Các thành phố thông minh ở Châu Âu - Tác giả: Andrea Caragliu, Chiara Del Bo & Peter Nijkamp - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Trần Minh Hoàng

22/05/2016 00:37

Các thành phố thông minh ở châu Âu

Andrea Caragliu, Chiara Del Bo & Peter Nijkamp, Tạp chí Công nghệ đô thị, số 18(2), tr. 65-82 (Caragliu, A., Del Bo, C., & Nijkamp, P. (2011). Smart cities in Europe. Journal of urban technology, 18(2), 65-82).

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà — Hiệu đính: Trần Minh Hoàng

Học viện Chính trị Khu vực I

     Tóm tắt 

     Diện mạo đô thị hiện nay không chỉ phụ thuộc vào sự cấp vốn của thành phố vào cơ sở hạ tầng “cứng” (vốn vật chất) mà còn ngày càng chịu sự tác động của chất lượng và sự sẵn có của cơ sở hạ tầng tri thức, truyền thông và xã hội (vốn con người và xã hội). Trong đó, vốn con người và xã hội là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của đô thị. Trong bối cảnh đó, khái niệm “thành phố thông minh” được biết đến với tư cách là công cụ chiến lược định hướng các yếu tố sản xuất của đô thị hiện đại theo một khuôn khổ chung; cũng như để nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của yếu tố Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hai thập kỷ qua trong nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của một thành phố.

     Bài viết này tìm hiểu ý nghĩa thường chưa được nắm bắt đầy đủ của khái niệm “thành phố thông minh”. Cụ thể, tác giả đưa ra định nghĩa cụ thể và thực tế của khái niệm này cũng như ví dụ phù hợp về lợi thế địa lý của các thành phố thông minh thuộc Liên minh Châu Âu. Các phân tích thống kê và đồ thị được triển khai có chiều sâu, đồng thời dữ liệu thống kê đô thị mới nhất cũng được sử dụng để phân tích những yếu tố quyết định diện mạo của các thành phố thông minh. Kết quả là, sự nổi lên của tầng lớp công dân sáng tạo, chất lượng môi trường đô thị, mức độ giáo dục, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hành chính công đều có mối quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của đô thị. Kết quả này có nhiều ý nghĩa quan trọng trong xây dựng khung nghị trình chiến lược mới của các thành phố ở châu Âu, cho phép các thành phố này có được sự phát triển đô thị bền vững và cảnh quan đô thị tươi đẹp hơn.

     Giới thiệu

     Đâu là nguồn lực tăng trưởng đô thị và phát triển đô thị bền vững? Câu hỏi này cũng chính là chủ đề quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu và những người làm chính sách trong vài thập kỷ qua. Các thành phố trên toàn thế giới đang biến đổi từng ngày với nhiều động lực phát triển phức hợp. Khi các thành phố phát triển, các nhà hoạch định đô thị cũng trăn trở tìm tòi và xây dựng “hệ thống phức hợp để giải quyết các vấn đề như cung cấp lương thực ở mức độ toàn cầu, cung cấp nước sạch trên diện rộng, xử lý rác thải địa phương, hệ thống quản lý giao thông đô thị…; và chất lượng của các dịch vụ đó sẽ phản ánh chân thực chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị” (Viện bảo tàng khoa học, 2004).

     Bất chấp những thách thức và bất cập lớn đi đôi với sự phát triển đô thị, số lượng dân cư trên toàn thế giới tập trung sống tại các đô thị vẫn tăng đều đặn. Hình 1 cho thấy tỷ lệ người dân châu Âu sống tại các đô thị (dân cư sống tại các khu vực được xét là đô thị dựa trên các yếu tố xét duyệt của Liên Hợp Quốc). Có thể thấy được rằng tỉ lệ người dân sống tại đô thị tăng nhanh, từ hơn 50% năm 1950 tới hơn 75% năm 2010 và dự báo sẽ đạt ngưỡng 85% trong vòng 40 năm tới.

Hình 1: Tỷ lệ người dân châu Âu sống tại khu vực đô thị, từ 1950 – dự báo 2050 


    (Nguồn: Liên Hợp Quốc, 2009)

     Bên cạnh đó, quy mô trung bình của khu vực đô thị cũng tăng đáng kể. Nguyên nhân có thể do những đổi mới tích cực trong lĩnh vực công nghệ, giúp các đô thị có thể tiếp nhận nhiều cư dân hơn. Các vấn đề nảy sinh trong tập trung đô thị thường được giải quyết thông qua con đường sáng tạo, vốn con người và hợp tác (đôi khi thỏa hiệp) giữa các bên liên quan và thông qua các ý tưởng viễn tưởng tươi sáng: nói gọn lại, đó chính là các giải pháp “thông minh”. Vì thế, tên gọi “thành phố thông minh” dành để chỉ các giải pháp thông minh cho phép các thành phố hiện đại phát triển thịnh vượng thông qua các biện pháp cải tiến năng suất định tính hoặc định lượng. Tuy nhiên, khi tra cứu “định nghĩa thành phố thông minh” là gì, những kết quả đầu tiên là những định nghĩa được đưa ra của: nhà cung cấp truyền thông, đài phát thanh ở Mỹ…, nhưng dường như không có định nghĩa chuẩn mực nào được đưa ra.

