Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015: Thực trạng và vấn đề - Tác giả: Ngô Quang Trung
12/05/2016 21:59
Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015: Thực trạng và vấn đề
Ngô Quang Trung Học viện chính trị khu vực I
Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 1988 - 2015, đồng thời đề xuất các giải pháp để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn 2016-2020.
1. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015
Thứ nhất, vốn đăng ký và thực hiện Trải qua gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng lượng vốn FDI đăng ký (cộng dồn) đến cuối 2015 đạt 313.552,6 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 138.692,9 triệu USD đạt 44,23%.
Bảng 1: Nguồn vốn FDI đăng ký từ 1988 đến 2015
Nguồn: Tính toán của tác giả từ nguồn số liệu của
Tổng cục Thống kê (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến năm 2014) và Cục Đầu
tư nước ngoài (Tính
đến ngày 20 tháng 12 năm 2015).
Thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức
Trong tổng số các dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam hiện nay thì chủ yếu là các hình thức đầu tư truyền thống. Đó là hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, liên doanh hợp đồng BOT, BT, BTO và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: Năm 2000 mới có 854 doanh nghiệp nhưng đến 2013 đã là 7.543 doanh nghiệp (chiếm 83% toàn bộ doanh nghiệp FDI), gấp 8,8 lần năm 2000. Tính bình quân giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm tăng xấp xỉ 20%.
Hình thức doanh nghiêp liên doanh: Năm 2000 là 671 doanh nghiệp và đến năm 2013 đã là 1.550 doanh nghiệp (chiếm 17% số doanh nghiệp FDI), gấp 2,3 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm tăng 7,2%.
Bảng: 2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài 12 tháng năm 2015 theo hình thức
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.
Như vậy, cơ cấu hình thức FDI vào Việt Nam chủ yếu là hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, có thể lý giải xu thế này như sau: qua một thời gian hoạt động tại Việt Nam, các nhà ĐTNN có điều kiện để hiểu biết hơn về pháp luật, chính sách, phong tục tập quán và cách thức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Sự am hiểu của các nhà đầu tư được nâng lên, cùng với sự xuất hiện những tổ chức tư vấn giúp các nhà ĐTNN thực hiện các thủ tục triển khai, tổ chức sản xuất kinh doanh của dự án tương đối hiệu quả. Bên cạnh đó Việt Nam đã, đang đơn giản hóa các thủ tục cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư có thể chủ động trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, cũng như điều hành, quyết định các phương án sản xuất kinh doanh mà không cần có đối tác liên doanh Việt Nam. Hơn nữa, khi tham gia liên doanh do khả năng của phía Việt Nam thường yếu cả về vốn góp lẫn cán bộ quản lý, nên số dự án FDI vào Việt Nam nói chung theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang ngày càng có xu hướng tăng lên.
Thứ ba, các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam
Bảng 3. Các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam
Nguồn: Tính toán của tác giả từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến năm 2014) và Cục Đầu tư nước ngoài (Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2015).
Tính đến hết năm 2015, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư cấp mới và vốn mở rộng hiện có 44.452.4 triệu USD vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam. Trong giai đoạn 1995 - 1997 đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam ở mức độ vừa phải (dưới 1 tỷ USD), phần lớn các dự án có quy mô vừa và nhỏ tập trung các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giầy dép. Giai đoạn từ 1997 - 2004, nguồn đầu tư có sự giảm sút, thấp nhất là mức 15, 2 triệu USD vào năm 1997. Từ 2005 nguồn đầu tư tăng mạnh đến năm 2011 Hàn Quốc với 3,112 dự án, chiếm tổng số 23,960,5 triệu USD; năm 2012 có 3197 dự án với số vốn 24,816,0 triệu USD; năm 2013 tăng lên 3611 dự án với tổng số vốn là 29,653,0 triệu USD, năm 2014 và 2015 trở thành quốc gia dẫn đầu về vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Đứng thứ hai là Nhật Bản với 2.830 dự án, chiếm tổng số 39.176.2 triệu USD vốn đầu tư. Giai đoạn 1995 - 1998 đầu tư của Nhật Bản ổn định ở mức trên 500 triệu USD. Đến giai đoạn 1998 - 2003, luồng đầu tư từ Nhật Bản giảm sút, trong đó mức thấp nhất là 71,6 triệu USD vào năm 1999. Năm 2004 đầu tư từ Nhật Bản đã có sự chuyển biến rõ rệt, liên tục tăng và đạt kỷ lục vào năm 2008 với 7,6 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký. Năm 2009 do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nguồn vốn từ Nhật Bản giảm còn có 715 triệu USD, giảm hơn 10 lần so với năm 2008. Từ năm 2010 vốn đầu tư đã phục hồi cho tới năm 2015 tổng vốn đầu tư đăng ký là 39.176.2 triệu USD.
