Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường - Góc nhìn từ khu kinh tế Vũng Áng: Nghiên cứu trường hợp khu liên hợp gang thép của tập đoàn FORMOSA - Tác giả: TS. Phí Hùng Cường
27/04/2016 09:04
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐI ĐÔI VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG - GÓC NHÌN TỪ KHU KINH TẾ VŨNG ÁNG: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP KHU LIÊN HỢP GANG THÉP CỦA TẬP ĐOÀN FORMOSA TS. Phí Hùng Cường Học viện Chính trị Khu vực I Khu kinh tế Vũng Áng nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, với hạt nhân phát triển là cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu quốc tế, nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của Lào và Thái Lan thông qua QL12A, cảng Vũng Áng - Sơn Dương. Đồng thời, khu vực quy hoạch khu kinh tế Vũng Áng có QL1A, xa lộ Bắc Nam đi qua (và tương lai sẽ đấu nối với đường sắt Quốc gia). Đây cũng là khu vực có quỹ đất lớn, sản xuất nông nghiệp ít hiệu quả, phù hợp cho xây dựng các công trình công nghiệp và đô thị. Điều kiện tự nhiên của khu vực Vũng Áng tương đối thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Việc xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung bộ, đưa miền Trung hội nhập với sự phát triển của cả nước. Phát triển Khu kinh tế Vũng Áng phù hợp với quan điểm phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, tăng cường hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với môi trường cạnh tranh quốc tế. Gắn kết và phối hợp giữa việc xây dựng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng với sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là với các nước láng giềng Lào và Thái Lan, nhằm xây dựng khu vực Nam Hà Tĩnh thành một cực phát triển quan trọng ở Bắc Trung Bộ. Khai thác và phát huy triệt để những lợi thế hiện có để xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng theo mô hình Khu kinh tế tổng hợp với hạt nhân là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Bên cạnh hoạt động dịch vụ cảng và sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ đi kèm như: thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi, tài chính ngân hàng, các dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền và khai thác các tiềm năng du lịch trong khu vực. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng hiện đại, đồng bộ. Phát triển Khu kinh tế Vũng Áng đảm bảo hiệu quả tổng hợp, cả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường. Tính đến hết tháng 04/2015 tại Khu kinh tế Vũng Áng có 93 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 265.475,79 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện đạt 178.938,5 tỷ đồng. Trong đó: 18 dự án du lịch, dịch vụ thương mại của nhà đầu tư trong và ngoài nước đang triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (một số dự án lớn đã triển khai đi vào hoạt động: Khu du lịch, dịch vụ Hồ Tàu Voi (giai đoạn 1) của Công ty TNHH Quốc tế Polaris Kty Việt Nam diện tích 14,81ha với số vốn đầu tư đăng ký là 70 triệu USD; Khu du lịch Hoành Sơn của Công ty Cổ phần du lịch Hà Tĩnh tại xã Kỳ Nam với diện tích 0,87ha với số vốn đăng ký 69,3 tỷ đồng; Dự án Khách sạn Mường Thanh của Chi nhánh Mường Thanh Hà Tĩnh - do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư với diện tích 4,93ha, số vốn đầu tư đăng ký gần 1.000 tỷ đồng. 1. Tổng quan về khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh Dự án nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một trong những dự án trọng điểm và lớn nhất của Tập đoàn Formosa đầu tư vào khu công nghiệp Vũng Áng, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (gồm 2 giai đoạn), nằm trên diện tích trên 3.300ha, trong đó diện tích đất liền là hơn 2.000ha và diện tích mặt nước trên 1.200ha. Theo báo cáo của FHS, Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh có công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II. Tổng mức đầu tư cho nhà máy này nằm trong tổng thể 3 dự án mà nhà đầu tư này đã và đang triển khai cho giai đoạn I