     Bài viết này sẽ đưa ra một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về khái niệm “thành phố thông minh”, cùng với đó là những ví dụ định tính về mối quan hệ giữa khái niệm mới này và các thước đo thịnh vượng như tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương (PPP – Purchasing Power Parity).

     Tổng quan

     Thành phố thông minh là khái niệm khá phổ biến trong lĩnh vực chính sách những năm gần đây. Trọng tâm của khái niệm này dường như chỉ tập trung vào vai trò của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, dù nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra tác động của vốn con người/giáo dục, vốn xã hội/các mối quan hệ cũng như vấn đề môi trường trong việc tạo ra động lực tăng trưởng đô thị. 

     Cụ thể, Liên minh châu Âu đã không ngừng nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển đô thị mang tính “thông minh” phục vụ cho cư dân thành thị. Không chỉ Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đều tin tưởng vào phương thức phát triển theo hướng công nghệ thông tin và truyền thông. Minh chứng là Diễn đàn Cộng đồng Trí tuệ (The Intelligent Community Forum) đã triển khai nhiều nghiên cứu về nỗ lực của địa phương trong cải tiến công nghệ thông tin và truyền thông, mà hiện nay đã được ứng dụng trong toàn cầu. Vai trò của vấn đề đổi mới khu vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng được tổ chức OECD và EUROSTAT nhấn mạnh. Hai tổ chức này cũng cung cấp các công cụ giúp xác định các chỉ số cố định nhằm định hình khung phân tích vững chắc cho các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới đô thị. Ở cấp độ địa phương, vai trò của cơ sở hạ tầng truyền thông mềm trong phát triển kinh tế đang được quan tâm trở lại.

     Định nghĩa về thành phố thông minh không chỉ gói gọn trong vấn đề chất lượng và sự sẵn có của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy không đề cập đến khái niệm “thông minh”, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và tình hình kinh tế đã trở thành đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm từ buổi đầu của thời đại số. Các định nghĩa khác lại nhấn mạnh vào tác động của vốn con người và giáo dục trong phát triển đô thị. Học giả Berry và Glaeser (2005 & 2006) nhận định rằng tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất xảy ra ở các thành phố có lực lượng lao động có trình độ cao dồi dào. Cụ thể, hai học giả mô hình hóa mối quan hệ giữa vốn con người và phát triển đô thị thông qua nhận định rằng quá trình đổi mới được định hướng bởi các doanh nghiệp có hàm lượng đổi mới công nghiệp và sản phẩm mà cần đến lực lượng lao động có kỹ năng và tay nghề cao.

     Vì không phải tất cả các thành phố đều thành công trong đầu tư vốn con người, lực lượng lao động có chất lượng – mà theo cách nói của học giả Florida là “tầng lớp sáng tạo” – hội tụ dần dần tại các địa điểm nhất định. Nhận định này tán thành xu hướng đã được các nhà nghiên cứu và chuyên gia quan tâm từ lâu cho rằng các thành phố có mức độ vốn con người khác nhau. Điều này có nghĩa là các thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá khứ có khả năng thu hút lực lượng lao động có tay nghề trong hiện tại hơn các thành phố mới nổi. Các nhà làm chính sách, đặc biệt ở châu Âu, thường cố gắng đảm bảo tính đồng nhất giữa các khu vực, và vì thế; việc tích lũy vốn nhân lực đô thị một cách tập trung, nhanh chóng là vấn đề quan tâm chính.

     Một trong những đóng góp quan trọng của học giả Fu (2007) có liên quan tới khái niệm “thông minh” là sự nổi lên của quá trình trao đổi tri thức tập trung (localized knowledge spillovers – LKS). Trong đó, vốn nhân lực bên ngoài được hình thành từ các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa những người đồng cấp trong môi trường đô thị. Bài viết này tiếp nối những nghiên cứu trước đây về LKS mà điển hình là nghiên cứu của học giả Rauch (1993). Bên cạnh đó, những công trình của học giả Breschi và Lissoni (2001) và của Capello (2009) cũng có nhiều đóng góp có giá trị phản biện và hiện thời trong nghiên cứu về khái niệm trao đổi tri thức tập trung.