Đứng thứ ba là Singapore với 1.497 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 34.168.2 triệu USD. Từ giai đoạn 1995 - 2015 đến nay, Singapore luôn duy trì vị trí là đối tác lớn đầu tư vào Việt Nam (trừ năm 2008). Khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam. Trong vòng 6 năm khủng hoảng (từ 1999 - 2005), lượng đầu tư của Singapore sụt giảm nghiêm trọng và duy trì ở mức độ thấp so với thời kỳ 1995 - 1996. Chỉ đến 2006, khi Việt Nam triển khai Hiệp định Kết nối hai nền kinh tế, vốn đầu tư từ Singapore mới tăng trở lại, xong có sụt giảm vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế thế giới và tăng trở lại vào 2010, nhưng lại có xu hướng giảm nhẹ vào những năm gần đây.
Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành và lĩnh vực chủ yếu
Bảng 4. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo ngành
Nguồn: Tính toán của tác giả từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến năm 2014) và Cục Đầu tư nước ngoài (Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2015).
Lũy kế tính đến hết năm 2015, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về số vốn đầu tư cũng như số dự án, đạt 156,739,9 triệu USD với 10,555 dự án chiếm 56,89% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đầu tư vào khu vực bất động sản đứng thứ 2, mặc dù số dự án không nhiều nhưng quy mô của các dự án lớn, với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 50,674,5 triệu USD, chiếm 18,39% tổng vốn đầu tư.
Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp được khuyến khích nhưng lĩnh vực này lại thu hút rất ít dự án. Tính đến hết năm 2015, chỉ có 546 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đạt 3,989,3 triệu USD, chiếm 1.44% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Quy mô vốn của các dự án đều nhỏ, chủ yếu được sử dụng vào hoạt động chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia cầm, chế biến sản phẩm gia cầm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thứ năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa bàn
Đông Nam Bộ là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với 10,631 dự án vốn đăng ký lên tới 112,053,9 triệu USD, chiếm 42,75%. Tiếp theo là đồng bằng sông Hồng, với 5.978 dự án vốn đăng ký lên tới 65,789,7 triệu USD, chiếm 25,10%. Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.185 dự án số vốn đăng ký là 51,834,5 triệu USD, chiếm 19,77%. Tây Nguyên là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp nhất có 156 dự án, tổng số vốn đầu tư 859,9 triệu USD, đạt 0,32%.
Bảng 5. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo vùng (bao gồm cả dầu khí)
Nguồn: Tính toán của tác giả từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến năm 2014) và Cục Đầu tư nước ngoài (Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2015).
Như vậy, có thể thấy nguồn vốn FDI thời gian qua khá chênh lệch giữa các vùng, giữa đồng bằng và miền núi, giữa nơi có điều kiện phát triển kinh tế với nơi còn gặp nhiều khó khăn. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là các vùng tập trung công nghiệp lớn có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, các dịch vụ như tín dụng ngân hàng, vận tải phát triển nên có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.
