CHÍNH SÁCH XÃ HỘI Ở CÁC NƯỚC MỸ-LATINH ĐẦU THẾ KỶ
XXI: SỰ VẬN DỤNG VÀ NHỮNG CẢI BIẾN* E. E.
KUZNESOVA Biên dịch:
Vũ Thị Xuân Mai Theo;
Thông tin Những vấn đề Lý luận Số: 11
năm 2013 “Cuộc cải cách kinh tế theo hướng
tân tự do theo phương án chính thống được tiến hành ở Mỹ-Latinh từ đầu những
năm 1980 đã diễn ra với những thay đổi rõ nét trong lĩnh vực xã hội. Việc Nhà
nước từ bỏ một phần và đôi khi là toàn bộ, sự tham gia vào điều tiết quan hệ
lao động, cũng như vào lĩnh vực xã hội đã dẫn đến những thay đổi
quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Sự không bền vững của các hợp đồng
lao động, gia tăng nạn thất nghiệp, tăng số lượng việc làm trong khu vực phi
chính thức, phi tập trung hóa hệ thống giáo dục, y tế, tư nhân hóa một phần các
hệ thống đó, tính chất phức tạp của việc cấp tài chính cho các dịch vụ xã hội
v.v..., tất cả những điều đó đã hạn chế khả năng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội
và suy cho cùng là làm tăng bất bình đẳng xã hội”.
Việc thực hiện chiến lược phát triển và hiện đại hóa đòi hỏi phải có sự
thay đổi vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội và điều đó đã được các nước
như Braxin, Mêhicô, Chilê, Urugoay khẳng định bằng thực tiễn của họ. Việc định
hướng lại chính sách xã hội được bắt đầu vào giữa những năm 1990 vẫn tiếp tục
diễn ra ở đầu thế kỷ XXI - thế kỷ đã tiếp nhận thêm xung lực trong thời gian khủng
hoảng. Khác với các chương trình được thực hiện ở những năm 1980 và đầu những
năm 1990 - với mục tiêu chính là đấu tranh chống nghèo đói nhờ sự trợ giúp của
các khoản trợ cấp có địa chỉ cho từng địa phương - thì vào cuối những năm 1990,
quan điểm đầy đủ về giải quyết vấn đề nghèo đói và vấn đề bất bình đẳng đã được
tuyên bố. Nhà nước dường như đã đi đến thỏa hiệp với xã hội thông qua chính
sách xã hội và tuyên bố về sự bình đẳng của các quyền, về tầm quan trọng của
tác động từ “sự hội tụ xã hội”, thông qua việc phối hợp các chương trình trợ
giúp xã hội khác nhau.
Với việc thành lập các mạng lưới xã hội theo các chương trình đã được
thông qua trước đây và mới được thông qua, Nhà nước thực sự bắt tay vào việc quản
lý các rủi ro xã hội, chẳng hạn như: sự thiếu hoặc mất việc làm, đặc biệt là ở
những nhóm dễ bị tổn thương nhất (phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số),
rủi ro gắn với các chu kỳ của cuộc đời (sinh con, tuổi già...). Các chương
trình này đều đề cập đến việc tổ chức các hoạt động xã hội, các khóa đào tạo
nghề, cung cấp các khoản tín dụng hỗ trợ tạo việc làm. Khi cải cách hệ thống an
sinh xã hội, Nhà nước buộc phải tính đến những thay đổi được thể hiện rõ nét
trong tình hình dân số của khu vực, trong cơ cấu và tính chất của gia đình,
cũng như ý nghĩa ngày càng tăng của sự phát triển nguồn lực con người.
