Tương quan giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế ở một số nước châu Á: Hàm ý cho Việt Nam - Tác giả: PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, TS. Vũ Xuân Bình

24/05/2016 20:11

TƯƠNG QUAN GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ THỊ TRƯỜNG TRONG VẬN HÀNH NỀN KINH TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU ÁHÀM Ý CHO VIỆT NAM

PGS.TS. Đoàn Minh Huấn

TS. Vũ Xuân Bình

Học viện Chính trị khu vực I


      1. Tương quan giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế ở một số nước Châu Á

      Các trường phái kinh tế như trường phái cổ điển, tân cổ điển, trường phái Keynes, chủ nghĩa tự do mới, trào lưu chính sau Keynes (đại biểu là P.A Samuelson) đều xem xét về mối tương quan giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế. Theo Pham (2011), mặc dù đã tồn tại nhiều dạng thức kinh tế thị trường khác nhau nhưng trên thực tế chưa tồn tại kiểu kinh tế thị trường hoàn toàn không có nhà nước. Nhà nước luôn là một bộ phận hữu cơ nằm trong cấu trúc tổng thể của kinh tế thị trường. Sự khác biệt giữa các giai đoạn lịch sử và các quốc gia được thể hiện ở tính chất của nhà nước, cách thức can thiệp, quản lý điều tiết và hệ quả của sự can thiệp đối với nền kinh tế.

      Bài viết sẽ phân tích mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc:

      Singapore

      Nghiên cứu của Lam (2000) cho thấy chính phủ Singapore đã thực hiện chiến lược hỗn hợp giữa sự can thiệp của nhà nước với thị trường tự do trong thúc đẩy nền kinh tế. Bằng việc sử dụng các chính sách kinh tế và tài chính công, Singapore đã nhấn mạnh tới thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của thị trường trong điều tiết nền kinh tế có xu hướng tăng lên ở Singapore.

      Theo báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (2009), Singapore đã xây dựng được mối quan hệ hợp lý giữa nhà nước và thị trường trong quản lý nền kinh tế. Cụ thể, chính phủ chỉ thực hiện một số vai trò cơ bản sau:

      (1) Xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, khả thi và công bằng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

      (2) Tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp. Chính sách tài khóa của Singapore được thực hiện nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân như là động lực của tăng trưởng, đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện đảm bảo lạm phát thấp, ổn định và đảm bảo tiết kiệm không bị hạ thấp giá trị. Chính phủ xây dựng các qui tắc minh bạch rõ ràng nhằm đảm bảo các thị trường tự do cạnh tranh.

     (3) Chính phủ thực hiện đầu tư vào phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực. Hạ tầng được đầu tư hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư đến với Singapore. Hệ thống giáo dục đào tạo được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với sự nhấn mạnh vào việc cung cấp nguồn nhân lực có kỹ thuật và chuyên nghiệp.

      (4) Chính phủ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm cả các hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore

     Theo Trường Dịch vụ Công Singapore (2014), Singapore đã thực hiện xây dựng một chính phủ dịch vụ, liêm chính, hiệu quả, chuyên nghiệp trên cơ sở các nguyên tắc chính như:

      (1) Chính phủ do những người thực sự có tài làm việc

      (2) Chính phủ không tham nhũng

      (3) Chính phủ dám chịu trách nhiệm về nguồn lực công và các quyết định của mình.

      (4) Một chính phủ thực tế và tránh giáo điều

      (5) Chính phủ thích ứng với sự thay đổi

      Sự kết hợp hợp lý giữa nhà nước và thị trường trong quản lý nền kinh tế đã đưa Singapore từ nước nghèo trong những năm 1960s với GDP/người/năm 360 USD, 90% dân số mù chữ năm 1965, không có tài nguyên[1], trở thành nước phát triển với GDP/người năm là 55.182 USD và GNI/người (giá sức mua tương đương) là 76.860 USD năm 2013, 96% dân số năm 2012 được đào tạo bài bản[2].