     Trên thực tế, khái niệm “thành phố thông minh” còn khá mơ hồ. Học giả Hollands (2008) tán thành với nhận định trên và đưa ra một số định nghĩa của riêng mình. Bài viết này sẽ cung cấp thêm những đánh giá phản biện về tăng trưởng đô thị thông minh từ góc nhìn kinh tế và phương pháp phân tích thăm dò thực nghiệm. Với mục tiêu như vậy, bài viết tổng hợp các đặc điểm của thành phố thông minh thường được đề cập trong các công trình nghiên cứu trước đây như sau:

     1. “Tận dụng cơ sở hạ tầng mạng nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và chính trị và tạo điều kiện cho phát triển xã hội, văn hóa và đô thị,” (Hollands, 2008, tr. 308), trong đó “cơ sở hạ tầng” nhằm để chi các dịch vụ kinh doanh, nhà ở, giải trí, dịch vụ cuộc sống và công nghệ thông tin truyền thông (điện thoại di động và cố định, mạng lưới máy tính, thương mại điện tử và dịch vụ mạng). Đặc điểm này chính là cơ sở cho nhận định rằng thành phố kết nối có vai trò như mô hình phát triển chính và kết nối chính là nguồn lực của sự tăng trưởng.

     2. “Nhấn mạnh vai trò của thương mại trong phát triển đô thị” (Hollands, 2008, tr. 308). Theo như một số ý kiến phản biện về khái niệm thành phố thông minh, ý tưởng về không gian đô thị tân tự do này có thể không chính xác khi cho rằng các thành phố thương mại thân thiện có thể thu hút nhiều hoạt động kinh doanh mới. Tuy nhiên dù việc quá coi trọng các giá trị kinh tế như là động lực duy nhất để phát triển đô thị tiềm ẩn những nguy cơ đã được lường trước, những số liệu thực tế chỉ ra rằng những thành phố định hướng thương mại nằm trong số những thành phố có tình hình xã hội – kinh tế tốt.

     3. Tập trung thực hiện mục tiêu hòa nhập xã hội trong dịch vụ công cho các đối tượng cư dân đô thị khác nhau (Hội đồng thành phố Southhampton, 2006). Điều này gợi nhắc các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách quan tâm hơn tới vấn đề công bằng trong tăng trưởng đô thị. Nói cách khác: Dân cư đô thị thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau được hưởng lợi từ các tiện ích công nghệ trong cuộc sống đô thị thường ngày ở mức độ nào?

     4. Nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp công nghệ cao và sáng tạo trong tăng trưởng đô thị dài hạn. Yếu tố này, cùng với yếu tố “cơ sở hạ tầng mềm” (“tri thức mạng, các tổ chức tình nguyện, môi trường phi tội phạm, nền kinh tế giải trí”) là những trọng tâm chính trong nghiên cứu của Richard Florida. Ý tưởng chính của nghiên cứu này là “các công việc sáng tạo đang ngày càng nhiều và các công ty, doanh nghiệp đang định hướng thu hút những nhân tố “sáng tạo”” (Hollands, 2008, tr. 309). Các nhà tuyển dụng đang chuyển hướng tuyển chọn theo hướng thúc đẩy cảm hứng và sự sáng tạo. Bài học đô thị trong sách của Florida là “các thành phố muốn thành công thì phải thu hút được các tầng lớp sáng tạo – những người mang làn sóng của tương lai” (Glaeser, 2005, tr. 593). Vai trò của văn hóa sáng tạo của các thành phố được đề cập trong nghiên cứu của Nijkamp (2008); trong đó, vốn sáng tạo đồng quyết định, thúc đẩy và củng cố xu hướng di cư của nguồn nhân lực có kỹ năng. Trong khi sự xuất hiện của lực lượng lao động sáng tạo và có chất lượng không quyết định diện mạo đô thị, nhưng trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu, những yếu tố này lại có tác động tới thành công của các thành phố.

     5. Tăng cường mối quan tâm tới vai trò của vốn xã hội và các mối quan hệ trong phát triển đô thị. Theo học giả Coe và các đồng sự (2001), thành phố thông minh là thành phố mà cộng đồng cư dân biết cách học hỏi, thích nghi và đổi mới. Trong đó, mọi người dân cần có khả năng sử dụng công nghệ để tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại. Điều này gợi nhắc tới khái niệm khả năng thẩm thấu, được áp dụng trong các mối quan hệ kinh tế khác nhau ở các mức độ tập trung khác nhau. Nghiên cứu của các học giả Cohen và Levinthal (1990) và Abreu cùng các cộng sự (2008) đã nghiên cứu khái niệm này từ cấp độ vi mô là các công ty cho tới cấp độ trung bình và tập trung hơn. Trong khi đó, học giả Caragliu và Nijkamp (2011) có nhiều đóng góp trong kiểm nghiệm vai trò của năng lực thẩm thấu cấp địa phương tới giảm thiểu trao đổi tri thức giữa các cá nhân. Khi các vấn đề xã hội và mối quan hệ không được quan tâm đúng mực, hệ quả là sự phân tách xã hội có thể nảy sinh, và có thể có liên quan tới sự chia rẽ kinh tế, không gian và văn hóa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu không tán thành với nhận định này. Ví dụ như Poelhekke (2006) cho rằng sự tập trung của lực lượng nhân lực chất lượng cao có thể dẫn tới tăng trưởng đô thị, bất luận hiệu ứng phân tách xã hội có thể nảy sinh ở mức độ trung bình. Dù vậy, vẫn còn đó những tranh luận xung quanh vấn đề liệu các chính sách định hướng xây dựng thành phố thông minh có gây ra hiệu ứng bất cân bằng giai cấp hay không.

