
Thực tiễn cho thấy, PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng (hay “khách hàng”) còn cơ quan công quyền là “bên cung ứng dịch vụ”. Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của ‘khách hàng’ đối với các ‘sản phẩm’ của toàn bộ quá trình ‘sản xuất’ của bộ máy nhà nước, PAPI cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình. PAPI nhận được sự hỗ trợ hiệu quả về chuyên môn và kỹ thuật của Ban Tư vấn quốc gia dự án PAPI và Nhóm chuyên gia quốc tế về đo lường quản trị nhà nước.
Sau phần thuyết trình của diễn giả GS.TS Đặng Ngọc Dinh, về phía các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng đã đặt ra những câu hỏi khá cụ thể xung quanh chỉ số này. Có thể kể ra một số câu hỏi như sau: Phương pháp xử lý số liệu thu thập được như thế nào? Kết quả thu thập được có khác xa so với kết quả dự báo của nhóm nghiên cứu hay không? Cách truy cập kết quả của PAPI như thế nào? Các trục nội dung của PAPI có thay đổi theo thời gian để phù hợp với sự thay đổi của thực tế xã hội hay không?...
Các câu hỏi trên đã lần lượt được GS.TS Đặng Ngọc Dinh trả lời và giải đáp cụ thể trên tinh thần cởi mở, phần nào đáp ứng được những thắc mắc mà các đại biểu đưa ra.
Có thể nói, PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 cho đến nay, chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 61.000 người dân. Theo báo cáo mới nhất, trong năm 2014, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 13.552 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên, đại diện cho dân số Việt Nam. Đây là một thành công lớn của nghiên cứu, bởi từ đó PAPI cung cấp kho dữ liệu và thông tin lớn chưa từng có phục vụ quy trình theo dõi thực thi và điều chỉnh chính sách tại Việt Nam./.
Share Post Một số bài viết khác
- Toàn văn bài Diễn văn của Tổng thống Obama tại Trung tâm hội nghị quốc gia
- Tọa đàm “Phát triển lãnh đạo khu vực công – Kinh nghiệm từ Singapore” - Lan Chi
- Diễn đàn Quản trị công châu Á lần thứ hai về đổi mới khu vực công - Lan Chi
- Đoàn công tác Học viện Chính trị Khu vực I thăm quan Khu kinh tế Vũng Áng - Tác giả: Quang Trung
- Đoàn công tác Học viện Chính trị Khu vực I làm việc tại Hà Nam |