Quản trị văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ở Singapore - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Nguyễn Thanh Bình

16/05/2016 10:56

Quản trị văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ở Singapore

Audrey Yue

Tạp chí quốc tế về Chính sách văn hóa, số 12(1), tr. 17-33

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Nguyễn Thanh Bình

Học viện Chính trị Khu vực I

     Tóm tắt: Singapore – quốc gia hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương – hiện đang nỗ lực chuyển đổi nền công nghiệp văn hóa của mình thành nền kinh tế sáng tạo. Những nền kinh tế sáng tạo khai thác tri thức làm sao để có thể giao dịch trên thị trường bằng cách kết hợp nghệ thuật, công nghệ và kinh doanh. Chúng đảm bảo khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia trong một nền kinh tế hội nhập kinh tế toàn cầu. Bài nghiên cứu này phân tích những chính sách phát triển văn hóa hiện nay của Singapore trong lĩnh vực du lịch, phát thanh và truyền thông. Bài nghiên cứu cho rằng những ngành công nghiệp sáng tạo mới đã và đang tạo ra các mô hình và bản sắc tiêu dùng mới, khai thác thương hiệu địa phương “châu Á mới” như một dạng vốn văn hóa và một chiến lược ảnh hưởng khu vực của Singapore. Điều khiển học (cybernetics) được đề xuất như là cách tiếp cận khung quản trị văn hóa sáng tạo và tiêu dùng tại Singapore.


      Giới thiệu


     Làn sóng chủ nghĩa tư bản thông tin toàn cầu lại một lần nữa xóa nhòa khoảng cách giữa các khu vực, quốc gia, thị trường và những đặc tính riêng biệt. Điều này gây ra tác động lớn tới quản trị và văn hóa ở châu Á – Thái Bình Dương khi khu vực này đang chứng kiến tốc độ hiện đại hóa và phát triển nhanh nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Những minh chứng như bộ luật mới về mạng internet tại Malaysia cho tới cải cách truyền thông định hướng thị trường tại Trung Quốc cho thấy những chính sách phát triển văn hóa và truyền thông năng động đã thực sự đi vào thực tiễn tại châu Á để thương thảo những nguyên tắc khu vực mới, những đặc trưng địa phương nổi bật và thương mại quốc tế hiện hành. Dù đó là “châu Á đích thực – truly Asia” ở Malaysia, “châu Á mới – new Asia” ở Singapore, “luôn là châu Á – always Asian” ở Ấn Độ hay “chú hổ chốn thiên đường -  a tiger in paradise” ở đảo Mauritius, những chính sách này đang kiến tạo nên châu Á mới như một chiến lược thương hiệu. Chiến lược này, với đặc trưng là sự hòa trộn đa văn hóa của chủ nghĩa ngoại nhập cũ với chủ nghĩa thành thị mới, lại được nung chảy bởi sự kết hợp yếu tố công nghệ và di sản truyền thống của phương Đông và phương Tây, đang được sử dụng như cách thức thúc đẩy tính riêng biệt độc đáo cũng như quảng bá sức mạnh mới của khu vực.

     Tại Singapore, thương hiệu vùng “châu Á mới” được nâng cao hơn nữa sau khi Chiến lược phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo được ban hành vào tháng 9 năm 2002 (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002). Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiến lược này đi theo xu thế phát triển hiện nay của Úc theo hướng kinh tế tri thức cũng như chuyển đổi từ công nghiệp văn hóa sang công nghiệp sáng tạo đã được chỉ ra trong nghiên cứu chính sách văn hóa gần đây của nước này (Quốc gia sáng tạo, 1994; Chính quyền Queensland, 2002; Chính quyền bang Victoria, 2003). Các ngành công nghiệp sáng tạo kết hợp nghệ thuật, công nghệ và kinh doanh như một cách thức nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Chiến lược kinh tế sáng tạo của Singapore ghi dấu sự chuyển đổi từ nền kinh tế thông tin sang nền kinh tế tận dụng tri thức của công dân để tạo ra giá trị và của cải. Các ngành công nghiệp sáng tạo, đóng góp tới 3.2% GDP của Singapore, hiện hữu trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, truyền thông và thiết kế (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 4). Năm 2001, thu nhập từ sở hữu trí tuệ đã tạo ra giá trị 30.5 tỷ đô về sản lượng và 8.7 tỷ đô giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc dân. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng năng lực sáng tạo thông qua giáo dục, gây dựng thương hiệu thông qua khác biệt sản phẩm và cạnh tranh vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo thông qua gia tăng giá trị, sáng tạo nội dung, nâng cao tính tương tác và hội tụ cũng như cách thức lưu trữ và phân phối mới. Cũng giống như các quốc gia châu Á khác, sự sáng tạo đổi mới là đặc trưng nổi trội nhất cho sự trỗi dậy của Singapore như là một trung tâm thời kỳ hậu (hiện đại). Singapore là độc nhất trong khu vực vì đây là quốc gia duy nhất tại châu Á coi việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sáng tạo như là chính sách văn hóa bền vững quốc gia (Chua, 2002). Hong Kong và Hàn Quốc cũng triển khai công nghiệp sáng tạo thông qua kết hợp nghệ thuật, văn hóa và kinh tế trong các lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, giải trí, hoạt hình, và phần mềm nhưng những giá trị này chỉ được theo đuổi ở cấp địa phương chứ chưa mang tính tiếp cận cấp quốc gia như tại Singapore.