Sự hình thành các quan điểm mới của Nhà nước về giải
quyết các vấn đề xã hội được thể hiện rõ nét qua ví dụ Chilê, đặc biệt là ở thời
kỳ Tổng thống Michelle Bachelet nắm quyền. Cựu nữ Tổng thống này đã tuyên bố rằng,
cái đóng vai trò quan trọng bậc nhất để “hội tụ xã hội” ở Mỹ-Latinh là chính
sách của Nhà nước về tạo lập sự bình đẳng về cơ hội, mà ở Chilê, chính sách đó
được kết hợp với cuộc đấu tranh chống nghèo đói. Sự thực là, các kết quả của cuộc
đấu tranh chống đói nghèo ở Chilê là khá thành công: tỷ lệ nghèo đã giảm từ
38,3% vào năm 1990 xuống còn 13,7% vào năm 2006, còn sự chênh lệch về thu nhập
giảm ở mức độ thấp hơn. Năm 1996, tiền lương của nhóm 20% người giàu nhất cao
hơn tiền lương của 20% người nghèo nhất 15,5 lần, năm 2006 là 13,1 lần. Đồng thời,
hệ số Gini của năm 2006 (0,54) cũng là mức thấp nhất ở Chilê trong vòng 16 năm
(1996-2003), nằm trong khoảng giữa 0,56 và 0,58(1).
Bà M. Bachelet đã nhấn mạnh hai điểm đáng chú ý nhất, cho thấy rõ ý
nghĩa quan trọng của chính sách xã hội của nhà nước đối với việc giải quyết vấn
đề gay cấn nhất - nghèo đói. Bà tuyên bố rằng, nếu như vào đầu những năm 1990,
trong việc giảm nghèo của Chilê, 80% là nhờ tăng trưởng kinh tế và chỉ 20% là
nhờ các khoản chi xã hội, thì vào năm 2006, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng
ngược lại: 80% thành quả của việc giảm nghèo là nhờ chính sách xã hội thành
công của Nhà nước. Ngoài ra, chênh lệch tiền lương giữa nhóm có thu nhập cao nhất
và nhóm có thu nhập thấp nhất giảm còn 11,2 lần, có lúc chỉ còn 6,8 lần (tính cả
các khoản tiền nhận được theo các chương trình tăng lương của nhà nước)(2).
Kết quả của chính sách xã hội của Nhà nước phụ thuộc nhiều vào những nguồn
lực mà nhà nước chi cho lĩnh vực xã hội. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, các
khoản chi cho lĩnh vực xã hội ở khu vực Mỹ-Latinh liên tục tăng lên. Trong giai
đoạn 2008-2009, tính trung bình cho khu vực, chỉ số này là 18,4% GDP, trong khi
chỉ số của giai đoạn 1990-1991 là 12,2% và chỉ số của các nước cũng rất khác
nhau. Chẳng hạn, ở Braxin và Áchentina, trong giai đoạn 2008-2009, chỉ số này
là trên 20% trong khi ở Êcuađo và Goatêmala, chỉ số này là dưới 10%. Chi phí
nhà nước cho các nhu cầu xã hội trong tổng chi phí của nhà nước cũng tăng lên:
chỉ số trung bình trong giai đoạn 2008-2009 là 63%, trong khi chỉ số trong giai
đoạn 1990-1991 là 44,1%. Việc tăng các khoản chi cho lĩnh vực xã hội của nhà nước
tính trên đầu người cũng rất rõ: năm 2009, chỉ số trung bình ở 21 nước thuộc
khu vực Mỹ-Latinh là 917 USD, cao gấp 2 lần chỉ số năm 1991 - 440 USD. Khác biệt
giữa các nước là rất lớn: trong giai đoạn 2008-2009, chỉ số này ở Áchentina là
hơn 2.000 USD, ở Braxin và Urugoay - hơn 1.000 USD, còn ở các nước như
Goatêmala, Honđurát, Pêru, Nicaragoa, Paragoay - thấp hơn chỉ số trung bình của
khu vực(3).
Sự tăng chi phí xã hội của nhà nước được thể hiện
trước tiên ở việc tăng kinh phí cho quỹ chi trả lương hưu và trợ giúp xã hội
thông qua các chương trình trợ cấp có địa chỉ: 8,0% GDP trong giai đoạn
2008-2009, trong khi con số này ở giai đoạn 1990-1991 là 4,8% GDP (các khoản
chi tính trung bình trên đầu người tăng hơn 2 lần - tương ứng là 470 USD và 197
USD)(4). Sự phát triển các hệ thống tích lũy trong giai đoạn
1980-1990 trong chế độ bảo hiểm hưu trí, mà các hệ thống này phụ thuộc vào các
khoản đóng góp cá nhân, đã làm cho dạng bảo hiểm này trở nên khó tiếp cận đối với
nhiều người, do đó, việc tăng cường sự tham gia tài chính của nhà nước vào chế
độ bảo hiểm hưu trí có ý nghĩa quan trọng. Ở một loạt nước, chẳng hạn như
Chilê, đã thông qua luật về các khoản tiền hưu cộng đồng cơ bản, mà theo đó, tất
cả mọi người, kể cả những người làm việc ở những khu vực không chính thức, những
người nội trợ, đều có quyền nhận khoản lương hưu tối thiểu, không phụ thuộc vào
đóng góp của cá nhân.