      Nhật Bản

     Theo Imagawa (1992), lịch sử phát triển kinh tế của Nhật Bản phản ánh rõ tương quan giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế qua các thời kỳ phát triển đất nước. Cụ thể, sau thời kỳ phục hưng của Hoàng đế Meiji năm 1868, chính phủ Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Thông qua đầu tư và hỗ trợ của chính phủ, các ngành công nghiệp dệt, sắt, thép đã được đầu tư phát triển. Trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, nhiều công ty tư nhân với sự hỗ trợ của chính phủ đã trở thành một trong những lực lượng dẫn dắt nền kinh tế. Người dân được tự do sống, di chuyển, tìm việc và bán sức lao động. Chính phủ cho phép tự do thành lập công ty trong mọi lĩnh vực. Các doanh nghiệp được quyết định sản xuất các sản phẩm họ muốn, được tự định giá bán và nơi bán. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào Nhật Bản.

      Tuy nhiên sau cuộc đại khủng hoảng và thời kỳ chiến tranh 1931-1945, chính phủ Nhật Bản đã kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Sự di chuyển lao động bị cấm. Các doanh nghiệp buộc phải sản xuất các sản phẩm phục vụ cho chiến tranh.

     Từ 1946 chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách ổn định nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân được hoạt động sản xuất kinh doanh dưới sự quản lý của chính phủ và đóng vai trò nhiều hơn trong phát triển kinh tế. Sau 1950, tư bản tư nhân ở Nhật Bản đóng vai trò chính thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ Nhật Bản trở thành cơ quan tư vấn, hỗ trợ, và đôi khi là cơ quan dẫn dắt các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

      Nghiên cứu của Patrick (2013), Drysdale và Fujiwara (2014) cho thấy nền kinh tế của Nhật Bản đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, giảm phát. Để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp can thiệp thông qua việc ban hành 3 nhóm chính sách: chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách nới lỏng tài khóa và đổi mới cấu trúc nền kinh tế. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, ngân hàng Nhật Bản sẽ giải quyết được vấn đề giảm phát, giữ lãi suất danh nghĩa ở mức thấp để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng hàng hóa lâu bền. Chính sách nới lỏng tài khóa hay tăng đầu tư của chính phủ nhằm tạo việc làm và giải quyết vấn đề giảm phát trong nền kinh tế. Chính sách đổi mới cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo ra các cơ hội mới cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh trong loại thị trường. Chính sách này được hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh của Nhật Bản tốt hơn trong dài hạn.

      Hàn Quốc

      Nghiên cứu của Kharas và Gertz (2010) cho thấy Hàn Quốc trở thành nước có thu nhập trung bình vào đầu những năm 1980s. Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và Hàn Quốc trở thành nước có thu nhập cao sau một thập kỷ[3]. Theo Parnini (2011), năm 1983, Hàn Quốc đã thay đổi nhanh chóng cách quản lý các nhóm doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và quan trọng nhất. Sự đổi mới của khu vực công đã nhấn mạnh tính tự chủ của các doanh nghiệp, thay đổi qui trình chọn lựa quản lý. Hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá một cách có hệ thống với các mục tiêu rõ ràng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động tốt.

      Parnini (2011) cho rằng Hàn Quốc thành công là do đã xác định hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế. Cụ thể:

      (1) Hàn Quốc đã xây dựng được chính phủ mạnh, chuyên nghiệp có tầm nhìn chiến lược. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc là kết quả của sự ổn định chính trị; kỹ năng lãnh đạo được nhân lên với nhiều nhân tố như: sự nổi lên của các tập đoàn kinh tế tư nhân, sự thực thi chính sách mạnh và hiệu quả, đất nước với nhưng người dân làm việc chăm chỉ, coi trọng truyền thống gia đình, coi trọng giáo dục, truyền thống văn hóa nho giáo. Cùng quan điểm với Parnini (2011), Lin (2013) cho rằng Hàn Quốc đã đồng thời xây dựng được thị trường và chính phủ hiệu quả. Chính phủ hiệu quả đã hoàn thiện được hạ tầng để thúc đẩy đổi mới công nghệ và đổi mới các ngành công nghiệp – điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế. Thị trường hiệu quả đã tạo ra được tín hiệu giá hiệu quả điều mà dẫn đến cạnh tranh tự do và đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra được sự tín nhiệm và tin cậy của người dân.