     Bài viết này nghiên cứu trường hợp thực tiễn tại Singapore nhằm tìm hiểu khía cạnh văn hóa chính sách của phát triển kinh tế sáng tạo gần đây của quốc gia này. Những bước phát triển như vậy trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, phát thanh và các hình thức truyền thông mới là vô cùng quan trọng vì chúng mang lại sự tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và hòa nhập xã hội. Không giống như các mô hình công nghiệp sáng tạo tại Mỹ, Anh hay Úc, tác giả cho rằng mô hình của Singapore sử dụng khái niệm văn hóa không chỉ để tạo ra các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, mà còn để quảng bá các giá trị châu Á.

     Những phản hồi hiện nay đối với chiến lược kinh tế sáng tạo của Singapore được thu thập thông qua các cuộc điều tra chính sách trên diện rộng và có liên quan tới mô hình quản lý nhà nước độc tài và gia trưởng (Lee, 2004; Leo & Lee, 2004; Tan, 2003). Trong đó, liên quan đến chính sách độc tài hiện hành tại Singapore, câu hỏi đặt ra là liệu sự sáng tạo có cùng tồn tại với “xu thế quản lý tập trung” (Leo & Lee, 2004, tr.52). Các yếu tố phi phương Tây như những giá trị của đạo Khổng hay hệ thống giáo dục “học thuộc lòng” trước kia làm nên thành công của Singapore thì hiện nay được cho là làm cản trở sự sáng tạo (Chia & Lim, 2003, tr.214). Những đánh giá này dựa trên tư duy về vấn đề quản trị theo cách tiếp cận độc tài từ trên xuống và tiếp nối nhận định về tầng lớp dân chúng tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp dưới sự quản lý hà khắc của tầng lớp lãnh đạo và không thể suy nghĩ “vượt ra ngoài khuôn khổ”.


     “Sáng tạo” là một thuật ngữ khá mơ hồ, nó có thể được xem như là hình thái của sản phẩm công nghiệp, một tổng thể các kỹ năng hay một loại hình sản phẩm. Vì thế, Petrina Leo và Terence Lee đã triển khai một dự án về tính sáng tạo cho Singapore. Họ cho rằng sáng tạo cần đến nhu cầu khiến ai đó làm việc theo khuynh hướng hoài nghi…[Nó] đi sâu vào khuôn khổ cuộc thảo luận và tình hình thực tế với mục tiêu tìm tòi khám phá các phương án thay thế. Điều kiện tiên quyết của sáng tạo là phá cách, không tuân theo tình trạng quan hệ quyền lực vốn có. (Leo & Lee, 2004, tr.209)