Một nguyên nhân nữa buộc nhà nước phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc bảo
vệ thế hệ người cao tuổi là sự thay đổi khá nhanh của cơ cấu về độ tuổi của dân
số. Theo số liệu của Ủy ban kinh tế Mỹ-Latinh và vùng biển Caribê (CEPAL), chỉ
số già hóa ở khu vực, tức là tỷ lệ số người trên 60 tuổi tính trên 100 người ở
độ tuổi dưới 15, dự tính vào năm 2015 sẽ cao hơn 2,5 lần so với năm 2000 (năm
2000 là 25,2; năm 2015 ước tính là 60,7; năm 2050 ước tính là 128,2). Điều đó
có nghĩa là, một vấn đề xã hội mới sẽ trở nên gay gắt hơn và nhà nước cần phải
tham gia giải quyết nó(5).
Về hình thức, tất cả các nước trong khu vực hiện đang ở giai đoạn thứ
hai của thời kỳ quá độ về nhân khẩu học, khi không chỉ mức chết và mức sinh mà
cả sự già hóa dân số vẫn chưa phải là một quá trình được thể hiện rõ nét. Chính
ở giai đoạn này, mức độ phụ thuộc về nhân khẩu giảm đi, tức là dân số ở độ tuổi
lao động (những người trong độ tuổi 15-59) chịu áp lực thấp nhất từ phía những
người không lao động (những người dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Giai đoạn này
được gọi là “tặng thêm về nhân khẩu”, khi các quan hệ phụ thuộc đạt mức thấp
trong lịch sử và xuất hiện những cơ hội tạo cơ sở để tích lũy các khoản tiết kiệm,
các khoản đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc giải quyết
các vấn đề về người cao tuổi. Cần phải chú ý đến tính chất khác nhau của quá
trình này: ở một số nước như Bôlivia, Goatê-mala, nó chỉ vừa mới được bắt đầu
và sẽ kết thúc sau 50 năm nữa; ở một số nước khác như Áchentina, Uru-goay,
Chilê, Braxin, Côlôm-bia, Côxta Rica, Mêhicô, nó sẽ kết thúc sau 25 năm đầu thế
kỷ XXI.
Sự gia tăng số lượng người cao tuổi không được bảo đảm vật chất ở mức đủ
để sống bình thường đang làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ và sự phụ thuộc
vào nhóm dân số trong độ tuổi lao động - nhóm người mà trách nhiệm xã hội và
gánh nặng lao động của họ đang bị tăng lên gấp nhiều lần. Bất kỳ quốc gia nào
cũng phải tận dụng những cơ hội được tạo ra trong giai đoạn “tặng thêm về nhân
khẩu”. Trước hết, cần phải tạo ra sự phát triển kinh tế để thu hút tối đa nhóm
dân số trong độ tuổi lao động, cụ thể - đó chính là sự phát triển của những
ngành sản xuất có sử dụng công nghệ cao, bởi vì xét về năng suất lao động và tiến
bộ khoa học - kỹ thuật, các nước Mỹ-Latinh đang tụt hậu xa so với các nước công
nghiệp.
Đưa tri thức và đổi mới vào sản xuất là một trong những điều kiện cơ bản
để phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực
có trình độ cao, và do đó, phát triển giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt.
Năm 2009, chi phí của nhà nước cho giáo dục đã tăng lên gấp 0,5 lần so với năm
1990 (giai đoạn 2008-2009 là 5% GDP, trong khi giai đoạn 1990-1991 là 3,2% GDP)(6).