     6. Cuối cùng, sự bền vững xã hội và môi trường được xem là thành tố chiến lược của thành phố thông minh. Trong bối cảnh các nguồn lực khan hiếm trong khi sự phát triển và phồn thịnh của các thành phố đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào du lịch và tài nguyên thiên nhiên, việc khai thác đi đôi với bảo tồn và tái sử dụng các di sản thiên nhiên cần được bảo đảm. Đặc điểm này và đặc điểm thứ 3 có liên quan tới nhau vì nền tảng cho phát triển đô thị bền vững một mặt cần đến sự cân bằng trong triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, mặt khác lại liên quan tới việc bảo vệ các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương bởi phát triển đô thị thông minh.

     Trong số các đặc điểm trên, đặc điểm số 5 và 6 được xem là quan trọng và thú vị nhất nhìn từ hai góc độ nghiên cứu và chính sách, và những đặc điểm này có thể là đề tài nghiên cứu trong tương lai của các nhà kinh tế đô thị. Trong phần dưới đây, bài viết đưa ra các minh chứng phân tích và định lượng về vai trò của tầng lớp sáng tạo và vốn con người trong phát triển đô thị bền vững. Tác giả cũng cho rằng sự kết hợp của hai nhân tố này quyết định bản chất khái niệm thành phố thông minh. Khía cạnh vốn quan hệ chưa được đề cập sẽ được đề cập trong các nghiên cứu sau này.

     Ngoài các đặc điểm chính vừa kể trên, các ý kiến phản biện cũng được đưa ra trước khái niệm thành phố thông minh. Học giả Hollands (2008) đưa ra những luận điểm chính phản biện lại cách sử dụng khái niệm “thành phố thông minh” còn hời hợt trong lĩnh vực chính sách. Những luận điểm chính được học giả này đưa ra như sau:   

     - Quá tập trung vào khái niệm thành phố thông minh có thể dẫn tới việc xem nhẹ các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và mạng lưới cần thiết cho xây dựng thành phố thông minh (xem thêm nghiên cứu của Graham và Marvin, 1996).

     - Xu hướng tập trung vào lợi ích chiến lược của thành phố thông minh có thể khiến các địa điểm dự trù phát triển đô thị khác bị lơ là.

     - Trong số các phương án phát triển khả thi, các nhà làm chính sách nên xem xét các phương án xây dựng thành phố không chỉ dựa trên mô hình định hướng thương mại. Vì mô hình thương mại toàn cầu phụ thuộc vào tính linh động vốn, việc theo đuổi mô hình phát triển trên có thể dẫn đến mất chiến lược dài hạn: “Cố định không gian hàm ý rằng vốn lưu động thường tự chảy tới và chỉ chuyển đi khi nơi khác có nguồn lợi hấp dẫn hơn. Đặc điểm này đúng với thành phố thông minh hơn là với các thành phố công nghiệp, chế tạo.” (Hollands, 2008, tr. 314)

     Từ góc độ nghiên cứu của các học giả Mỹ, nghiên cứu về các thành phố thông minh cũng chính là đánh giá về quá trình phát triển đô thị thông minh nhằm chống lại sự mở rộng đô thị quá mức (bành trướng đô thị) (Bronstein, 2009); bằng cách sử dụng cách tiếp cận nhận thức trong đánh giá vai trò của yếu tố nhận thức và tâm lý đối với việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giảm thiểu khoảng cách công nghệ (Partridge, 2004); và áp dụng trong thực tiễn (nghiên cứu trường hợp về một dự án cộng đồng) để xem xét liệu các hành động cụ thể có thể được triển khai để hạn chế khoảng cách công nghệ ở các khu vực đô thị nghèo hay không (Mc Allister và đồng sự, 2005).

     Bài nghiên cứu sẽ đưa ra những ví dụ định lượng thông qua các phân tích không gian, bản đồ, mô phỏng hình họa cho mỗi nội dung được đề cập về thành phố thông minh nhằm tìm kiếm và xác định mối quan hệ giữa các chỉ số kinh tế xã hội với diện mạo đô thị.  