     Trong khi những nhà trí thức này sở hữu tiềm năng cho những nghiên cứu chính sách văn hóa nổi lên tại Singapore nhằm gắn kết một cách đầy ý nghĩa với những chỉ trích chính trị, thì sự thu hẹp định nghĩa của họ chủ yếu dựa trên thực tiễn trái chiều (như mâu thuẫn chính trị) hơn là hiểu thực tế cuộc sống xã hội đang phát triển như thế nào, bởi lẽ chức năng của văn hóa hiện nay đơn giản là một nền tảng để quyết định hành động (Yudice, 2003). Tony Bennett (1998, tr. 169) cảnh báo tình trạng giảm thiểu tính đối kháng cứng nhắc sang một “cách vận dụng thận trọng được dùng định hướng cho sự thích ứng chiến lược thích ứng hoặc phòng vệ của văn hóa lệ thuộc được nói đến trong môi trường thù địch và bị đe dọa, mà ở đó khả năng tiếp tục tồn tại của văn hóa đó còn bỏ ngỏ”. Định vị sáng tạo trong thực tiễn triển khai phù hợp hơn với logic phát triển kinh tế của Singapore lại thường được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thực dụng. Trong một thập kỷ qua, thực tế phát triển kinh tế đã chứng kiến sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực sân khấu kịch, truyền thông đại chúng và nghệ thuật (Chua, 2004). Làm cơ sở cho sự tăng trưởng này không chỉ cho thấy sự nổi lên của nền văn hóa nói chung, mà cụ thể là nền văn hóa thực dụng có khả năng chuyển đổi mọi thứ thành nguồn lực thực tế.

     Nhằm mô tả khuôn khổ sáng tạo của Singapore, khái niệm “sự nổi loạn sáng tạo” được đưa ra như một đặc điểm của nhân tố chính trị xã hội bởi nhà hoạt động xã hội thành thị William Lim. Sự nổi loạn sáng tạo là đặc tính “được nuôi dưỡng, phát triển trong gia đình, các cơ sở giáo dục, công sở, truyền thông, chính sách nhà nước, cộng đồng cũng như các môi trường nghệ thuật và tri thức của toàn xã hội” (Lim, 2003, tr. 54). Khái niệm này được định hình bởi “sự tái sử dụng có chọn lọc, thích ứng” và được tạo ra bởi quá trình sử dụng ngôn ngữ địa phương hiện hành như là “cam kết khám phá những đặc trưng đậm nét truyền thống theo vùng, miền, khí hậu và sau đó chắt lọc những đặc điểm về hình thức và biểu tượng đó vào những hình thái sáng tạo mới, góp phần phản ánh thực tế đương đại về các mặt văn hóa, giá trị và phong cách sống” (Lim, 2003, tr. 131). Học giả Weng Hin Ho còn giải thích thêm rằng sự nổi loạn sáng tạo là chủ nghĩa khu vực mới, mà trong đó có sự tìm hiểu về những tác động của quá khứ tới hiện tại. Học giả này cho rằng: “Sự nổi loạn sáng tạo có ở cả tầng lớp ưu tú và cá nhân bình thường khác – một sự kết hợp có thể được khởi xướng từ trên xuống (bởi nhà cầm quyền, kiến trúc sư hay các nhà phát triển…) hoặc từ dưới lên (bởi dân chúng” (Ho, 2003, tr. 19).


     Bài nghiên cứu này tiếp tục tìm hiểu khái niệm “sự nổi loạn sáng tạo” bằng cách sử dụng mức tiêu dùng để phân tích sự thống trị của Singapore trong khu vực về kinh tế sáng tạo. Tiêu dùng là một tiêu chí quan trọng vì tiến trình phát triển kinh tế chưa từng có đã giúp hình thành nền văn hóa tiêu dùng tư bản hậu hiện đại, khi mà “chủ nghĩa tiêu dùng đã trở thành nét văn hóa của người dân Singapore” (Chua, 2003, tr. 4). Văn hóa này tạo ra các cấu trúc tiêu dùng được phân chia theo địa vị, tuổi, giới, chủng tộc và quốc tịch thông qua kết nối với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật và các khác biệt trong phong cách sống. Những cấu trúc tiêu dùng này cũng là nền tảng hình thành của những thói quen mới, hoặc như học giả Michel de Certeau gọi là “luật hành vi – acts of doing”. Những thói quen mới này có thể thúc đẩy tái thiết lập những đặc tính và phá vỡ sự thống trị (De Certeau, 1984; De Certeau et al., 1988). Trong nền kinh tế sáng tạo, những thói quen tiêu dùng mới, bao gồm cả chiến lược phát triển chính sách từ trên xuống hay chiến thuật thực thi chính sách từ dưới lên, có vai trò nghiên cứu, phát hiện những nhu cầu của công dân. Điều này phản ánh vai trò cao hơn của người tiêu dùng so với mô hình phân chia ba nhóm của T. H. Mashall gồm quyền công dân, quyền chính trị và quyền xã hội trong thực tế triển khai tại đất nước mà chế độ quản trị thống kê còn bị giới hạn (Marshall, 1964; Yue, 2003; Chua, 2003). Nhận định này ủng hộ so sánh của Nick Stevenson cho rằng công dân văn hóa cũng có vai trò như quyền văn hóa để tham gia vào đời sống xã hội. Trong phần tiếp theo, bài nghiên cứu sẽ đi sâu phân tích cách thức quản trị những ngành nghề sáng tạo tại Singapore đã sản ra một nền kinh tế mới vốn được coi là bá chủ khu vực như thế nào. Tác giả đi đến kết luận bằng cách đề xuất cách tiếp cận điều khiển học sẽ được áp dụng trong nghiên cứu quản trị văn hóa sáng tạo và tiêu dùng tại Singapore.