Vấn đề phát triển giáo dục đã trở thành một
trong những nhiệm vụ ưu tiên đối với các nước khu vực Mỹ-Latinh. Giáo dục
tiểu học bắt buộc được thực hiện rộng khắp đã đưa đến kết quả là, đến năm 2008,
96% số người ở độ tuổi 15-19 (ở nông thôn là 85%) đã học qua cấp tiểu học. Một
loạt nước như Mêhicô, Chilê, EnXanvađo, Goatêmala, Panama, Urugoay đã áp dụng
giáo dục mầm non bắt buộc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các gia đình
nghèo, bởi vì trẻ em được dạy dỗ chuẩn bị cho việc đi học ở trường phổ thông,
được nuôi dưỡng không thu tiền và các bà mẹ thì có cơ hội tìm việc làm.
Tình hình với giáo dục trung học không được tốt như giáo dục tiểu học, mặc
dù ý nghĩa của bậc giáo dục này đang tăng đặc biệt nhanh trong giai đoạn hiện
nay. Chỉ hơn 50% số người đi học nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học:
49% nam giới và 55% phụ nữ ở độ tuổi 20-24 (số liệu năm 2008) và phần lớn trong
số họ là con cái của các gia đình khá giả.
Số lượng những người đã nhận bằng tốt nghiệp phổ thông trung học là một
trong những chỉ số cho thấy sự phân hóa xã hội cao trong khu vực: trong nhóm
20% dân số có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo) có 23% nam giới và 26% phụ nữ có
trình độ này; trong nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất (nhóm giàu) có 81% nam
giới và 86% phụ nữ có trình độ này. Điều đáng chú ý là, nghiên cứu của CEPAL về
tình hình giáo dục ở khu vực Mỹ-Latinh trong thập niên đầu của thế kỷ XXI cho
thấy rằng, chính giáo dục trung học toàn phần là cái tối thiểu cho phép xóa bỏ
sự nghèo túng xuyên thế hệ, bảo đảm tương lai thoát khỏi cảnh nghèo túng và tạo
cho họ tâm lý tự tin trong một thế giới dân chủ đang ngày càng toàn cầu hóa như
hiện nay(7).
Mức độ tiếp cận giáo dục đại học còn thấp hơn rất nhiều và số liệu về những
người đã có bằng tốt nghiệp đại học cho thấy điều đó. Chỉ có 8,3% những người
trẻ tuổi (25-29 tuổi) tốt nghiệp đại học 5 năm (số liệu năm 2008): ở nhóm 20%
người có thu nhập thấp nhất, chỉ số này cực thấp - chỉ có 0,7% nam giới và 1%
phụ nữ; ở nhóm 20% người có thu nhập cao nhất, chỉ số này cao hơn nhiều - 23,9%
nam giới và 30,4% phụ nữ (8). Các số liệu trên cho thấy sự phân bổ
không đều các nguồn chi của nhà nước cho giáo dục đại học trong khu vực: 2/3
các khoản chi đó được chi cho nhóm 20% người có thu nhập cao nhất và nhóm 20%
người có thu nhập cao thứ hai, còn 1/3 được chi cho 3 nhóm có thu nhập thấp còn
lại (nhóm 20% người có thu nhập thấp nhất, nhóm 20% người có thu nhập thấp thứ
hai và nhóm 20% người có thu nhập thấp thứ ba). Tình hình chi của nhà nước cho
các hình thức giáo dục khác thì hoàn toàn ngược lại: 2/3 kinh phí của nhà nước
được chi cho giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của 3 nhóm có thu nhập
thấp (9).