      (2) Hàn Quốc đã xác định được vai trò nòng cốt của quan chức nhà nước với tư cách vừa là người lập kế hoạch và là người thực hiện.

      Parnini (2011) cho rằng Hàn Quốc đã xây dựng được hệ thống chính phủ có tính cạnh tranh, tạo ra các cơ hội việc làm tốt trong khu vực công, có mức lương cạnh tranh so với khu vực tư nhân, có chế độ thưởng phạt rõ ràng đối với cán bộ nhà nước, cán bộ xây dựng hình ảnh tốt trong lòng người dân.

       (3) Hàn Quốc đã thực hiện đầu tư hiệu quả vào giáo dục và nguồn nhân lực.

      Theo Ha (2006), khi quân đội lên nắm quyền năm 1961, các nhà lãnh đạo quân đội đã đưa ra kế hoạch phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và loại bỏ tham nhũng. Cụ thể, chính phủ cho phép mở rộng hệ thống giáo dục, phát triển giáo dục đại học, theo đuổi chính sách học phí khá cao cho giáo dục đại học. Chính phủ Hàn Quốc đã xem giáo dục đại học như là động lực cơ bản cho việc nâng cao sức mạnh quốc gia và thúc đẩy công nghiệp hóa. Người dân Hàn Quốc xem giáo dục như phương tiện chính để nâng cao thu nhập và vị thế trong xã hội. Theo Amsden (1989), chính phủ khuyến khích đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng chất lượng cao nhằm nâng cao kỹ năng cho người lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng của cấu trúc ngành công nghiệp và sự thay đổi cấu trúc xã hội.

      (4) Hàn Quốc chú trọng tới việc coi trọng luật pháp

      Trong quá trình điều hành nền kinh tế và đất nước, chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng pháp luật, đảm bảo tính thực thi của luật pháp, xây dựng hệ thống tòa án mạnh, đảm bảo an ninh và tài sản của người dân.

      (5) Hàn Quốc đã thực hiện hợp tác hiệu quả giữa khu vực công và khu vực tư

      Từ những năm 1960, chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong thực hiện các kế hoạch tham vọng hiện đại hóa nền kinh tế. Sự hợp tác giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo chính phủ được đẩy mạnh trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Sự hợp tác gần gũi hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở Hàn Quốc tiếp tục là động lực cho sự phát triển kinh tế hiện nay.

      (6) Chính phủ Hàn Quốc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu. Những năm 1960s, chính phủ Hàn Quốc đã quản lý khu vực kinh tế tư nhân thông qua một chuỗi các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu nhằm tối ưu hóa chính sách tín dụng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc những năm 1950s, 1960s được thiết lập theo mô hình hướng từ trên xuống dưới với sự tự do chính trị. Hệ thống kinh tế đã kết hợp các yếu tố của nhà nước tư bản và tự do kinh doanh. Theo Cho (1996), nền kinh tế bị thống trị bởi các tập đoàn kinh tế tư nhân (Chaebol) được hỗ trợ bởi chính phủ trong các lĩnh vực như sắt, thép, truyền thông, phân bón, hóa chất. Parnini (2011) cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc đã lựa chọn và thúc đẩy một nhóm các ngành công nghiệp chiến lược như điện tử, đóng tàu, ô tô. Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các hàng hóa đó. Các chính sách ưu đãi được thực hiện nhằm khuyến khích xuất khẩu như giảm thuế doanh thu, thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế cho các nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, miễn thuế kinh doanh, đẩy nhanh khấu hao tài sản cố định.

      Tuy nhiên Parnini (2011) cũng cho rằng việc nhấn mạnh vào phát triển công nghiệp và chiến lược khuyến khích xuất khẩu đã làm cho khoảng cách thu nhập giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp tăng cao từ những năm 1970s mặc dù chính phủ đã cố gắng có những chính sách nhằm nâng cao thu nhập khu vực nông nghiệp và cải thiện mức sống ở nông thôn.          

      Kết quả là trong giai đoạn 1965-1996, tốc độ tăng GNI trung bình khoảng 8%/năm, GNI/người tăng từ 105 USD lên 11.380 USD (Ha, 2006). Năm 2013, GNI/người của Hàn Quốc là 33.440 USD (giá sức mua tương đương)[4].