     Những bước phát triển gần đây từ chính sách văn hóa đến kinh tế sáng tạo: Nhóm ngành sáng tạo và chính trị khu vực châu Á mới


     Chiến lược phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo (CECDS) của Singapore là chính sách kinh tế sáng tạo đầu tiên được ban hành với tư cách là chính sách văn hóa mang tầm quốc gia tại châu Á. Để phát triển được cách tiếp cận như vậy, chiến lược này của Singapore được dẫn dắt bởi Bộ thông tin, truyền thông và nghệ thuật (MITA). Sáng kiến liên ngành này có sự tham gia của hội đồng Thiết kế Singapore (Design Singapore) (ngành thiết kế), Truyền thông 21 (Media 21) (ngành truyền thông) và Thành phố Phục Hưng 2.0 (Renaissance City 2.0) (ngành nghệ thuật và văn hóa), được xây dựng bởi nhóm quản lý gồm các công ty liên ngành và các tổ chức liên kết ở các lĩnh vực nhất định, làm việc trên cơ sở chia sẻ và bù trừ lẫn nhau. Các ngành công nghiệp sáng tạo được phát triển thông qua du lịch nghệ thuật, giải trí kết hợp và phát triển các giá trị địa phương. Các cơ sở lưu giữ giá trị quá khứ như thư viện, bảo tàng và nhà lưu trữ được tái thiết kế thành các không gian kết hợp, trong đó có sự hòa quyện giữa nghệ thuật, thiết kế và công nghệ mới có chức năng như trung tâm nghiên cứu khu vực cũng như thúc đẩy các giá trị địa phương (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 16-17). Cấu trúc trên cho thấy cách kết hợp các nhóm ngành như vậy đã làm nên những đặc tính của nền kinh tế sáng tạo gồm “tính tương tác, tính hội tụ, tính tùy biến, tính hợp tác và liên kết mạng lưới” (Cunningham, 2002, tr. 59). Đồng thời, cấu trúc liên kết này cũng cho thấy cách các chính sách truyền thông và văn hóa khác được phối hợp với nhau như thế nào để làm nên một Singapore với tư cách là “Trung tâm sáng tạo châu Á mới” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 8).  

     Để có được một Singapore với vai trò là một quốc gia hàng đầu và là cảng biển trung tâm trong khu vực châu Á suốt 5 năm qua, chúng ta cần kể đến sự phối hợp chặt chẽ của bốn chính sách truyền thông và văn hóa. Chính sách đầu tiên có tên “Singapore châu Á mới” – là chiến dịch du lịch văn hóa được phê chuẩn bởi Ủy ban Du lịch Singapore từ năm 1996 đến 2003. Như nội dung khẩu hiệu, sứ mệnh của chiến lược này là quảng bá Singapore như là một trung tâm hội đủ các tiêu chuẩn của châu Á mới (Ủy ban du lịch Singapore, 2000, 2001). Chính sách này ủng hộ sự kết hợp văn hóa của phương Đông và phương Tây, thành thị và ngoại vi cũng như toàn cầu và địa phương. Ví dụ như, sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ cũng được thúc đẩy thông qua buôn bán các trang thiết bị phục vụ hội nghị chất lượng quốc tế và kiến trúc di sản đa chủng tộc. Trong kế hoạch triển khai kinh tế sáng tạo, thương hiệu châu Á mới của Ủy ban du lịch Singapore được linh động định vị như một thương hiệu thích hợp, một phương thức xuất khẩu văn hóa và là chiến lược hội tụ (bằng chứng là giá trị gia tăng thông qua du lịch nghệ thuật – khu vực phản ánh sự hợp tác giữa nghệ thuật và công nghiệp dịch vụ với mức tăng trưởng hàng năm 24.6%) (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 7).