2. Một số hạn chế trong thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam.
Thứ nhất, đóng góp của FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp, công nghệ còn hạn chế. Thời gian qua đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp, công nghệ chưa đạt được như mức cam kết (nhất là về tỷ lệ nội địa hóa) và kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Nhiều doanh nghiệp FDI, nhất là các đa quốc gia được hưởng ưu đãi lớn hơn nhiều các doanh nghiệp trong nước, song đóng góp cho phát triển một số ngành công nghiệp trong nước thì lại rất ít. Nguyên nhân gây nên sự yếu kém này cũng do nhiều nhân tố như (i) như yếu kém về năng lực (xuất phát điểm) sản xuất công nghiệp), công nghệ, và quản lý, quản trị của các doanh nghiệp trong nước; (ii) những yếu kém, bất cập của chính sách phát triển công nghiệp (trong đó có chính sách bảo hộ), liên kết công nghiệp, liên kết doanh nghiệp với các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI. Những điều này dẫn tới tình trạng kết nối yếu ớt giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Mối liên kết (xuôi, ngược, theo chiều ngang và chiều dọc) giữa khối doanh nghiệp FDI và trong nước yếu kém có phần do cả công nghiệp hỗ trợ lẫn các doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu, không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI, nhất là công ty đa quốc gia. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ điều kiện cung ứng sản xuất gián tiếp cho các doanh nghiệp nước ngoài, những sản phẩm gián tiếp này tạo ra giá trị gia tăng cũng rất nhỏ. Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phần lớn tập trung ở các khu vực thâm dụng lao động, gia công lắp giáp ít có khả năng tạo ra những tác động lan tỏa về mặt công nghệ. Nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cam kết thực hiện tỷ lệ nội địa hóa nhất định, nhưng khi doanh nghiệp không thực hiện được cam kết thì cũng chưa có chế tài xử phạt rõ ràng. Ngoài ra còn có nguyên nhân là năng lực của các doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng được các yêu cầu của đối tác nước ngoài. Hệ quả là doanh nghiệp FDI phải tìm đến những đối tác quen thuộc để đảm bảo quá trình sản xuất chứ không thể hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa.
Thứ hai, khung pháp lý và chính sách về mở cửa FDI và hội nhập kinh tế quốc tế tuy ngày càng được cải cách, mở cửa song quá trình này được thực hiện quá nhanh, thiếu sự chuẩn bị kỹ càng về năng lực thể chế, với việc ưu đãi, “chiều chuộng” một số doanh nghiệp FDI quá mức trong khi các đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế chưa tương xứng, thậm chí để lại nhiều hậu quả cho Việt Nam. Những lỗ hổng pháp lý dã thu hút một lượng vốn đáng kể đầu tư không mong muốn mà bản thân các nước trong khu vực hạn chế như: gây ô nhiễm môi trường, đe dọa an ninh - chủ quyền quốc gia, chuyển giá và trốn thuế, lách thuế.
Đáng lưu ý là từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiên trì “trải thảm đỏ” để thu hút FDI mà chưa có những điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút FDI và xử lý các sai phạm của các doanh nghiệp khu vực này.
3. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết để thu hút và sử dụng hiệu quả FDI ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, xây dựng chính sách liên kết ngành, ươm tạo doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho liên kết ngành và công nghiệp hỗ trợ, chỉ có như vậy thì quá trình liên kết (dọc ngang) giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước mới có hiệu quả. Đây là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp trong nước có thể dần thu lợi ích cao nhất từ khu vực FDI, nâng cao năng lực trong nước.
Thứ hai, thay đổi chính sách thu hút FDI ồ ạt sang chính sách thu hút FDI có lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Đổi mới chính sách thu hút FDI cần được thực hiện theo hướng phát triển bền vững để giảm tác động tiêu cực, tăng các lợi ích tiềm tàng đối với nền kinh tế. Việc đánh giá FDI cần đa chiều hơn, nghĩa là xét cả khía cạnh tăng trưởng GDP, tạo thu ngân sách, chuyển giao công nghệ và việc làm cho lao động, hậu quả gây ô nhiễm và an ninh quốc gia.
Thứ ba, tăng cường kiểm soát, kiểm toán các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp báo lỗ thường xuyên để chống thủ đoạn chuyển giá của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào bị phát hiện thực hiện chuyển giá buộc phải bồi hoàn toàn bộ những ưu đãi mà doanh nghiệp đó đã được hưởng.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các doanh nghiệp FDI đối với quy trình xử lý chất thải; yêu cầu doanh nghiệp FDI trước khi thành lập phải nêu các phương án biện pháp khắc phục chất thải ra môi trường bên ngoài và phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với việc nhập khẩu các thiết bị dây chuyền công nghệ, nhằm tránh phải nhập khẩu những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu gây ảnh hưởng đến môi trường./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Đầu tư nước ngoài. (2015) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 12 tháng năm 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
2. Tổng cục Thống kê (2014). Niên giám thống kê, Nxb Thống kê.
3. Lê Xuân Sang; Vũ Hoàng Dương (2015) Nhìn lại luồng vốn FDI vào Việt Nam sau gần 30 năm Đổi mới: Kết quả, vấn đề và định hướng chính sách. Kỷ yếu hội thảo 30 kinh tế Việt Nam.
Share Post Một số bài viết khác |