với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD. Nhà máy được ứng dụng kỹ thuật, thiết bị tiên tiến trên thế giới về luyện gang thép và cán thép, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt nhất. Sau khi hoàn thành, Nhà máy gang, thép Formosa sẽ trở thành nhà máy thép với quy mô lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, giúp ổn định cơ bản thị trường thép, giảm thiểu nhập siêu thép của đất nước trong những năm qua. Để phục vụ triển khai dự án, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2 nghìn ha đất, với 11.825 lượt hộ gia đình, cá nhân, tổ chức ảnh hưởng; thực hiện di dời gần 3 nghìn hộ dân cùng 58 nhà thờ, gần 15 nghìn ngôi mộ lên khu tái định cư. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp để giúp người dân tái định cư có cuộc sống ổn định, đảm bảo phát triển bền vững. Ngoài việc tổ chức bồi thường, GPMB, tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để phục vụ nhà đầu tư triển khai dự án như xây dựng tuyến đường nối từ cảng Vũng Áng đến khu vực dự án, xây dựng hệ thống kênh tách nước phân lũ phòng chống ngập úng, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng nói chung và cho Dự án Formosa nói riêng; cung cấp các dịch vụ như điện, nước, thông tin liên lạc; đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Theo Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, đến nay khoảng 65% hạng mục của dự án đã hoàn thành. Dự án có ba mảng chính là nhà máy nhiệt điện, cảng và tổ hợp gang thép. Tháng 9 này nhà máy nhiệt điện số 1 sẽ phát điện, công suất 150 MW và 11 cầu cảng đã xây xong, có cảng nước sâu đón tàu lớn ra vào. Về tổ hợp gang thép, các hạng mục quan trọng đều đã cơ bản hoàn thành. Trên cơ sở tiến độ xây dựng đó, FHS - khẳng định trong năm 2015 sẽ ra mẻ thép đầu tiên. Để chuẩn bị cho mẻ thép đầu tiên sẽ ra lò vào tháng 5/2015, dự kiến trong giai đoạn một sẽ có 6.000 cán bộ, công nhân vận hành nhà máy, trong đó 1.000 người từ Đài Loan sang, số còn lại là lao động Việt Nam. Hiện tại phía Formosa đang tuyển lao động và tới thời điểm này đã tuyển được 4.000 người. Theo giấy phép đầu tư dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một có công suất 7,5 triệu tấn/năm, giai đoạn hai 15 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương phục vụ nhà máy gang thép, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD. Cơ cấu sản phẩm nhà máy liên hợp gang thép giai đoạn một với 7,5 triệu tấn gồm: phôi thép vuông 1,5 triệu tấn/năm, phôi dẹt 2,25 triệu tấn/năm, thép cuộn cán nóng 2 triệu tấn/năm, thép cuộn làm sạch và ngâm dầu 450.000 tấn/năm, thép kiện cán nóng 250.000 tấn/năm, băng thép cán nóng 1,05 triệu tấn/năm. Theo thuyết minh của phía Formosa, sản phẩm chủ chốt của họ sắp tới sẽ là các loại thép tấm để phục vụ làm khung sườn ôtô và họ muốn nhắm đến các trung tâm sản xuất ôtô lớn ở Thái Lan, Malaysia. Mặc dù Formosa tuyên bố sản phẩm chính của họ sẽ là thép tấm, với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng theo ghi nhận máy móc thiết bị phục vụ cho dự án chủ yếu từ Trung Quốc. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vũng Áng, dự án Formosa bắt đầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ năm 2010. Các mặt hàng này phục vụ chủ yếu cho các dự án lò luyện thép, nhà máy nhiệt điện đang triển khai xây dựng. Trong đó trên 90% được nhập về từ Đài Loan và Trung Quốc, phần còn lại là từ nhiều quốc gia khác như Đức, Bỉ, Úc... Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu của dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi rất lớn như miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, chưa kể Formosa là đối tượng đầu tư trong khu vực được ưu tiên nên tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định... 2. Thực trạng sản xuất thép trong nước Trong nhiều thập niên xoay quanh mốc chiến tranh thế giới thứ II, ngành thép được coi là “bánh mì”, là thước đo độ lớn và sức mạnh của một nền kinh tế trên thế giới. Thép là một trong những vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất trong xây dựng, từ những ngôi nhà đến các tòa nhà cao chọc trời, từ những con đường đến những cây cầu..., và hiện diện mọi nơi trong cuộc sống thường nhật. Mặc dù “thời kỳ” của thép đã đi qua nhưng sức nặng của ngành đối với nền kinh tế của một quốc gia vẫn luôn tồn tại. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, khi thị trường bất động sản và xây dựng bị đóng băng và đình trệ, cộng với việc giảm đầu tư công dẫn dến sự suy yếu của toàn ngành thép, thậm chí ngay cả doanh nghiệp lớn có “máu mặt” như Công ty Cổ phần Thép Pomina cũng đã từng đứng trước thời khắc được xem là nguy hiểm nhất. Năm 2014, tiêu thụ thép sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 3-5% so với năm 2013 (do một số dự án hạ tầng của Chính phủ được triển khai), với sản lượng tiêu thụ khiêm tốn khoảng hơn 12 triệu tấn. Doanh nghiệp thép Việt Nam gặp thị trường đã khó, nhưng khó hơn là phải cạnh tranh với nguồn thép được nhập từ Trung Quốc tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Và sẽ còn căng thẳng hơn khi hai tháp lò cao (giai đoạn I) của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Có 7,1 triệu tấn thép thành phẩm/năm sẽ được sản xuất bởi doanh nghiệp này, trong đó 3 triệu tấn thép được tiêu thụ trong nước (chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM). Một tương lai xa hơn, khi toàn bộ dự án Formosa trị giá 28 tỉ USD hoàn thành, ước tính hằng năm Formosa sẽ đưa ra thị trường 22,5 triệu tấn thép. Theo Thống kê của Bộ Công thương, các tháng đầu năm 2014, ngành thép vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do lượng sản xuất, tiêu thụ và giá bán đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2014 lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn, giảm 4,7%, so với cùng kỳ năm 2013. Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép chỉ đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013. Do công suất sản xuất thép dư thừa, tiêu thụ trong nước chậm, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất thép ngày càng khốc liệt, nên dự báo sẽ có thêm doanh nghiệp trong ngành này phải ngừng sản xuất. Theo thống kê của Viện gang thép Đông Nam Á (SEAISI), năm 2013, Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ làm tăng nguồn cung các sản phẩm trong khi sức mua nội địa còn yếu dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. 3. Khu liên hợp gang thép Formosa Formosa là dự án đến từ Đài Loan. Cùng với vốn đầu tư “khủng” nêu trên, dự án này được ưu đãi đầu tư rất lớn mà chưa dự án nào có được: được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (trong khi doanh nghiệp thép nội địa phải chịu thuế 22%) tính từ năm có thu nhập chịu thuế, sau đó được miễn thuế trong 4 năm và giảm tiếp 50% trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt hơn nữa là mức ưu đãi đối với tiền thuê cho toàn bộ hơn 3.318 ha đất trong 70 năm, thời gian thuê ổn định và không bị thu hồi trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là cơ sở ban đầu để nhà đầu tư láng giềng này mạnh tay đầu tư vốn lớn. Nhằm phục vụ triển khai dự án này, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất với 11.825 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, còn thực hiện di dời 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ về các khu tái định cư. Sau sự cố “giàn khoan Trung Quốc” và những vụ tranh chấp xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh vào tháng 5, Formosa đã tận dụng thêm cơ hội này để đề nghị được bù đắp bằng những chính sách ưu đãi ở mức cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thậm chí Formosa Hà Tĩnh còn mong muốn được thành lập đặc khu kinh tế cho riêng mình. Chính phủ đã bác bỏ các đề xuất táo bạo này nhưng rõ ràng có thể thấy tiếng nói mạnh dạn của Formosa trên thương trường. Mới nhất, Formosa cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thành lập đội tàu vận chuyển thép của Công ty tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là đối với lĩnh vực thép trong nước đang rất cần được hỗ trợ thì những biệt đãi dành cho Formosa dường như chưa được công bằng cho ngành thép nội địa. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mỗi biện pháp ưu đãi cần gắn liền với việc mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng với dự án Formosa, lợi ích mang về cho Việt Nam chưa thực sự rõ ràng. Về mặt lợi thế cạnh tranh trên thị trường, sự xuất hiện của Formosa với quy mô và ưu đãi lớn đã tạo thêm áp lực cạnh tranh, thậm chí có thể đẩy nhiều doanh nghiệp Việt ra khỏi thị trường. Về lao động, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 10.2014, số lượng lao động người nước ngoài tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã gần 6.000, trong đó có 4.200 lao động Trung Quốc hiện làm việc cho Formosa. Một dự án lớn tại Việt Nam nhưng lại giải quyết bài toán lao động cho người nước ngoài. Về chuyển giao công nghệ, với dự án đến 28 tỉ USD và lò cao được thiết kế với công suất 2.000 m3, trong khi các công ty thép nội với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và quy mô lò cao lớn nhất cũng mới đạt 500 m3 thì liệu doanh nghiệp nào có thể hưởng lợi từ công nghệ mà Formosa chuyển giao. Bên cạnh đó, quá trình vận hành dự án cũng sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên trong nước và gây ô nhiễm môi trường. Formosa từng tuyên bố sản phẩm của họ chủ yếu để xuất khẩu nhưng với thị trường tiêu thụ lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc đang đóng băng, thậm chí sẽ sụt giảm mạnh trong các năm tới thì có thể Formosa sẽ tìm mọi cách để gia tăng lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh giữa một bên là Formosa và một bên là các doanh nghiệp thép nội địa thì lợi thế vẫn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Với chiến lược hướng đến thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thép nội địa đã bỏ qua câu chuyện cạnh tranh ở thị trường này với ngay chính Formosa. Cần nhắc lại rằng trong 7,1 triệu tấn thép thành phẩm của Formosa sản xuất mỗi năm, có 3 triệu tấn thép được tiêu thụ ở Việt Nam, hơn 4 triệu tấn thép còn lại sẽ nhắm đến thị trường các nước lân cận, vì chi phí vận chuyển khá lớn. Và thị trường Đông Nam Á hiển nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của Formosa. Ứng dụng công nghệ luôn là hướng đi đúng đắn và cần được khuyến khích đầu tư. Thế nhưng, nếu khẳng định sử dụng công nghệ có thể vượt lên Formosa là không thực tế, bởi thiếu điều kiệu về quy mô. Một nhà máy sản xuất với quy mô lớn sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, hàng rào thuế nhập khẩu bảo hộ cho các mặt hàng như ống thép, phôi thép, thép xây dựng... sẽ được dỡ bỏ trước cột mốc năm 2015. Đây cũng là một lực cản lớn cho ngành thép nội. Bài toán cho các doanh nghiệp thép Việt trước thách thức của thị trường và trước một đối thủ lớn vẫn còn khó và nhiều trăn trở. Những yêu cầu gần đây của các doanh nghiệp thép nội, đơn cử như yêu cầu tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngành thép xuống thấp hơn mức hiện hành, có thể sẽ rút ngắn khoảng cách trong cuộc so găng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép nội hiện vẫn chờ đợi nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía Nhà nước trong cuộc chiến sinh tồn phía trước. 4. Một số vấn đề môi trường đối với sản xuất gang thép Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp có “tiềm năng” gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do có lượng chất thải gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn lớn và có nồng độ các chất ô nhiễm cao. Một tổ hợp sản xuất càng sáp nhập nhiều khâu sản xuất ở mạn ngược chu trình chế biến bao nhiêu thì càng ô nhiễm môi trường và càng tiêu thụ năng lượng bấy nhiêu. 