     Chính sách thứ hai (“Tái cấu trúc truyền thông 2000”) là chính sách tái cấu trúc truyền thông được đưa ra nhằm phổ cập mạng internet toàn quốc. Mỗi hộ dân tại Singapore sẽ được nhà nước cung cấp một địa chỉ internet. Tính tới thời điểm hiện nay, 25% số hộ dân tại đây có thể truy cập mạng internet, vượt qua cả Mỹ và Nhật Bản về tiêu chí này. Chính sách này đã mang lại danh hiệu nền kinh tế điện tử đầu tiên trên thế giới cho Singapore. Quá trình quản trị nền kinh tế điện tử khá khác biệt vì những quy định, hướng dẫn tái cấu trúc truyền thông của chính sách này, chẳng hạn như tính hội nhập của các phương tiện truyền thông truyền thống (phát thanh và báo in với mạng internet); sự ra đời của truyền hình kỹ thuật số cũng như sự phát triển và ưa thích các giá trị địa phương được đưa ra cho phép “phát triển bản sắc Singapore” gắn với “vai trò xây dựng đất nước và phát triển các giá trị cộng đồng” (Lee, 2000). Các giá trị địa phương sẽ được khai thác trong chiến lược kinh tế sáng tạo với tư cách là “Giá trị và thương hiệu Singapore” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 13).

     Chính sách thứ ba là Thành phố Phục Hưng (Renaissance City) được triển khai lần đầu năm 1989 và sau đó được nâng cấp lên thành “Thành phố Phục Hưng 2.0” năm 2002 (MITA, 2002). Nghị trình hoạt động của Thành phố Phục Hưng – giống như chính sách văn hóa Quốc gia sáng tạo của Úc năm 1994 – là xây dựng Singapore thành một thành phố nghệ thuật toàn cầu nhờ thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân, cộng đồng hoạt động nghệ thuật và mỗi công dân. Mục tiêu chính của Thành phố Phục Hưng là nâng cao bản  sắc dân tộc, tăng cường gắn kết xã hội cũng như mở rộng khu vực nghệ thuật và giải trí. Từ năm 1989, các ngành công nghiệp văn hóa đã được phát triển theo cấp số nhân trên khía cạnh hoạt động và tham gia nghệ thuật, mở thêm các bảo tàng và các địa điểm biểu diễn mới, phát triển đổi mới thành thị và xuất hiện các hình thức nghệ thuật cộng đồng. Tất cả những bước phát triển này một lần nữa được đẩy mạnh nhờ chính sách Thành phố Phục Hưng 2.0. Chính sách này “định vị Singapore như một thành phố hàng đầu của phong trào Phục Hưng châu Á thế kỷ 21 và là trung tâm văn hóa của thế giới” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 4). Nền kinh tế sáng tạo nổi lên nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật và văn hóa, lĩnh vực phần mềm cũng như quá trình quảng bá Phục Hưng Singapore (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 5).

     Những chính sách này (bao gồm thương hiệu “Singapore châu Á mới”, sáng tạo giá trị địa phương và quảng bá Phục Hưng Singapore) được đẩy mạnh triển khai để đồng bộ hóa với Singapore 21 – chính sách quốc gia được khởi động năm 2000 nhằm quảng bá xã hội lý tưởng Singapore ở thế kỷ 21 (Singapore 21, 2001). Chính sách này bao gồm 5 ý tưởng chính: “mỗi sự kiện của Singapore, nền tảng gia đình vững chắc, cơ hội cho tất cả, chung nhịp đập Singapore và công dân tích cực”. Việc duy trì các giá trị gia đình và sự tham gia tích cực của mỗi công dân có vai trò thúc đẩy và định hướng nghị trình hoạt động của nền kinh tế sáng tạo tại Singapore trong bối cảnh dân số và giáo dục đã trở thành thành tố của nền kinh tế tri thức.

