Khả năng huy động vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Tác giả: TS. Hoàng Đình Minh, TS. Trương Bảo Thanh
20/04/2016 09:31
KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI VIỆT NAM TS. Hoàng Đình Minh TS. Trương Bảo Thanh Học viện Chính trị khu vực I Mở đầu Trên thế giới, doanh nghiệp vừa và nhỏ DNV&N giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tính đến ngày 01/01/2013, Việt Nam có 347.693 doanh nghiệp DN đang hoạt động. Trong năm 2013, đã có 60.737 DN phải giải thể, ngừng hoạt động, những cũng có thêm 76.955 DN đăng ký mới. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2014, cả nước có thêm 47.500 DN đăng ký thành lập mới. Trong tổng số DN tại Việt Nam thì gần 97% có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là DN tư nhân. DNV&N sử dụng 51% lao động toàn xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 hợp tác xã, trang trại và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp tới 60% vào cơ cấu GDP. Không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước, DNV&N còn tạo ra hơn 500.000 việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội (nguồn:VCCI). Tuy nhiên, DNV&N tại Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh SXKD và mở rộng đầu tư. Từ thực tiễn tại dự án PPP của GIZ và các công trình nghiên cứu khác, bài viết sẽ tập trung phân tích ưu và nhươc điểm của một số kênh dẫn vốn cho các DNV&N tại Việt Nam hiện nay và đưa ra khuyến nghị nhằm khai thác tối đa khả năng các kênh dẫn vốn này cho các DNV&N. 1. Tổng quan về doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam Tại Việt Nam, việc phân loại DN theo quy mộ được căn cứ theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, trong đó coi DNV&N là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ và vưa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, ngoài hai tiêu chí trên Nghị định này còn căn cứ vào ngành hoạt động để phân loại. Bảng 1: Phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nguồn: www.moit.gov.vn Từ cách phân loại trên cùng với đặc trưng riêng của một nền kinh tế nhỏ và mở, DNV&N Việt Nam có một số đặc điểm chung và riêng so với các DNV&N trên thế giới. Đó là những đặc điểm thuộc thế mạnh như: DNV&N cần vốn đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh và hiệu quả, sử dụng ít lao động và tận dụng các nguồn lực tại chỗ; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ có tính năng động và linh hoạt cao; có khả năng thâm nhập vào những thị trường ngách và lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi nhuận không cao; khả năng ứng biến linh hoạt. Các DNV&N thường chỉ chọn SXKD một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp với trình độ và kinh nghiệm của chủ DN cũng như năng lực tài chính của DN. Tuy nhiên, DNV&N tại Việt Nam có những hạn chế như: tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật. Trình độ quản lý hạn chế, do các chủ doanh nghiệp thường là những lao động phổ thông, kỹ thuật viên, kỹ sư tự đứng ra thành lập và vận hành DN. Họ vừa là người quản lý, vừa tham gia trực tiếp sản xuất nên mức độ chuyên môn trong quản lý không cao, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Ngoài ra, DNV&N có năng lực tài chính hạn chế và khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng TCTD. Thị trường của DNV&N thường nhỏ hẹp do khả năng tiếp cận thị trường mới còn rất hạn chế và khả năng cạnh tranh không cao, bắt nguồn một phần tư trình độ tay nghề của người lao động thấp và công nghệ sản xuất lạc hậu không hiệu quả…Những điểm yếu này khiến cho DNV&N rất nhạy cảm trước những thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội. Vì vậy, trong khủng hoảng kinh tế, số lượng DNV&N thường giảm nhiều do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề về nguồn vốn để khắc phục thiệt hại, duy trì hoạt động và tiếp tục đầu tư. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận được vai trò và những đóng góp của DNV&N đối với nền kinh tế như: cung cấp một lượng hàng hóa đáng kể cho tiêu dùng và xuất khẩu, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động (đặc biệt là lao động chưa qua đào tạo), đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế. Trong điều kiện ngày nay, sự phát triển của chuyên môn hóa và hợp tác không cho phép DN tự khép kín chu trình sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả, mà thay vào đó là các DNV&N là vệ tinh của DN lớn tỏ ra rất thích hợp. Với quy mô vốn và lao động không lớn, các DNV&N có thể nhanh chóng được thành lập, chuyển đổi mặt hàng SXKD. Đấy chính là yếu tố giúp thúc đẩy lưu thông hàng hóa, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bổ sung của các DNV&N cho các DN lớn. DNV&N đóng vai trò là công ty vệ tinh gia công những bộ phận đơn giản trong các sản phẩm, dịch vụ của các DN lớn, đồng thời là mạng lưới tiêu thụ hàng hóa cho các DN lớn. Ngoài ra, có những nhiệm vụ cụ thể mà DNV&N làm được trong khi các DN lớn thường ít quan tâm như: - Các DNV&N đóng vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế địa phương, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng vùng. DNV&N của địa phương sẽ ưu tiên sử dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương (đất đai, tài nguyên, lao động) để phục vụ phát triển kinh tế địa phương. - Các DNV&N tạo mối liên hệ chặt chẽ với các tổng công ty nhà nước và các tập đoàn xuyên quốc giá. Chẳng hạn, nhiệm vụ sản xuất ốc vít, sạc pin cho điện thoại di động, hay bu-lông, ốc cho ô tô là phần việc của các DNV&N. Thực chất, đa phận công nghiệp phù trờ tại các nước phát triển thường do các DNV&N đảm nhiệm. Vì đây là thế mạnh của loại hình DN này. 2. Thực trạng các kênh cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam Là một trong ba nhân tố sản xuất chính, vốn luôn giữ vai trò quyết định đối với hoạt động của tất cả các DN trong nền kinh tế. Đối với các DNV&N, do năng lực tài chính hạn chế nên việc đảm bảo có đủ vốn để hoạt động luôn là một vấn đế được chủ DN quan tâm hàng đầu. Khi số lượng vốn được cung cấp đầy đủ và kịp thời cho các DNV&N, thì nó sẽ giúp cho các DN này: - Đảm bảo được số vốn cần thiết trong việc triển khai các kế hoạch kinh doanh và mở rộng đầu tư của mình. - Cân bằng giữa “đầu vào” và “đầu ra” cho các DNV&N, thông qua việc dự trữ đủ nguyên vật liệu đầu vào và tìm được thị trường đầu ra qua các giải pháp marketing. - Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và trách nhiệm sử dụng vốn vay, tối ưu cơ cấu vốn cho DN. - Tạo điều kiện cải thiện công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. - Nâng cao trình độ quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp và trình độ tay nghề của người lao động thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Tất cả các hoạt động trên đều cần đến vốn, khi nguồn tài chính đảm bảo thì các DNV&N mới dám tiến hành các hoạt động này. Hiện nay, đa phần các DNV&N có nguồn lực tài chính còn hạn chế, nên họ chỉ đủ sức để duy trì hoạt động như đã có sẵn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cơ cấu và nguồn vốn bình quân của DNV&N tại Việt Nam trong thời gian qua được cấu trúc như sau: Bảng 2: Cơ cấu tổng tài sản doanh nghiệp vừa và nhỏ theo năm.