4.1. Phát thải ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng Sản xuất gang thép giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại qua nhiều thiên niên kỷ do chúng được sử dụng rất rộng rãi trong các ngành nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và phân phối năng lượng, chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất hàng gia dụng và trong y học, trong an ninh quốc phòng … Một trong những đặc trưng cơ bản của ngành thép là tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo thống kê của Viện Năng lượng, Việt Nam hiện có khoảng 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng lượng điện tiêu thụ hàng năm đã lên gần 3,5 tỷ kWh. Lượng than, dầu, điện ngành thép tiêu thụ chiếm khoảng 6% tổng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, do công nghệ lạc hậu nên thời gian luyện 1 mẻ thép cũng cao gần gấp đôi so với trung bình trên thế giới. Theo tính toán để luyện được 1 mẻ thép, các doanh nghiệp mất khoảng 90-180 phút (trung bình thế giới là 45-70 phút), tiêu hao điện từ 550-690 kWh/tấn (trung bình thế giới là 360-430 kWh/tấn). Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2”. Theo tính toán, sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5-1 tấn xỉ, 10.000m3 khí thải, 100kg bụi. Rất nhiều các chất ô nhiễm như: axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... thải ra môi trường. Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài nguyên liệu chính là thép phế, sắt xốp, gang thỏi hoặc gang lỏng, vôi, việc sản xuất thép còn sử dụng năng lượng như than, gas, điện, dầu, oxy, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Trong một số trường hợp, nước làm mát không được tuần hoàn tuyệt đối cũng phát thải ra môi trường. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất gang và thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với một lượng bụi lên tới hàng ngàn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các oxit kim loại và những loại oxit khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2 cùng với một số khí độc khác. Bụi sinh ra chứa các oxit và những tác nhân khác có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà trực tiếp là những công nhân làm việc trong nhà máy. Tuy nhiên nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm các nguồn nước mặt. Ví dụ như nước sông Cầu bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do nước thải sản xuất của Cty Gang thép Thái Nguyên và một số cơ sở khác đã thải ra. Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm nhiệt, rung động, tiếng ồn cũng là những vấn đề ngành thép đang phải quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh ra ô nhiễm môi trường là do thiết bị công nghệ cũ và lạc hậu; thiếu kinh phí đầu tư cho các giải pháp công nghệ xử lý chất thải. Đó là những bài toán khó đang đặt ra trong bước đường tồn tại và phát triển của ngành thép Việt Nam. 4.2. Tiết kiệm năng lượng – tiềm năng cần đánh thức Các chuyên gia cho rằng, để chương trình tiết kiệm năng lượng đối với sản xuất công nghiệp hiệu quả cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp trọng điểm phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong cơ sở sản xuất công nghiệp cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả. Theo tính toán, nhiên liệu cho 1 tấn thép sản xuất bằng công nghệ lò điện hồ quang ở Việt Nam còn rất cao so với các nước châu Âu và Nhật Bản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát thải trong sản xuất thép lò điện ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới. Như vậy, việc cải tiến công nghệ và thiết bị, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn và giảm mạnh phát thải, đảm bảo cho việc phát triển bền vững cũng như tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm thép của nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Có thể thấy, tiềm năng sản xuất sạch hơn trong ngành sản xuất thép lò điện ở nước ta còn rất lớn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu, luyện thép trong lò điện hồ quang, tinh luyện thép trong lò thùng đến đúc phôi trong máy đúc liên tục. Tiềm năng tiết kiệm về nguyên liệu có thể đạt 4 - 5% , điện năng 10 - 20%, điện cực grafit 10 - 20% , vật liệu chịu lửa 5 - 10% ... Trước những khó khăn và thách thức hiện nay, ngành thép cũng giống như các ngành sản xuất khác cần phải cơ cấu lại trước khi quá muộn. Những doanh nghiệp thép không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất có hiệu quả. 4.3. Một số