     Cùng với Singapore 21, những chính sách trên định hình Châu Á mới như là chiến lược quảng bá thương hiệu và là một dạng của vốn văn hóa. Vốn văn hóa Châu Á mới mở rộng quan điểm của Bourdieu rằng vốn văn hóa có thể tạo ra thịnh vượng và phân chia giai cấp (Yue, 2003). Tại Singapore, vốn văn hóa Châu Á mới là “nguồn lực chiến lược quốc gia quan trọng” được tạo ra nhờ sự hội tụ của tri thức, kinh doanh và công nghệ để tạo nên “giá trị, công cụ và môi trường mà con người có thể sáng tạo ra giá trị mới và xây dựng những ngành công nghiệp mới” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 3). Đóng vai trò trung tâm chính là “một quốc gia thống nhất…có khả năng gắn kết với các quốc gia khác, ở cả khía cạnh không gian và thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 4). Nhờ tính thương hiệu có tính kết nối về mặt cảm xúc, xã hội và địa lý, vốn văn hóa Châu Á mới theo đuổi mô hình công nghiệp mới nổi dựa trên tính cạnh tranh “vùng”. Mô hình này không chỉ nhấn mạnh “văn hóa là một ngành công nghiệp dịch vụ và sáng tạo là một công cụ ứng dụng” (O’Regan, 2002, tr. 9), mà còn gắn kết các ngành công nghiệp văn hóa với dịch vụ kinh doanh và giá trị châu Á. Không giống như các nền kinh tế sáng tạo mới nổi khác tại Anh, Úc và Mỹ, việc vận dụng thương hiệu Châu Á mới là vô cùng quan trọng vì nó gắn liền với hệ tư tưởng giá trị châu Á và vốn văn hóa Châu Á mới với tư cách là chiến lược kinh tế của cường quốc hàng đầu khu vực.

     Hệ tư tưởng giá trị châu Á nổi lên tại châu Á vào cuối những năm 1980 là kết quả của hậu chủ nghĩa thực dân và toàn cầu hóa. C. J. W. L. Wee (1996, 1999) cho rằng sau khi chiến thắng chủ nghĩa thực dân và giành độc lập, các quốc gia tập trung kiếm tìm và phát triển các giá trị mang bản sắc của riêng mình. Greg Sheridan (1999, tr. 3) lập luận các quốc gia này nỗ lực tái cấu trúc xã hội, tái kết nối các giá trị quá khứ, vượt qua những di sản còn sót lại của chủ nghĩa thực dân và quan điểm cũ về sự thống trị của người da trắng, kiếm tìm con đường phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống của xã hội châu Á”. Trong đó, đóng vai trò trung tâm là các giá trị có liên quan đến văn hóa, cuộc sống của người dân, cộng đồng khu vực và hiện đại hóa. Beng-huat Chua (1999) tin tưởng rằng để khơi gợi sự hồi sinh của các giá trị địa phương và phát triển tư bản chủ nghĩa, các yếu tố như lao động chăm chỉ, giáo dục, chủ nghĩa thực dụng, kỷ luật cá nhân, định hướng gia đình và chủ nghĩa công xã cần được nhấn mạnh. Những giá trị đó mang tính tư tưởng vì chúng được xem là thách thức đối với chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Trong luồng tư tưởng chống phương Tây, Đông phương học và bản chất luận cũng được đề cao. Bất chấp sự du nhập của văn minh phương Tây và Tân Đông phương học, hệ tư tưởng của các giá trị châu Á được trau dồi tại châu lục này nhằm tránh sự chuyển biến của xã hội sang thời kỳ hậu hiện đại và toàn cầu hóa. Trên khắp châu Á và trong suốt quá trình phân tán văn hóa châu Á, những giá trị này được chắt lọc và sản sinh ra những chủ thể châu Á xuyên quốc gia – những người sử dụng các giá trị châu Á để kiến tạo nên những đặc tính mới mang hơi thở của quá khứ vào hiện tại với những thay đổi hậu hiện đại của thuyết Liên Á. Trong nghiên cứu về Trung Hoa hậu hiện đại, Ien Ang (2001), Agnes Meerwald (2001) và Andrea Loule (2004) cho rằng những xung đột nảy sinh tại các khu vực ngoài Trung Quốc “trên cơ sở giả định có nguồn gốc lịch sử rằng đặc trưng Trung Hoa là một yếu tố mang tính chủng tộc và là cách thức thay đổi Trung Quốc theo hướng văn hóa, chủng tộc và chính trị” (Louie, 2001, tr. 1). Alhwa Ong (1999) tán thành mô hình tích lũy linh hoạt của David Harvey cho thấy cách những giá trị này kết hợp với chủ nghĩa tư bản như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu xuyên quốc gia của Trung Quốc. 