     Định nghĩa Thành phố thông minh

     Định nghĩa hẹp về khái niệm thông dụng “Thành phố thông minh” có vai trò quan trọng trong phạm vi nghiên cứu của bài viết. Dù trước đây đã có một số định nghĩa được đưa ra, nhưng hầu hết các định nghĩa này tập trung vào vai trò của cơ sở hạ tầng truyền thông. Xu hướng này phản ánh giai đoạn mà khái niệm thành phố thông minh thu được nhiều sự chú ý, như giai đoạn giữa thập niên 90 khi công nghệ thông tin và truyền thông thu hút được sự quan tâm của cộng đồng châu Âu. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu cho rằng vấn đề trọng tâm của mạng internet chỉ là mạng internet.

     Một dự án khá mới và thú vị được tiến hành bởi Trung tâm Khoa học địa phương tại Đại học Công nghệ Vienna đã xác định 6 trục (khía cạnh) giúp xếp hạng 70 thành phố tầm trung thuộc Châu Âu. Sáu trục này bao gồm: nền kinh tế thông minh, lưu động thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh, cuộc sống thông minh và cuối cùng là quản trị thông minh. Sáu trục này liên kết với lý thuyết tăng trưởng và phát triển vùng cũng như tân cổ điển. Cụ thể, những trục này lần lượt dựa trên các lý thuyết về cạnh tranh vùng, giao thông, nền kinh tế công nghệ thông tin và truyền thông, tài nguyên thiên nhiên, vốn con người và xã hội, chất lượng cuộc sống và sự tham gia của người dân vào công việc chung của thành phố. Đây được coi là nền tảng vững chắc trong xây dựng khung lý thuyết của bài viết này, và tác giả dựa trên 6 trục này để phát triển định nghĩa về thành phố thông minh.

     Tác giả nghiên cứu cho rằng một thành phố được coi là thông minh khi những đầu tư về vốn xã hội và con người cũng như cơ sở hạ tầng truyền thống (giao thông) và truyền thông hiện đại (công nghệ thông tin và truyền thông) hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế bền vững và chất lượng cuộc sống, với sự quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh thông qua quản trị có sự tham gia của cộng đồng xã hội.

     Những minh chứng định lượng và đồ thị của các thành phố thông minh tại Châu Âu

     Trong phần này, tác giả bài viết sẽ đưa ra các minh chứng định lượng và đồ thị về mối liên quan của diện mạo và mức xếp hạng của các thành phố Châu Âu với các tiêu chí đánh giá được phản ánh trong một số định nghĩa về thành phố thông minh đã được nêu trong phần tổng quan. Nguồn dữ liệu thuộc nguồn Kiểm toán đô thị được tiến hành trong giai đoạn hiện hành nhất (2003-2006). Kiểm toán đô thị đưa ra một loạt các thống kê và chỉ số so sánh của các thành phố châu Âu, bao gồm các dữ liệu của hơn 250 chỉ số khác nhau thuộc các khía cạnh sau:

  • - Nhân khẩu học
  • - Các lĩnh vực xã hội
  • - Các lĩnh vực kinh tế
  • - Sự tham gia của công dân
  • - Giáo dục và đào tạo
  • - Môi trường
  • - Du lịch và giao thông
  • - Thông tin
  • - Văn hóa và giải trí

Các thành phố được tiến hành khảo sát được thể hiện trong Bản đồ 1 dưới đây.

  Bản đồ 1: Các thành phố trong điều tra Thống kê đô thị 2003-2006


     Dưới đây là các bảng biểu cho thấy mối tương quan từng phần giữa các yếu tố quyết định tăng trưởng và số liệu đo lường đầu ra kinh tế - tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương năm 2004. Mỗi thành phố được quy định ứng với từng mã Kiểm toán đô thị riêng biệt.

Bảng 1: Mối tương quan từng phần của sáu chỉ số về thành phố thông minh

 

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương

Lao động trong ngành công nghiệp giải trí

Khả năng tiếp cận đa phương thức

Chiều dài hệ thống giao thông công cộng

Chính phủ

điện tử

Vốn nhân lực

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương

1

 

 

 

 

 

Lao động trong ngành công nghiệp giải trí

0.215

(0.2158)

 

1

 

 

 

 

Khả năng tiếp cận đa phương thức

0.7049

-0.0059

1

 

 

 

Chiều dài hệ thống giao thông công cộng

0.3104

(0.0043)

 

0.2874

(0.0302)

 

0.0919

(0.312)

 

1

 

 

Chính phủ điện tử

0.1418

(0.1751)

 

-0.0254

(0.8385)

 

0.141

(0.1004)

 

-0.0339

(0.7417)

 

1

 

Vốn nhân lực

-0.1361

(0.265)

 

-0.0983

(0.3649)

 

0.0833

(0.3616)

 

-0.0741

(0.5946)

 

0.0665

(0.5733)

 