Nguồn: Tổng cục thống kê Qua bảng trên, có thể thấy quy mô vốn đăng kí bình quân của DNV&N tại Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Năm 2011 bình quân 1 DN đăng kí thành lập với 6,87 tỷ đồng cho tài sản ngắn hạn, nhưng đã giảm xuống 5,13 tỷ đồng trong năm 2013(chưa tính tới yếu tố lạm phát). Thức chất DNV&N tại Việt Nam thường sử dụng nợ phải trả để tài trợ cho tài sản, phần lớn là bổ sung cho tài sản ngắn hạn (trong tài chính coi là tài sản lưu động). Điều này cũng cho thấy, đa phần các DNV&N tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Do đó, lượng tài sản dài hạn thường không quá lớn, đồng thời quy mô vốn chủ sở hữu VCSH của các DNV&N tương đối nhỏ, nên họ thường phải sử dụng nợ phải trả để tài trợ cho vôn kinh doanh của mình. Vì vậy, trong khi số lượng và dư nợ tín dụng của DNV&N giảm thì tổng giá trị tài sản đảm bảo cho dư nợ tăng liên tục. Năm 2011 là 994 nghìn tỷ đồng, năm 2012 ở mức 1,05 nghìn tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2013 đạt 1,138 nghìn tỷ đồng. Để luôn đảm bảo được đủ vốn cho hoạt động SXKD thì các DNV&N phải tìm cách tiếp cận các nguốn vốn sẵn có trong nền kinh tế. Hình 1: Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguồn: tổng hợp của tác giả Đối với DNV&N thì hai nguồn cung cấp vốn chính vẫn là VCSH và các khoản vay từ các tổ chức tín dụng. Còn các nguồn vốn khác thường phụ thuộc vào đặc điểm kinh doanh và chính sách phát triển vĩ mô của Chính phủ trong từng thời kỳ. Bài viết sẽ tập trung phân tích những ưu và nhược điểm của tưng kênh dẫn vốn đối với DNV&N. Trong quá trình phát triển và hoạt động của các DNV&N, thì tại mỗi thời điểm từng kênh dẫn vốn sẽ đóng vai trò khác nhau. * Kênh thứ nhất, trong giai đoạn mới thành lập, nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho các DNV&N thường là VCSH và từ những người thân quen. Do tại thời điểm mới thành lập, các DNV&N thường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp. Vì thế việc tiếp cận các nguồn vốn khác trọng thời điểm này là gần như không thể, đặc biệt là nguồn vốn từ các TCTD. Trên thế giới, tại một số nước phát triển thường có những quỹ hộ trợ hoặc các Angel Investor hỗ trợ tài chính cho quá trình khởi nghiệp (start up). Trên thực tế, nguồn VCSH khi đã đầu tư vào DN thường đã ở mức tôi đa về tài chính của chủ DN. Vì thế, khi DN đã hoạt động và gặp khó khăn như trong giai đoạn từ 2011 đên này, thì thường chủ DN phải đi tìm các nguồn vốn khác để duy trì hoạt động của DN. Kênh huy động vốn từ người thân và bạn bè của chủ DN thường rất hạn chế về mặt quy mô và thời gian cho vay. Có thể thấy kênh huy động vốn này chỉ có thể là tạm thời và không phải là kênh huy động lâu dài cho hoạt động SXKD của DN. * Kênh thứ hai đối với các DNV&N chính là tín dụng từ các TCTD. Ngân hàng luôn là kênh cung cấp vốn quan trong đối với tất cả DN trong nền kinh tế. Theo VCCI, khoảng 75% số DN tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng (NH), nhưng không phải DN nào cũng có khả năng tiếp cận được nguồn vốn từ NH. Chủ tịch VCCI cho rằng “Tiếp cận vốn đang là một trong những rào cản chính cho khu vực DNV&N. Đa số những DN lớn, có uy tín, thương hiệu mới đáp ứng được những yêu cầu từ phía các NH”. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM), từ năm 2012 đến tháng 9/2013 không có DNV&N nào được bảo lãnh để vay vốn. Đa phần các DNV&N đều cho rằng, thủ tục vay vốn của cac NHTM hiện nay là quá sức so với họ, thậm chí ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có một số rất ít các DNV&N có thể vay được vốn từ các NH. Trên thực tế, NHTM là chủ thể đi vay và cho vay trong nền kinh tế với mục đích tìm kiếm lợi nhuận và hạn chế rủi ro cho bản thân họ. Các NHTM khi cho vay thường xét đến các yếu tố như: độ rủi ro của phương án vay vốn có cao hay không, tính khả thi của phương án kinh doanh, tài sản thế chấp có đáp ứng các điều kiện đặt ra