Sự phát triển của giáo dục ở khu vực Mỹ Latinh trong những thập niên gần
đây (phổ cập giáo dục tiểu học, tạo điều kiện đi học trung học cơ sở) vẫn chưa
đưa được giáo dục trở thành công cụ có khả năng làm giảm mạnh bất bình đẳng xã
hội và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của các tầng lớp dân nghèo. Bất bình đẳng xã
hội trong một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội như y tế còn thể
hiện gay gắt hơn. Ở một mức độ nhất định, đó là kết quả của việc giảm sự tham
gia của nhà nước vào lĩnh vực xã hội trong những năm 1980-1990 và sự gia tang
các dịch vụ y tế tư nhân. Vào đầu thế kỷ XXI, kinh phí của nhà nước cấp cho y tế
đã tang lên nhưng ở mức độ không đáng kể: trong giai đoạn 1990-1991, mức chi
này là 2,9% GDP, giai đoạn 2008-2009 là 3,7% GDP (tính trung bình theo đầu người
tương ứng là 106 và 187 USD) (10). Về mức độ tham gia bảo hiểm y tế
nhà nước thì tình hình của các nước rất khác nhau. CEPAL chia 18 nước của khu vực
Mỹ-Latinh thành 3 nhóm theo mức chi của nhà nước tính trung bình trên đầu người
(giai đoạn 2006-2007). Ở nhóm thứ nhất - gồm Áchentina, Braxin,
Chilê, Côxta Rica, Panama, Urugoay - mức chi này là hơn
1.000 USD và gần 70% dân số sử dụng bảo hiểm y tế nhà nước. Ở nhóm thứ hai - gồm
Côlômbia, Mêhicô, Vênêxuêla - chi phí xã hội của nhà nước tính trung bình trên
đầu người là hơn 600 USD và số người tham gia bảo hiểm y tế nhà nước là dưới
45%. Nhóm thứ ba (gồm Bôlivia, Êcuađo, En Xanvađo, Goatêmala, Honđurat,
Nicaragoa, Paragoay, Pêru, Cộng hòa Đôminicana) là nhóm có các chỉ số thấp nhất
- chỉ có 17% dân số tham gia bảo hiểm y tế nhà nước và mức chi của nhà nước
tính trung bình trên đầu người là 178 USD. Tình hình sử dụng tiền cá nhân để
chi trả các dịch vụ y tế lại hoàn toàn ngược lại: ở nhóm thứ nhất là 23% dân số,
nhóm thứ hai - 35% và nhóm thứ ba - 72% (11).
Sự tăng mức chi của nhà nước cho các lĩnh vực an sinh xã hội ở đầu thế kỷ
XXI đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc hoàn thiện các thể loại và tăng khối lượng các
dịch vụ xã hội do nhà nước cung cấp, nhưng vẫn chưa thể nói rằng, đã có sự bình
đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ đó. Giáo dục tiểu học, một phần giáo dục
trung học, việc sơ cứu và điều trị y tế ngoại trú, các khoản tiền trợ cấp như
nhau cho các gia đình - đó là dành cho những người nghèo; còn giáo dục đại học,
bảo đảm lương hưu và điều trị tại bệnh viện - đó là dành cho những người giàu.
Trong thập niên gần đây, trong chính sách xã hội của các nước khu vực Mỹ
Latinh, các chương trình trợ cấp có địa chỉ trở nên phổ biến rộng rãi nhưng
chúng khác với các chương trình được thực hiện trong giai đoạn 1980-1990 về mức
trợ cấp, phạm vi dân chúng được trợ cấp, cũng như việc tăng các dạng trợ cấp và
mở rộng các mục tiêu trợ cấp. Nếu như vào năm 2000, các chương trình này đã thu
hút được 5,7% dân của 18 nước thuộc khu vực thì vào năm 2010 - chỉ số này là
19,3%, tức là gần 1/5 cư dân của khu vực. Nhờ đó, 113,5 triệu người (trong đó
có 25 triệu người nội trợ, 52 triệu là trẻ em ở độ tuổi dưới 14) đã nhận được
các khoản trợ cấp bằng tiền mặt hoặc các loại dịch vụ khác nhau trong khuôn khổ
chương trình này hay chương trình khác. Trong các chương trình trợ giúp về giáo
dục, độ tuổi được trợ giúp đã tăng lên thành 18 (trong một số trường hợp cụ thể
như Côxta Rica, Buênôt Airet, độ tuổi lên đến 25) và điều này cho thấy rõ định
hướng của các chương trình là giảm tình trạng nghèo xuyên thế hệ và sự không được
bảo vệ về mặt xã hội của các tầng lớp dân nghèo.