1

     Bảng 1 thể hiện các mối tương quan từng phần trong các biến số được sử dụng để đo lường tính thông minh của các thành phố châu Âu, tương ứng với các giá trị tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương (p-values) trong dấu ngoặc đơn. Có thể thấy hầu hết các biến số mà chúng ta cho rằng có tính quyết định diện mạo đô thị dài hạn và là những đặc điểm cần có trong định nghĩa “thành phố thông minh” đều tỷ lệ thuận với đo lường chỉ số thịnh vượng của đô thị (tác giả lựa chọn giá trị tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương năm 2004 nhằm hạn chế những vấn đề do tác động quy mô và thêm yếu tố khác biệt về giá ở các quốc gia khác nhau). Trong đó, kết quả về mối quan hệ giữa trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình của người dân khá thú vị và đáng suy nghĩ, sẽ được phân tích trong phần sau của bài nghiên cứu. Trong phần này, tên các thành phố được thể hiện bằng mã riêng trong bản đồ cũng như trong bảng biểu. Đây được xem là công cụ phân tích hữu hiệu cho các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách, giúp họ có thể xác định được các vấn đề về không gian trong dữ liệu Kiểm toán đô thị, ghi chép lại sự xuất hiện của các tác động nảy sinh, và định hình vấn đề vị trí, địa điểm trong các đo lường về thành phố thông minh.  

Hình 2: Tầng lớp sáng tạo và mức độ thịnh vượng năm 2004


     Hình 2 cho thấy kết quả thuận với nhận định của học giả Richard Florida về vai trò của “tầng lớp sáng tạo” trong định hình diện mạo đô thị dài hạn. Chúng ta có thể thấy quan hệ tỷ lệ thuận giữa tỷ lệ người lao động trong ngành công nghiệp “sáng tạo” (Florida, 2002; 2009) và trong “lực lượng nòng cốt siêu sáng tạo” tại các bang và các thành phố của Mỹ. Theo học giả Florida (2002), tầng lớp sáng tạo được định nghĩa là sự kết hợp hai nguyên tắc của Hệ thống Phân loại Tiêu chuẩn Nghề nghiệp trong lực lượng lao động Mỹ, gồm:

     - Lực lượng nòng cốt siêu sáng tạo gồm những người làm việc trong ngành khoa học, kỹ thuật, giáo dục, lập trình máy tính, nghiên cứu, nghệ thuật, thiết kế và truyền thông, tạo thành một tập hợp con. Những người này được xem là tham gia hoàn toàn vào quá trình sáng tạo” (Florida, 2002, tr. 69).

     - Những ngành nghề sáng tạo gồm chăm sóc y tế, thương mại và tài chính, khu vực pháp lý và giáo dục.

     Trong bài nghiên cứu này, lực lượng lao động trong ngành công nghiệp văn hóa và giải trí tại các thành phố châu Âu được lấy mẫu để đánh giá mức độ tác động của tầng lớp sáng tạo tới diện mạo đô thị, và kết quả cho thấy mối tương quan tỷ lệ thuận đáng kể.

     Trong tổng quan về kinh tế đô thị, quan điểm của học giả Florida cũng gặp phải nhiều ý kiến phản biện (Glaeser, 2005). Theo ý kiến của một số nhà kinh tế học, nhận định rằng các ngành nghề sáng tạo sẽ định hình diện mạo đô thị là không chính xác, và yếu tố này chỉ phản ánh vai trò của chỉ số “cứng” có thể đo lường được của nguồn vốn nhân lực (như các ngành kỹ thuật hoặc số năm đào tạo) đối với tăng trưởng đô thị. Học giả Shapiro (2008) đưa ra ý kiến đầy thuyết phục và xuất sắc, trung hòa được hai quan điểm trên. Bằng phương pháp đánh giá kinh tế lượng, học giả này chứng minh rằng vốn con người tác động tới tăng trưởng đô thị trên cả hai phương diện trực tiếp (đánh giá nhờ mức tăng trưởng dân số, mức lương, địa tô) thông qua thu lợi từ sức sản xuất; và gián tiếp thông qua phát triển tiện ích đô thị (yếu tố này lại có tác động ngược trở lại là thúc đẩy quá trình thu hút tầng lớp sáng tạo). Mặc dù sức sản xuất có tác động lớn nhất, nhưng theo ước tính của học giả Shapiro, tác động từ tiện ích đô thị cũng chiếm tới 20 – 30% trong tổng số tác động của vốn con người tới tăng trưởng đô thị.