của phía ngân hàng, nếu các yếu tố này không rõ ràng thì các NH thực sự rất khó có thể đưa ra các phương án cho vay khả thi. Các NHTM còn e ngại trong việc cho các DNV&N vay vì một số nguyên nhân bắt nguồn từ phía các DNV&N như: - Năng lực và tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các DNV&N. - DNV&N thiếu tài sản thế chấp, hoặc nếu có thì trong điều kiện thủ tục xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội vay vốn. - DNV&N có quy mô sản xuất nhỏ, trang thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu. - Việc khai báo thông tin của các DNV&N trong quan hệ tín dụng với NHTM chưa trung thực. - Một số DNV&N đã vay vốn và sử dụng sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay. - DNV&N gặp khó khăn trong việc minh bạch hoá tài chính nhằm thoả mãn điều kiện vay vốn của NH. Nhiều DNV&N không đáp ứng được yêu cầu này do tổ chức và hoạt động từ nguồn vốn góp của gia đình, bạn bè, người thân…nên sổ sách tài chính không rõ ràng. Mặt khác, phần lớn DNV&N trong ngành chế biến, gia công, thủ công mỹ nghệ…mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân, thanh toán bằng tiền mặt, không có hoá đơn chứng từ nên không thể chứng minh sự minh bạch tài chính của mình theo yêu cầu của NH. Ngoài các nguyên nhân từ phía các DNV&N , thì cũng có một số nguyên nhân từ phía các NHTM làm hạn chế việc tiếp cận vốn của các DNV&N như: - DNV&N thếu thông tin về sản phẩm cho vay của các NHTM. Theo khảo sát của dự án PPP của GIZ, đa phần các DNV&N khi đi vay vốn của các NHTM đã thường nhờ nhân viên tín dụng hoàn thiện hồ sơ để vay vôn. Điều này thể hiện sự hạn chế của chủ DN đối với các chính sách và thủ tục vay vốn của các NHTM, và thói quen làm việc theo “mối quan hệ”. - Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế vốn tín dụng của các NHTM đối với các DNV&N. - Thời gian từ lúc DN xin vay cho đến lúc giải ngân vẫn còn kéo dài. - Một số cán bộ NH chưa nghiêm túc chấp hành quy trình tín dụng. - Một số tài sản của DNV&N bị NH định giá khá thấp so với giá thị trường. - Cán bộ NH còn thiếu năng lực chuyên môn trong việc đánh giá tính hiệu quả của các dự án. - Lãi suất tại các NHTM cổ phần quá cao trong một số thời điểm. * Kênh dẫn vốn thứ ba phải tính đến các quỹ hỗ trợ của Chính phủ. Năm 2014, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ cho DNV&N, nhất là việc tạo điều kiện cho DN tham gia vào các dự án của Chính phủ. DNV&N đang thiếu vốn, việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN còn chậm và chưa đều khắp. Nếu DNV&N phải chịu lãi suất ngân hàng cao như giai đoạn 2011 - 2012 thì sẽ khó tồn tại được. Một trong những biện pháp giúp DNV&N tiếp cận nguồn vốn trong năm 2014 là việc đưa Quỹ phát triển DNV&N vào hoạt động một cách mạnh mẽ. Quỹ tập trung vào các DN có tiềm năng phát triển, có dự án, phương án kinh doanh khả thi và DN nằm trong diện đối tượng ưu tiên, như DN phụ trợ, DN chế biến nông sản, DN xuất khẩu... Quỹ này cho DN vay vốn với lãi suất có ưu đãi so với thị trường, lãi suất sẽ được tính theo lãi suất trung bình của các NHTM lớn nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 58/2013/QÐ-TTg thay thế Quyết định 193 trước đây về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNV&N . Việc thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển DNV&N dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong khối ASEAN, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thành lập và vận hành các quỹ này từ rất sớm. Thậm chí, Indonesia từ năm 1974 đã triển khai các chương trình hỗ trợ DNV&N , còn Malaysia bắt đầu thực hiện từ năm 1991 cho các DNV&N trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, linh kiện điện, điện tử, máy móc, nhựa, dệt. Ngoài ASEAN, Nhật Bản cũng đã triển khai những quỹ hộ trợ cho các DNV&N từ những năm 50 của thế kỷ XX, còn Đài Loan thì bắt đầu từ năm 1981. Tuy đã triển khai quỹ hỗ trợ cho các DNV&N, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ này từ năm 2009 đên nay vẫn còn nhiều trở ngại đối với các DNV&N, đặc biệt là các thủ tục hành chính. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, trong đó, xu hướng gia tăng yêu cầu thủ tục, các điều kiện về gia nhập thị trường cao hơn, làm tinh thần kinh doanh của doanh nhân cũng có sự giảm sút theo báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường Đại học Copenhagen phối hợp thực hiện. Sự hạn chế về thông tin cũng như năng lực hiểu biết các chính sách của Nhà nước từ phía chủ doanh nghiệp đã trở thành rào cản đối với các DNV&N khi tiếp cận nguồn vốn này. * Kênh dẫn vốn thứ tư cho các DNV&N là từ các tổ chưc quốc tế. Hiện nay có một số tổ chức phí chính phủ đang tích cực hỗ trợ cho một số các DNV&N tại Việt Nam trong một số lĩnh vực. Đa phấn các dự án này hỗ trợ cho các DNV&N cải thiện hoạt động của doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội (Corporate social responsibility –CSR). Theo như bộ tiêu chuẩn ISO 26000, CSR bao gồm bẩy mục sau: - Quản trị doanh nghiệp, - Quyền của người lao động, - Điều kiện làm việc, - Bảo vệ môi trường - Cạnh tranh lành mạnh, - Bảo vệ người tiêu dùng, - Tham gia và phát triển cộng đồng. Có thể kể đến một số dự án hỗ trợ như: Đan Mạch đã quyết định sẽ hỗ trợ tổng số vốn lên đến 11 triệu đô la Mỹ đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. GIZ của Đức hỗ trợ các dự án của DN ngoài nhà nước thực hiện theo CSR, hay OXFAM của Vương quốc Anh và một số quỹ của các quốc giá khác. Điều kiện để tham gia nhận hỗ trợ của các tổ chức này thường là yêu cầu minh bạch về tài chính. Có thể thấy, ưu điểm của hình thức tài trợ này là giảm bớt được gánh nặng cho ngân sách, có thêm nguồn vốn ngoại tệ, và các DNV&N sau khi nhận được tài trợ sẽ không phải hoàn trả lại số vốn đó. Tuy nhiên, yêu cầu của các quỹ hỗ trợ này luôn là vấn đề giải trình rõ ràng về giải ngân cho số tiền nhận được. Vấn đề này có thể giải quyết được khi mua những hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Nhưng tại một số tỉnh vùng cao điều này là không thể. Chẳng hạn, trong năm 2011, GIZ có giải ngân cho các DN sản xuất đũa sử dụng một lần, bột giấy tại Nông Cống, Hoàng Hóa, Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, để xây dựng hệ thống lọc nước trước khi thải ra sông Mã. Các DN này đã mua nguyên vật liệu xây dựng tại các hộ kinh doanh ngay trong vùng và không có hóa đơn đỏ, vì nếu mua của các cửa hàng có hóa đơn đỏ phải đi cách địa phương khoảng 60 km. Một hạn chế nữa đối với các DNV&N khi tiếp cận các nguồn vốn quốc tế là trình độ của chủ DN. Chẳng hạn, chủ DN Tohe (www.tohe.vn) có trình độ ngoại ngữ và quản lý chuyên nghiệp đã rất dễ dàng xin tài trợ vốn từ OXFAM và GIZ. Đây có thể coi là một kênh dẫn vốn triển vọng, làm tiền đề cho các DNV&N tiếp cận với các định chế tài chính quốc tế, khi mở rộng hoạt động SXKD. Do thói quen làm việc theo “mối quan hệ” của các DNV&N trên địa bàn các tỉnh, nên họ rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Vì các tổ chức quốc tế trước khi giải ngân thường sẽ xuống kiểm tra thực tế năng lực của doanh nghiệp và trình độ của người điều hành. * Kênh dẫn vốn thứ năm chính là các doanh nghiệp đối tác trong kinh doanh của mình. Trong thế kỷ XXI, các DN đều hoạt động trên một chuỗi giá trị gia tăng, mối quan hệ cộng sinh giữa họ sẽ đảm bảo cho sự tồn tại. Khi các DNV&N là các vệ tinh của các DN lớn, họ sẽ nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các