      Trung Quốc

      Kết quả nghiên cứu của Lin (2013) cho thấy, lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc từ khi mở cửa vào những năm cuối của 1970s đã chứng minh vai trò quan trọng của nhà nước trong nền kinh tế. Trong giai đoạn đầu của đổi mới, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng 2 nhóm chính sách: (1) nhóm chính sách bảo hộ và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước; (2) nhóm chính sách cho phép thị trường (với sự trợ giúp của vốn tư nhân) phát huy vai trò chủ yếu trong các ngành công nghiệp truyền thống qui mô nhỏ và sử dụng nhiều lao động. Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực liên tục nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng và sự đảm bảo pháp lý trong kinh doanh. Theo Lin (2013), Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 14 năm 1993 đã xác định vai trò cơ bản của thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc nhằm thúc đẩy đổi mới toàn diện.

      Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cũng mang lại những vấn đề không mong muốn như: tham nhũng, ô nhiễm môi trường. Do đó, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhằm khuyến khích cạnh tranh nhiều hơn, nhấn mạnh hơn vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế. Chính phủ Trung Quốc thực hiện các chính sách chặt chẽ hơn trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, môi trường. Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã ra quyết định về sự thay đổi vai trò của thị trường, từ “vai trò cơ bản” sang “vai trò quyết định”. Cụ thể Trung Quốc khẳng định rõ quan hệ giữa nhà nước và thị trường: “hệ thống kinh tế căn bản ở Trung Quốc cần phát triển trên cơ sở vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực”. 

      Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 9.8%/năm trong vòng 34 năm qua. GNI/người (sức mua tương đương) của Trung Quốc tăng từ 970 USD năm 1990 lên 11.850 USD năm 2013[5]. Lin (2013) cho rằng nếu như mối quan hệ giữa nhà nước hiệu quả và thị trường hiệu quả được giải quyết thỏa đáng, Trung Quốc có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 8%/năm trong vòng 20 năm nữa, và sẽ chuyển từ nước có thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao.

      Kết quả nghiên cứu của Lin (2013) cho thấy chìa khóa cho sự phát triển dài hạn của một quốc gia chính là việc xác định hợp lý mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước trong nền kinh tế. Tác giả cho rằng sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều nước đang phát triển bắt đầu theo đuổi mô hình phát triển hiện đại nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Tuy nhiên hầu hết các nước đều thất bại trong quá trình phát triển do không xác định được mối quan hệ hợp lý giữa nhà nước và thị trường. Lin (2013) cho rằng chỉ có hai nước Đài Loan và Hàn Quốc chuyển đổi thành công từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập cao; và 13 nước hoàn thành quá trình chuyển đổi từ nước có thu nhập trung bình sang nước có thu nhập cao. Theo Lin (2013), có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trên:

      (1) Việc áp dụng rộng rãi chủ nghĩa cấu trúc của các nước trong những năm 1950s, 1960s với vai trò tối thượng của nhà nước và loại bỏ vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực.

      (2) Sự phổ biến của của chủ nghĩa tự do mới những năm 1970s, 1980s với sự quá nhấn mạnh về vai trò của thị trường và loại bỏ vai trò của nhà nước trong phân bổ nguồn lực, tạo ra khủng khoảng sâu rộng. 

      2. Một số gợi mở cho Việt Nam

      Từ các nghiên cứu trên cho thấy, nhà nước luôn là một bộ phận hữu cơ nằm trong cấu trúc tổng thể của kinh tế thị trường. Vai trò của nhà nước hay thị trường trong vận hành nền kinh tế được nhấn mạnh dựa trên thực trạng nền kinh tế của các nước. Các nước xác định được tương quan hợp lý giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế thường phát triển vượt trội. Đối với Việt Nam, tác giả đưa ra một số gợi mở sau:

      (1) Việt Nam cần xác định được mối tương quan hợp lý giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhất định của nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, mối tương quan này cần được xác định và thực hiện nhằm hướng tới 3 trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường. 