Hình 3: Khả năng tiếp cận và mức độ thịnh vượng năm 2004


     Mối tương quan tỷ lệ thuận thứ hai (và rất quan trọng) là giữa khả năng tiếp cận đa phương thức và tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (xem Hình 3). Chỉ số khả năng tiếp cận đa phương thức được tính toán dựa trên giả định rằng sức thu hút của một địa điểm nào đó tỷ lệ thuận với quy mô (dân số và GDP) và tỷ lệ nghịch với khoảng cách, thời gian đi lại và chi phí. Giá trị của chỉ số dao động trong khoảng 100 – mức trung bình đối với các nước châu Âu. Trong hình trên, chỉ tiêu tiếp cận được tính toán ở mức độ hợp lý mà thành phố có thể đạt được trên nền tảng mạng lưới giao thông sẵn có (như hệ thống đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không), cũng như cho thấy mức độ khả thi trong kết nối các thị trường xuất – nhập khẩu vào thành phố. Vì thế, đầu tư tốt hơn cho các loại hình giao thông có thể mang lại thịnh vượng và tăng trưởng, phù hợp với kỳ vọng trên lý thuyết của mô hình Địa Kinh tế mới. Nhiều học giả đã nghiên cứu và đưa ra minh chứng cho vai trò của các thị trường tiềm năng trong định hình diện mạo đô thị (theo tổng quan về Địa Kinh tế mới), trong có kể đến hai học giả Redding và Sturm (2008) và những bậc tiền bối Davis và Weinstein (2003) và Hanson (2005).  

Hình 4: Giao thông công cộng và chỉ số thịnh vượng


      Hình 4 mô tả mối quan hệ giữa mạng lưới giao thông công cộng và tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trong sức mua tương đương, thay vì so sánh trực tiếp với mức độ thịnh vượng của một thành phố. Đây là mối tương quan tỷ lệ thuận, trong đó; thành phố Stockholm không được đề cập trong dữ liệu vì thành phố này có mật độ phương tiện giao thông quá dày đặc. Nếu tính cả thành phố Stockholm thì đường đồ thị còn dốc hơn rất nhiều. Có thể thấy rằng, mạng lưới giao thông công cộng có liên quan mật thiết tới mức độ thịnh vượng của một thành phố. Dù là vấn đề có tính hai mặt, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống giao thông công cộng có thể hạn chế tác động tiêu cực gây ra bởi mật độ đô thị dày đặc, và ít nhất có thể giảm thiểu áp lực cải thiện cảnh quan đô thị và những chi phí có thể gây ra do tắc nghẽn giao thông.

     Hình 5 cho thấy mức tổng sản phẩm quốc nội và biện pháp chính phủ điện tử có mối tương quan không mấy mật thiết. Dữ liệu Kiểm toán đô thị thu kết quả thông qua đánh giá trên hai khía cạnh (i) số lượng các văn bản hành chính có thể được tải về từ các trang mạng của chính phủ và (ii) số lượng các văn bản hành chính có thể được nộp thông qua các trang điện tử. Dựa trên những quan sát thực tế, tác giả cho thấy những đánh giá tốt hơn về mức độ tương tác của người dân với các dịch vụ Hành chính công đô thị thông qua mạng internet (hình 5). Thành phố Krakow không được đề cập trong khía cạnh này (trong mục (ii) số lượng các văn bản hành chính có thể được nộp thông qua các trang điện tử). Mối tương quan không thay đổi khi các biện pháp chính phủ điện tử được phổ cập trong lực lượng lao động của thành phố (dù hoạt động này có gây ra những thay đổi nhẹ trong xếp hạng các thành phố).

Hình 5: Chính phủ điện tử và mức độ thịnh vượng


     Dù trên thực tế các thành phố có mức tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người cao thường có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hơn tới các biện pháp chính phủ điện tử hay các biện pháp thông minh khác, nhưng chúng ta cũng ghi nhận một số ngoại lệ trong phân tích này. Một số thành phố dù ở các quốc gia ngoại vi (Krakow ở Ba Lan, Zaragoza ở Tây Ban Nha, Ponto Delgada ở Bồ Đào Nha) nhưng cũng có hệ thống các văn bản hành chính mà người dân có thể nộp trực tuyến, và vì thế có thể giảm thiểu các chi phí đi lại và giao dịch, cũng như các chi phí liên quan đến quản lý của các cơ quan hành chính công.

     Cuối cùng, hình số 6 mô tả mối tương quan giữa nguồn vốn nhân lực và mức độ thịnh vượng của đô thị. Dựa theo thuyết tân cổ điển (Lucas, 1988; Arrow, 1962; Mankiw và đồng sự, 1992), mức độ vốn con người là chỉ số tốt cho tình tình kinh tế. Như mô tả trong bảng 1, mối tương quan tỷ lệ thuận này mang những đặc điểm khá phức tạp. Hệ số tương quan trong đánh giá vốn con người, chẳng hạn như tỷ lệ nguồn lao động có chỉ số Phân loại giáo dục tiêu chuẩn quốc tế (ISCED) ở cấp độ 3 và 4 thì GDP lại giảm dần. Chỉ số ISCED được đưa ra bởi tổ chức UNESCO vào đầu thập niên 70 có chức năng như “công cụ thích hợp trong thu thập, biên soạn và thể hiện các thống kê về giáo dục trong và ngoài nước”. Chỉ số này được Hội nghị Giáo dục Quốc tế thông qua (Geneva, 1975) và được Đại hội đồng của UNESCO phiên thứ 20 tán thành trong thảo luận về Tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê giáo dục (Paris, 1978) (Unesco, 2006).