DN lớn. Tiếp theo, đối với các DN cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, khi thấy các DN lớn đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của các DNV&N , thì việc mua trả chậm hay trả gối đầu cho các đơn đặt nguyên liệu đầu vào sẽ được chấp nhận dễ dàng. Tuy nhiên, quy trình này chỉ diễn ra trong một số ngành kinh doanh, và điều kiện để thực hiện là uy tín của các DNV&N khi tham gia vào chuỗi giá trị. Ví dụ, Vingroup có thể ứng trước một phần giá trị đơn hàng cho các nhà thầu sản xuất của sổ Eurowindown cho các dự án bất động sản của họ. Khi các nhà sản xuất có đơn đặt hàng của Vingroup trong tay, thì các DN cung cấp đầu vào cũng sẵn sàng cho họ trả chậm một phần trong đơn hàng. Đây chính là hình thức tín dụng thương mại đối với tất cả các phía mà người hưởng lợi nhiều nhất là DNV&N. Trên thế giới kênh dẫn vốn này đã được các DNV&N xây dựng từ rất sớm, đặc biệt là tại những nước công nghiệp như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc. Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, ngày càng có nhiều tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam, cơ hội để trở thành một công ty vệ tinh của các tập đoàn này cần được các DNV&N tận dụng. Trong bài viết này, hiệu quả của kệnh dẫn vốn được hiểu là tốc độ và số lượng vốn được cung cấp cho các DNV&N. Có thể thấy, kênh cung cấp tín dụng lớn nhất cho các DNV&N chính là các TCTD. Tuy nhiên, trong thời gian qua hiệu quả của kênh dẫn vốn này đã giảm xuống do một số lý do từ phía các TCTD và từ phía các DNV&N. Một hạn chế nữa của kênh dẫn vốn này là lãi suất cho vay biến động bất thường trong một số giai đoạn, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNV&N. Nguồn vốn từ chủ sở hữu và người thân thì thường rất hạn chế về số lượng, ưu điểm của kênh dẫn vốn này là không có nhiều thủ tục hành chính, tốc độ giải ngân nhanh, có thể sử dụng cho các kế hoạch đầu tư trung và dài hạn. Kênh dẫn vốn này an toàn hơn so với các kênh dẫn vốn khác trong nền kinh tế. Ba kênh dẫn vốn còn lại hiên nay hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao, mặc dù những kênh dẫn vốn này là xu hướng đang được phát triển trên thế giới. Các quỹ hỗ trợ cho DNV&N thì vẫn tồn tại một số hạn chế về thủ tục hành chính và thông tin từ các quỹ này chưa đến được các DNV&N. Đối với mô hình PPP thì yêu cầu minh bách tài chính rất cao, do đó, chỉ những DNV&N có tổ chức quản lý tốt mới có đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Đối với kênh huy động vốn từ đối tác trong kinh doanh thì cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa các DN. Điều này đòi hỏi các DN phải từ bỏ thói quen kinh doanh kiểu “thời vụ”, mà phải xây dựng uy tín và thương hiệu, lòng tin không tự nhiên mà có được, nó được xây dựng dựa trên uy tín qua từng công việc. 3. Kết luận và khuyến nghị Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, doanh thu và lợi nhuận của DNV&N đang bị thu hẹp, chi phí sản xuất tăng cao khiến DNV&N dù có tăng doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm đáng kể. Năm 2010, lợi nhuận của DNV&N là 80,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,87% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN, năm 2012 lợi nhuận trước thuế giảm đáng kể, chỉ còn 22,82 nghìn tỷ đồng (chỉ chiếm 7,26% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN). Việc các DNV&N trong thời gian qua duy trì được hoạt động để không phải đóng cửa DN trong điều kiện khó khăn cũng là một thành công. Tuy nhiên, khi DN hoạt động không có lãi hoặc lợi nhuận thấp, thì lại không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay của các NHTM. Sau khi phân tích năm kênh dẫn vốn cho