Bức tranh về mức độ tiếp cận các chương trình trợ cấp
có địa chỉ của những người nghèo và cực nghèo ở các nước rất khác nhau. Theo số
liệu của CEPAL, trong số 18 nước thì ở 9 nước (Achentina, Braxin, Chilê,
Êcuađo, Mêhicô, Urugoay, Côlômbia, Gia-maica, Triniđat & Tôbagô), số dân
tham gia vào các chương trình này ngày càng giảm. Honđurat và Paragoay là những
nước có chỉ số thấp nhất - tương ứng là 17% và 25%. Chỉ có ở Êcuađo và
Giamaica, các chương trình đã thu hút được 100% dân nghèo, nhưng tính trung
bình cho toàn khu vực thì vẫn còn hơn 50% dân nghèo chưa nhận được sự trợ giúp
của nhà nước trong các chương trình tương tự. Ở một số nước như Côxta Rica, En
Xanvađo, Honđurat, Paragoay, chỉ số này khá cao – hơn 80%(12).
Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, các khoản chi của nhà nước cho các
chương trình trợ cấp có địa chỉ ở khu vực Mỹ-Latinh đã tăng lên gấp đôi (đạt
0,4% GDP vào năm 2009). Tuy nhiên, vẫn như trước đây, chỉ số này vẫn thấp hơn
0,5% GDP. Chỉ có chương trình “Bono de desarrollo humano” của Êcuađo - chương
trình hướng vào phát triển nguồn nhân lực, trước hết là trẻ em sau đó là người
cao tuổi và người không có khả năng lao động - là có mức cấp kinh phí cao nhất
- 1,17% GDP (năm 2010) và thu hút được số lượng dân số nhiều nhất - 44% dân số
của đất nước (6 triệu người) bao gồm tất cả những người nghèo và cực nghèo (13).
Định hướng cơ bản của các chương trình trợ cấp có địa chỉ không giống
nhau: một số thì nhằm nâng cao mức tiêu dùng trong các gia đình nghèo (ví dụ
như chương trình “Bolsa familia” ở Braxin - đã thu hút được 52 triệu người tham
gia), một số chương trình khác như “Oportunidades” ở Mêhicô (thu hút được 27
triệu người tham gia) hướng vào phát triển nguồn nhân lực, trước hết là trẻ em,
cung cấp các cơ hội được hưởng các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế và các
chương trình dinh dưỡng. Phần lớn các chương trình đang được thực hiện ở các nước
từ năm 2000 đến nay là thuộc dạng này. Và cuối cùng, các chương trình như
“Solidario” ở Chilê (thu hút hơn 1 triệu người tham gia) kết hợp các chương
trình khác nhau của nhà nước và cung cấp sự trợ giúp về tâm lý - xã hội cho các
gia đình khi tham gia vào thị trường lao động.
Đóng góp của các chương trình trợ cấp có địa chỉ vào giải quyết vấn đề
giảm nghèo phụ thuộc vào mức độ thu hút dân chúng và mức độ các khoản trợ cấp
nhận được. CEPAL đã công nhận ý nghĩa của những chương trình này ở các nước như
Áchentina, Braxin, Êcuađo, Giamaica, Mêhicô sau khi xác nhận rằng, các khoản tiền
trợ cấp, chẳng hạn như ở Êcuađo, đã làm tăng thu nhập bình quân đầu người của
những người nội trợ lên 28%, còn ở Mêhicô, chỉ số này là 16%. Đồng thời, CEPAL
cũng ghi nhận tính hiệu quả thấp của những chương trình ở các nước Trung Mỹ-Latinh
như En Xanvađo, Honđurát, Nicaragoa, nơi mà tỷ lệ dân nghèo được thu hút vào
các chương trình là dưới 20% và mức tiền trợ cấp không lớn (chẳng hạn, ở
Honđurat, chỉ số này bằng 3% thu nhập bình quân đầu người). Ở một số nước như Braxin,
Mêhicô, các chính phủ đã sử dụng các chương trình nêu trên trong những năm xảy
ra cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây để giảm mức gia tăng nạn nghèo đói bằng các
biện pháp như tăng mức độ trợ cấp, mở rộng các loại hình dịch vụ và danh sách
những người được hưởng các dịch vụ đó. CEPAL coi các trợ cấp có địa chỉ là một
công cụ quan trọng của chính sách xã hội của nhà nước, có thể cho phép tiến tới
phổ cập các quyền kinh tế và xã hội của công dân, giải quyết vấn đề nghèo đói
và bất bình đẳng xã hội(14).