Hình 6: Vốn con người và mức độ thịnh vượng


     Phân tích kết quả nghiên cứu ở hình 6 cho thấy những quan sát đáng chú ý ở nửa bên phải của hình – các thành phố thuộc các nước mới gia nhập Liên minh Châu Âu. Dưới di sản của thời kỳ cộng sản chủ nghĩa, dù nhìn chung mức độ giàu có trung bình của từng cá nhân ở các nước này chưa bằng với các nước thuộc Liên minh Châu Âu cũ nhưng trình độ giáo dục cao và lực lượng lao động ở những quốc gia này vẫn cho thấy vốn nhân lực lớn. Vì thế, mối tương quan giữa vốn nhân lực và tăng trưởng đô thị được thể hiện bằng biểu đồ võng xuống như trong hình 6. Minh chứng khác là khi ta chia mẫu thành hai nhóm quốc gia: (i) các quốc gia theo con đường dân chủ hoặc “chủ nghĩa tư bản” và (ii) các quốc gia trong nhóm COMECON trong những năm 80; và mô tả bằng đô thị dạng thẳng. Kết quả là nhóm các quốc gia đầu tiên có mối tương quan tỷ lệ thuận và nhóm các quốc gia thứ hai có mối tương quan tỷ lệ nghịch.

     Trong phân tích khía cạnh này, nghiên cứu của học giả Mayer (2007) đóng vai trò quan trọng. Học giả này phân tích các cách thức phát triển khác nhau mà các thành phố và khu vực có thể xây dựng dù không có các trường đại học định hướng nghiên cứu lớn. Mặt khác, Mayer cũng chỉ ra mặt đối lập của vấn đề khi cho rằng các trung tâm nghiên cứu học thuật là nền tảng cần thiết để phát triển đô thị theo định hướng công nghệ cao. Vì thế, các thành phố thuộc những quốc gia mới gia nhập Liên minh châu Âu không thể hiện được mối liên hệ giữa các trung tâm nghiên cứu học thuật với nền kinh tế hiện tại, dẫn tới thất bại trong thu hút nguồn nhân lực có vốn con người cao – những người có khả năng gia tăng năng suất và thịnh vượng cho thành phố.

     Kết luận và khuyến nghị chính sách

     Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra cái nhìn tổng thể về khái niệm thành phố thông minh với những tổng quan về cách tiếp cận kinh tế và xây dựng kế hoạch. Tác giả cũng xây dựng định nghĩa hẹp hơn về khái niệm này, đồng thời đánh giá một số ví dụ định lượng và đồ họa về mối quan hệ giữa tình hình kinh tế và một số yếu tố quyết định tới thành công của đô thị.

     Những dữ liệu Kiểm toán đô thị 2004 cho thấy những minh họa cụ thể về mối tương quan tỷ lệ thuận giữa thịnh vượng đô thị và các yếu tố như: số lượng các ngành nghề sáng tạo, chỉ số các cách tiếp cận đa phương thức, chất lượng mạng lưới giao thông đô thị, công nghệ thông tin và truyền thông (đáng chú ý nhất là nền công nghiệp chính phủ điện tử) và chất lượng vốn con người. Những mối tương quan tỷ lệ thuận này chắc chắn đã có tác dụng trong định hình khung nghị trình chính sách cho các thành phố thông minh, dù chưa đủ để tiến tới áp dụng trong khung thực hiện.

     Các biến số trên có mối tương quan tỷ lệ thuận với tăng trưởng đô thị có thể được coi là nguồn lực quan trọng, được tích lũy dần theo thời gian, nhưng cũng tất yếu đối mặt với nguy cơ suy yếu. Vì thế, giáo dục con người chỉ có thể thành công khi đầu tư trong giáo dục được triển khai trong thời gian dài với nguồn lực đầu tư ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cần được liên tục cập nhật với tốc độ phát triển của các thành phố tiên tiến nhất; và để thu hút con người và ý tưởng, cải tiến trong ngành công nghệ thông tin truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tái cấu trúc và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, giúp các thành phố châu Âu không bị thụt lùi so với các đối thủ quốc tế.

     Các thách thức liên tục này, hay “mặt trận không nghỉ” theo cách nói của Vannevar Bush dùng trong nghiên cứu khoa học, cũng chính là con đường duy nhất đảm bảo sự phát triển bền vững của các thành phố, cũng như đảm bảo vai trò cái nôi ý tưởng và tự do của các thành phố này./.

         

         

           

         





Share Post




Một số bài viết khác

- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính Vũ Xuân Bình

- Quản trị văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ở Singapore - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Nguyễn Thanh Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 2) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 1) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Quản lý nguồn nhân lực với tư cách là quá trình tương tác xã hội - Tác giả: GS, TS. Safonov Kirill Borisovich - ThS. Nguyễn Thu Thủy dịch, ThS. Vũ Thị Xuân Mai hiệu đính