các DNV&N trong phần trên, có thể thấy được, trong điều kiện hiện nay, kênh VCSH hoặc vay của người thân là rất khó thực hiện, vì chủ DN tại thời điểm hiện nay đã đầu tư tất cả những gì họ có vào DN của mình. Bốn kênh dẫn vốn còn lại đều rất khả thi với các DNV&N, nếu từ phía người đi vay và người hỗ trợ tín dụng đều có những động thái thay đổi để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hỗ trợ tín dụng. Thứ nhất, các NHTM cần nghiên cứu nới lỏng điều kiện vay vốn. Trên thực tế, đảm bảo an toàn thực sự cho vốn vay không phải là tài sản thế chấp mà chính là tính khả thi và hiệu quả của phương án SXKD của doanh nghiệp. Nếu NHTM thực hiện được việc đổi mới chính sách cho vay và cơ cấu tín dụng theo hướng căn cứ vào tình hình khả thi và hiệu quả của dự án, phương án SXKD thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tài sản thế chấp của DNV&N. Điều này sẽ giúp các DNV&N tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn. Tiếp theo, các NHTM nên hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức hiệp hội ngành nghề. Đây là bên thứ ba có nhiều thông tin về DNV&N, giúp NHTM rút ngắn thời gian ra quyết định cho vay và hiểu rõ hơn về hoạt động SXKD của DN đi vay. Đồng thời, các tổ chức này có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn bằng tín chấp, tạo điều kiện cho DNV&N khắc phục những hạn chế về tài sản bảo đảm và năng lực chứng minh về tài chính. Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho khối DNV&N này, như xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng Quỹ hỗ trợ DN làm cầu nối cho tổ chức tín dụng và DN tiếp cận nhau, hỗ trợ DN khai thác thị trường đầu ra, chủ động gửi danh sách các DN cần vay vốn để các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả. Việc vay vốn ngắn hạn thường chỉ giúp DNV&N giải quyết những khó khăn trước mắt mà không có điều kiện đầu tư mở rộng, hợp lý hoá sản xuất nhằm thực hiện những kế hoạch dài hạn. Cần có sự hỗ trợ cho vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý, đây chính là tiền đề giúp các DNV&N có kế hoạch đầu tư dài hạn vào con người và trang thiết bị, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Cuối cùng, cần gia tăng việc giám sát quá trình sử dụng vốn vay ưu đãi để hạn chế những tiêu cực. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nghiên cứu xây dựng một quy trình cho vay phù hợp với đặc thù DNV&N với tiêu chí vừa bảo đảm an toàn cho nguồn vốn ngân hàng, vừa linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015 (Bộ KH&ĐT). CIEM. DoE, ILSSA và UNU-WIDER, 2012, Đặc điểm Môi trường kinh doanh ở Việt Nam – Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011. 2. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về Trợ giúp phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa 3. Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại. 4. Nguyễn Thế Bính, 2013, “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 12 (22) – Tháng 09-10/2013. 5. VCCI, 2012a, Báo cáo chuyên đề Thực trạng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ưu đãi. 6. Ủy ban kinh tế quốc hội, Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 – Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu. 7. Daskalakis, N. and Psillaki, M., 2009, Are the determinants of capital structurecountry or firm specific?, Small Business Economics, Vol. 33, No. 3, pp. 319-333. 8. IFC & OeEB, 2010, “Why Banks in Emerging markets are increasingly providing non-financial services to Small and Medium Enterprises”. 9. Phuong, N. M. L., 2012. What determines the access to credit by SMEs? A case study in Vietnam. Journal of Management Research. Vol. 4, No. 4.
Share Post Một số bài viết khác |