Những người phê phán các chương trình trợ cấp theo địa chỉ hiện có ở khu
vực Mỹ-Latinh cho rằng, khiếm khuyết chính của chúng là không có mối liên hệ với
chiến lược phát triển. Chẳng hạn, khi nói về các chương trình của Mêhicô ở cuối
thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, ông Rolando
Kordera - giáo sư Trường Đại học Nguyên tử quốc gia Mêhicô - đã nhấn mạnh những
thành công đáng kể của chúng trong cuộc đấu tranh chống nghèo đói, nhưng cũng
nhấn mạnh cả sự tách biệt phần nào của chúng với việc giải quyết những vấn đề
quan trọng khác. Nhà khoa học này đã lấy vấn đề nhân khẩu làm ví dụ. Ông cho rằng,
từ những năm 1980, “Mêhicô đã chuyển từ đất nước có nhiều trẻ em thành đất nước
có nhiều người trưởng thành trẻ tuổi”. Điều đó có nghĩa là, mỗi năm thị trường
lao động của quốc gia này phải thu hút tới 1.000 người lao động trẻ mới, nước
này cần phải tổ chức đào tạo nghề cho nhiều người, tạo điều kiện cho dân chúng
tiếp cận được tới việc học trung học phổ thông, đại học, các dịch vụ y tế…, tức
là cần phải có chính sách xã hội sâu rộng của nhà nước. Nhà khoa học này nhấn mạnh
rằng, cần phải có những chương trình có thể giải quyết được vấn đề nghèo đói và
bất bình đẳng trong sự gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, còn nhà nước và
xã hội phải phối hợp hành động. Ông cũng cho rằng, hãy còn quá sớm để nói đến sự
đồng thuận xã hội, sự hội tụ xã hội trong xã hội Mêhicô hiện nay (15).
Hai thập niên gần đây đã khẳng định vai trò ngày càng tăng của chính
sách xã hội của nhà nước đối với sự phát triển của xã hội ở Mỹ-Lat-inh. Công cuộc
tiếp tục hiện đại hóa kinh tế đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề xã hội, hoàn
thiện dân chủ, phổ biến rộng rãi hơn các ưu thế phát triển đến tất cả các tầng
lớp nhân dân.
Chú thích:
* E.E.Kuznesova, Phó tiến sỹ khoa học lịch sử, Viện
nghiên cứu Mỹ-Latinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga. T/c: Nghiên cứu Mỹ-Latinh, số
6/2012.
1) Iberoamérica 2020, Retos ante la crisis. Madrid,
2009, p. 211.
2) Ibidem.
3) CEPAL. Panorama social de
América Latina 2010. Santiago de Chile, 2011, p. 165-167.
4) Ibid., p. 170, 174.
5) CEPAL, Serie Población y
desarrollo. Santiago de Chile, 2008, N 82, p. 120.
6) Ibidem.
7) Ibid., p. 93, 104-105.
8) Ibid., p. 95.
9) Ibid., p. 176.
10) Ibid., p. 169.
11) CEPAL. Panorama social de América Latina 2009.
Santiago de Chile, 2010, p.162-163.
12) CEPAL. Panorama social de América Latina 2010,
p. 148.
13) Ibidem.
14) CEPAL. Panorama social de América Latina 2009,
p. 115-119.
15) Nueva sociedad. Buenos Airres, 2008, N215, p.
98-109
Share Post
Một số bài viết khác
- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Vũ Xuân Bình
- Các thành phố thông minh ở Châu Âu - Tác giả: Andrea Caragliu, Chiara Del Bo & Peter Nijkamp - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Trần Minh Hoàng
- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính Vũ Xuân Bình
- Quản trị văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ở Singapore - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Nguyễn Thanh Bình
- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình
- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình
- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 2) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung
- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 1) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung
|