vấn đề môi trường ở KKT Vũng Áng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với nhiều dự án kinh tế đã và đang được triển khai xây dựng và nhiều công trình sắp hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải ở đây đã đến mức báo động. Mặc dù đã có những tấm biển “cấm đổ rác’’ được cắm bên QL 1A, nhưng rác thải ngày một nhiều, lấn cả đường đi lối lại. Cạnh các quán ăn, trước cổng nhà dân, trước cổng chính vào khu vực dự án FORMOSA, túi ni lông, giấy, bao bì, xác chết động vật và các loại chất thải khác… vứt bừa bãi; ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường. Vấn đề rác thải rắn, chỉ tính riêng tại khu vực Khu kinh tế Vũng Áng (diện tích rộng 22.781ha bao gồm 9 xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh, thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc và phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hưng và Thị trấn Kỳ Anh), ước tính khoảng 50% chất thải thải rắn của toàn huyện Kỳ Anh đi ra từ Khu kinh tế Vũng Áng, hầu hết các xã đều bị rác thải “tấn công” gây ô nhiễm nặng, trầm trọng nhất là hành lang QL1A qua xã Kỳ Liên đang bị biến thành bãi rác công cộng. Không ít người dân bức xúc và thắc mắc: Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà một khu kinh tế có quy mô và tầm cỡ như cảng Vũng Áng vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn. Hệ quả là ngay hành lang đường Quốc lộ 1A đi qua, nơi tập trung đông dân cư sinh sống đang phải nhường bớt chỗ cho những đống rác bốc mùi xú uế, hôi thối; ruồi muỗi sinh sôi và phát tán. Một vấn đề dễ nhận thấy nữa là với mục tiêu khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa của Hà Tĩnh trong những năm gần đây, các ngành nghề sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang có những dịch chuyển nhất định thì số lượng chất thải cũng thay đổi theo. Rất nhiều chất thải là hóa chất, chất độc hại đã được tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi trong khi quy trình xử lý chất thải vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này đồng nghĩa với việc những hóa chất mới này hầu như không được xử lý hoặc sau khi xử lý, chúng vẫn giữ nguyên yếu tố độc hại và việc thải ra môi trường là vô cùng nguy hiêm. Thiết nghĩ, Ban quản lý KKT Vũng Áng, huyện Kỳ Anh cần quan tâm giải quyết dứt điểm tình trạng này, trả lại môi trường trong lành, mỹ quan cho KKT trọng điểm và đảm bảo sức khỏe người dân. Khi dự án khu liên hợp gang thép Formosa đi vào hoạt động sẽ phát thải ra môi trường lượng khí thải và nước thải. Vì vậy, công tác nghiên cứu dự báo ô nhiễm không khí do FHS muốn thay đổi phương án hệ thống các ống khói từ 24 ống khói (phương án đã được nêu trong Báo cáo ĐTM năm 2008) còn 20 ống khói và thay đổi các thông số số kỹ thuật của các ống khói. Vì vậy Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu tính toán dự báo về mức độ ô nhiễm môi trường không khí do các phương án thay đổi. VESDEC đã thực hiện nhiệm vụ này bằng biện pháp áp dụng các mô hình tiên tiến nhất để dự báo ô nhiễm không khí theo các kịch bản về thay đổi tổ hợp các ống khói theo các điều kiện khác nhau về xả thải, khí hậu. Kết quả dự báo bằng mô hình AERRMOD thực hiện cho thấy nếu theo các phương án cũ (PA 2008) về ống khói ô nhiễm không khí do bụi, SO2, NO2 sẽ ở mức nghiêm trọng trên diện tích rất rộng nếu không xử lý khí thải. Tuy nhiên nếu theo phương án mới (PA 2014) với việc giảm rất lớn hàm lượng các chất ô nhiễm trong nhiên liệu mức độ ô nhiễm không khí chung quanh sẽ được giảm đáng kể so với PA 2008. Công ty FHS muốn thay đổi phương án xả nước thải sau xử lý ra biển thay cho xả ra sông (theo Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định năm 2008). Vì vậy Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu tính toán dự báo về mức độ ô nhiễm môi trường do phương án thay đổi. VESDEC đã thực hiện nhiệm vụ này bằng biện pháp áp dụng các mô hình tiên tiến nhất để dự báo ô nhiễm vịnh Sơn Dương theo các kịch bản về thay đổi phương án xả nước thải theo các điều kiện khác nhau về thủy văn, khí hậu, chế độ xả thải. 4.4. Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất thép Để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường của ngành Thép, ngày 25/1/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BCT “Quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép”. Theo Thông tư này, từ 1/6/2014, việc thiết kế, xây dựng các cơ sở sản xuất gang, thép, bao gồm: luyện than cốc, thiêu kết, luyện gang, luyện thép lò chuyển, luyện thép lò điện hồ quang, luyện thép lò điện cảm ứng và cán thép (sau đây gọi tắt là Cơ sở sản xuất gang, thép), phải đảm bảo các yêu cầu chung sau: Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và quản lý chất lượng công trình; Công nghệ, thiết bị sử dụng tại cơ sở sản xuất gang, thép phải đồng bộ, đáp ứng quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ; Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Điều 7 (Quy định đối với cơ sở luyện gang lò cao) cần phải đáp ứng yêu cầu sau: 1. Dung tích lò cao tại các khu vực ven biển: ≥ 1.000 m³, tại các khu vực còn lại: ≥700 m³. 2. Suất tiêu hao năng lượng ≤ 14.000 MJ/tấn gang, trong đó suất tiêu hao than cốc ≤ 450 kg than cốc/tấn gang (suất tiêu hao năng lượng được tính theo Phụ lục I và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này). 3. Nhiệt độ gió nóng đưa vào lò cao ≥ 1.100ºC. Còn Quy định đối với cơ sở luyện thép lò chuyển (Điều 8) phải đáp ứng tiêu chuẩn như: 1. Dung lượng lò chuyển tại các khu vực ven biển: ≥ 70 tấn/mẻ, tại các khu vực còn lại: ≥ 50 tấn/mẻ. 2. Có dây chuyền đúc liên tục. 3. Có hệ thống thu hồi nhiệt (nhiệt vật lý, nhiệt hóa học) của khí thải để làm nhiên liệu sản xuất hơi nước, sử dụng cho phát điện hoặc mục đích khác. Về môi trường, Thông tư số 03 đã đã quy định cụ thể về xử lý khí thải (Điều 12); Quy định về xử lý chất thải rắn (Điều 13) và Quy định về xử lý nước thải (tại Điều 14). Ví dụ, về xử lý chất thải rắn, Điều 13 quy định: (1) Cơ sở sản xuất gang, thép phải thu hồi, xử lý chất thải rắn theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT- BTNMT ngày 16/11/2009 và QCVN 50:2013/BTNMT về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước ban hành kèm theo Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT ngày 25/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn quốc gia về môi trường; (2). Xỉ thải, bụi lò thu được từ các khâu công nghệ luyện gang, thép phải được chế biến, tái sử dụng đảm bảo các quy định về môi trường. Nếu các cơ sở sản xuất gang, thép căn cứ vào quy hoạch của ngành thép để tự cải tiến và nâng cấp thiết bị hoặc đầu tư công nghệ mới thì các doanh nghiệp này mới sản xuất được những sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước những tác động tiêu cực tới môi trường như gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đất, không khí với sự gia tăng các chất thải rắn nguy hại, khu công nghiệp (KCN) được xem là một trong những tác nhân làm suy thoái môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cộng đồng dân cư. Tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định của pháp luật là chìa khóa để giảm thiểu ô nhiễm tại các KCN. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, xử lý các nguồn chất thải tại các khu công nghiệp cũng như cụm khu công nghiệp. Hơn nữa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại thân thiện môi trường trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt chính sách phát triển bền vững. Cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom xử lý chất thải, có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đặc biệt quan trọng, hạ tầng phải được đầu tư phát triển đông bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Được biết, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hiện nay tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh chưa đảm bảo, chính vì vậy việc đầu tư phát triển hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, khu xử lý chất thải rắn tập trung, nhà máy xử lý nước thải tập trung hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu kinh tế, khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2006/NÐ-CP của Chính phủ về quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển theo hướng làm rõ đối tượng áp dụng, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và các chế tài xử lý. Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương. KẾT LUẬN Với nhu cầu gang thép lớn như hiện nay, nhiều công ty và ngân hàng đổ vốn vào ngành này. Họ thấy Việt Nam là một nơi làm ăn dễ dãi thì họ đến đầu tư. Nhưng, nếu một chục năm nữa gió đổi chiều, giá thép trên thị trường quốc tế giảm xuống, thì họ không ngần ngại rút lui để đầu tư vào ngành khác hay và ở nước khác. Triển vọng những tổ hợp gang thép này sẽ ngưng hoạt động không phải là một giả thuyết có tính cách hàn lâm. Đó chỉ là hậu quả của xu hướng toàn cầu hóa. Lúc đó môi trường xung quanh nhà máy sẽ trong sạch hơn, nhưng vẫn còn cả nghìn hecta đất và mặt biển đã bị ô nhiễm mà không biết bao giờ mới hồi phục. Lúc đó ai sẽ nghĩ tới số phận những công nhân cũ của nhà máy? Dù đã được tuyển dụng từ tuổi rất trẻ, sau nhiều năm lao động, những người này sẽ là những người cao tuổi. Sau khi bị khai thác với đồng lương rẻ mạt vì nhà máy không đòi hỏi phải có kỹ năng cao và sau nhiều năm không có dịp luyện tập trí não, khả năng chuyển nghề của những người này sẽ là như thế nào? Ngoài vấn đề môi trường thì khu kinh tế còn một số vấn đề: i) Vi phạm chủ yếu ở một số doanh nghiệp sử dụng lao động là người Trung Quốc. Các doanh nghiệp này thường đưa lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật, chỉ khi bị kiểm tra, phát hiện mới tiến hành làm các thủ tục. Nhiều doanh nghiệp và người lao động còn tìm cách “lách luật” để không phải làm giấy phép lao động bởi theo quy định của Luật thì lao động làm việc dưới 3 tháng không phải cấp giấy phép lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp thường cho lao động làm việc dưới 3 tháng rồi về nước, sau đó lại tiếp tục tuyển dụng lại, nên rất khó quản lý; ii) Điều kiện ăn ở, sinh hoạt không đảm bảo, những thiếu thốn về đời sống vật chất đă ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động. Mặt khác, đa số lao động là những người chuyển đổi nghề nghiệp từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, trong lối sống vừa mang dấu ấn của văn hóa làng xã nông thôn, vừa phải thích ứng và phát triển yếu tố văn hóa mới nơi đô thị. Phải làm quen với lối sống tác phong công nghiệp đă khiến không ít công nhân lao động vấp phải những khó khăn; iii) Công tác tái định cư và khả năng sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất tại khu vực quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Người dân sau thu hồi đất thường gặp phải tình trạng thiếu đất sản xuất, cuộc sống không ổn định,... Đặc biệt, một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất không tìm được việc làm phù hợp hoặc chưa nhận được giúp đỡ của chính quyền địa phương. Do thiếu quỹ đất sản xuất nông nghiệp nên xuất hiện tình trạng người dân đem tiền đền bù gửi tiết kiệm, xây nhà hoặc mua sắm tài sản không sinh lời và không tạo được công ăn việc làm, khiến một số hộ dân dần dần lâm vào hoàn cảnh khó khăn; iv) Vấn đề lao động trong khu công nghiệp. Việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp khu công nghiệp đang gặp mâu thuẫn, đó là thiếu lao động kỹ thuật, có tay nghề trong khi số lao động cần tạo công ăn việc làm còn rất dư thừa. Để giải quyết tình trạng này, các chủ doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động từ nơi khác đến, phải tổ chức đào tạo người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Điều này vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa là yếu tố phát sinh những vấn đề phức tạp cho chính quyền địa phương từ việc di cư lao động từ địa phương này sang địa phương khác làm việc trong khu công nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tổng hợp từ các tài liệu của cơ quan quản lý tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, các trang Website liên quan và kết quả chuyến đi nghiên cứu thực tế từ ngày 14/5 – 17/5/2015 tại Hà Tĩnh.
Share Post Một số bài viết khác |