      (2) Việc xây dựng được một chính phủ dịch vụ, chuyên nghiệp, hiệu quả là rất quan trọng bởi lẽ chỉ có chính phủ chuyên nghiệp hiệu quả mới tránh được việc ban hành các chính sách sai lầm trong điều tiết nền kinh tế, mới có khả năng phối hợp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giúp cho thị trường phát triển ổn định và lành mạnh dài hạn.

      (3) Nhà nước nên tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và khả thi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao.

      (4) Thị trường cần đóng vai trò quyết định trong phân bổ các nguồn lực. Thực hiện cạnh tranh tự do trong các loại thị trường: thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường dịch vụ.

      Tài liệu tham khảo

1. 2009. Economic Roles of Government. Ministry of Trade and Industry, Singapore

2. DIEP, P. T. H. 2011. Vai tro cua nha nuoc trong nen kinh te thi truong tu mot so hoc thuyet kinh te can, hien dai va van dung vao Viet Nam

3. DOBRZANSKI, P. 2011. Government's Role in the Economy: USA-Germany-Japan-China.

4. DRYSDALE, P. & FUJIWARA, I. 2014. How Should the World View Japan's New Economic Policy Strategy? Think Tank 20: The G-20 and Central Banks in the New World of Unconventional Monetary Policy, Australia.

5. GOLDBERG, I., GODDARD, J. G., KURIAKOSE, S. & RACINE, J.-L. 2011. Rethinking the Role of Government in Emerging Europe and Central Asia. World Bank.

6. IMAGAWA, E. 1992. The Role of Government in Economic Development: An Asian View. The Soka Economic Studies Quarterly, 22, 3.

7. KHARAS, H. & GERTZ, G. 2010. The New Global Middle Class: A Cross-Over from West to East. In: LI, C. (ed.) China’s Emerging Middle Class: Beyond Economic Transformation. Washington, DC: Brookings Institution Press.

8. LAM, N. M. K. 2000. Government Intervention in the Economy: A Comparative Analysis of Singapore and Hong Kong. Public Administration and Development, 20, 397-421.

9. LEE, C. H. 2002. The State and Institutions in East Asian Economic Development: the Past and the Future. The Journal of Korean Economy, 3, 1-17.

10. LIN, J. Y. 2013. Efficient Market, Effective Government. China Daily, 12.

11. PARNINI, S. N. 2011. The Role of Government in Economic Development: A Comparative Study between Bangladesh and South Korea. Journal of Public Administration and Governance, 1, 197-218.

12. PATRICK, H. 2014. Abenomics: Japan’s New Economic Policy Package. Occasional Paper Series, 62, 1-11.

13. SAKOH, K. 1984. Japanese Economic Success Industrial Policy or Free Market? . Gato Journal, 4, 521-548.

14. WINSTON, C. 2006. Government Failure versus Market Failure. AEI-Brookings Joint Center for Regulatory Studies, Washington, D.C.

 Chú thích:


[1] Nguồn: Civil Service College, Singapore 2014

[2] Nguồn: Ngân hàng thế giới 2012, 2013

[3] GDP/người của Hàn Quốc năm 2013 là 25,977 USD (nguồn: Ngân hàng thế giới).

[4] Nguồn: Ngân hàng thế giới

[5] Nguồn: Ngân hàng thế giới






Share Post




Một số bài viết khác

- Định hướng phát triển Logistic Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế - Tác giả: TS. Hoàng Đình Minh, TS. Trương Bảo Thanh, Ths. Nguyễn Quang Minh

- Chính sách tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam - Tác giả: PGS.TS Hoàng Văn Hoan

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015: Thực trạng và vấn đề - Tác giả: Ngô Quang Trung

- Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường - Góc nhìn từ khu kinh tế Vũng Áng: Nghiên cứu trường hợp khu liên hợp gang thép của tập đoàn FORMOSA - Tác giả: TS. Phí Hùng Cường

- Khả năng huy động vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Tác giả: TS. Hoàng Đình Minh, TS. Trương Bảo Thanh

- Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay - Tác giả: Ngô Quang Trung

- Phòng ngừa, khắc phục một số căn bệnh trong tư duy lãnh đạo, quản lý - Tác giả: PGS.TS. Đoàn Minh Huấn

- Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng Trung Quốc - Tác giả: Cao Huy Thuần