     Các giá trị châu Á được lồng ghép trong chiến lược kinh tế sáng tạo Singapore thông qua các nhóm ngành sáng tạo giúp xây dựng nên thương hiệu châu Á mới như là vốn văn hóa có khả năng thống trị trong khu vực. Trong nghiên cứu về Singapore – trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông trong khu vực, Slow Yue Chia và Jamus Jerome Lim (2003) sử dụng lý thuyết nhóm để minh họa lợi thế khu vực của Singapore về mặt địa lý, kinh tế, thể chế. Minh chứng là hiện nay Singapore là trung tâm chiến lược của khu vực Đông Á năng động, là đất nước có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, có nguồn nhân lực kỹ năng cao, sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày, ưu đãi thuế và ổn định chính trị. Các công ty toàn cầu đều có chi nhánh khu vực tại Singapore bao gồm các nhà cung cấp thông tin qua vệ tinh như các kênh HBO, ESPN, MTV và Discovery; các công ty trang mạng điện tử như Lycos, Monster.com, E!Online Asia, MTV-Asia; các công ty thương mại điện tử (HP, Compaq, Apple, IBM, Federal Express); các trung tâm chuyển giao toàn cầu như trung tâm công nghệ thông tin và dữ liệu toàn cầu của ngân hàng Citibank năm 1999 và gần đây là dự án kinh doanh nước ngoài đầu tiên của tỷ phú George Lucas (Lucasfilm Animation Singapore) xưởng phim hoạt hình kỹ thuật số Lucasfilm tại Singapore chuyên sản xuất phim truyện, chương trình truyền hình và trò chơi truyền hình.


     Trong khi nghiên cứu của hai học giả Chia và Lim về quản lý kinh tế và truyền thông cho thấy cách thức nhóm các chính sách sáng tạo góp phần tạo nên tính ảnh hưởng, thống trị như thế nào tại Singapore, bài viết này tập trung nghiên cứu thương hiệu châu Á mới đã được triển khai như thế nào dưới hình thức vốn văn hóa. Khái niệm “hạ tầng mềm” của Charles Landry (2000, tr. 133) được ví như “hệ thống cấu trúc và mạng xã hội liên kết cũng như sự kết nối và tương tác con người, có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy dòng ý tưởng giữa các cá nhân và thể chế” nhắc nhở chúng ta rằng các nhóm chính sách sáng tạo không bao giờ chỉ đơn thuần nói về các thể chế và vấn đề kinh tế. Hạ tầng “cứng” và “mềm” đều có liên quan tới sự tương tác, chúng kết hợp với nhau để tạo ra môi trường sáng tạo của một thành phố hay một khu vực. Việc lồng ghép các giá trị châu Á vào trong nhóm này nhằm tạo ra vốn văn hóa châu Á mới chứng tỏ vai trò của hạ tầng “mềm” là không thể thiếu đối với thịnh vượng sáng tạo của một nền kinh tế.


     Trong phần này, tác giả đã nghiên cứu cách thức các chính sách văn hóa và truyền thông hiện tại đã kiến tạo nên kinh tế sáng tạo mà đặc trưng chính là sự kết hợp của nghệ thuật với kinh doanh và các giá trị châu Á. Trong đó, vốn văn hóa Châu Á mới và thương hiệu Châu Á mới đóng vai trò nền tảng. Tác giả cũng chỉ ra làm thế nào để các nhóm chính sách sáng tạo đóng vai trò linh động đóng vai trò vừa là hạ tầng cứng vừa là hạ tầng mềm. Với vai trò là hạ tầng cứng, các nhóm khai thác lợi thế như vị trí địa lý cảng biển và nền kinh tế phát triển mới nổi được nhấn mạnh. Với vai trò là hạ tầng mềm, các giá trị châu Á được sử dụng để tạo ra sự gần gũi văn hóa và bản sắc tập thể. Trong phần tiếp theo, tác giả tập trung phân tích nền kinh tế sáng tạo của Singapore ít mang tính quốc gia mà nặng tính khu vực như thế nào, tìm hiểu tính thống trị khu vực của kinh tế sáng tạo Singapore dưới hình thức là một dạng của cận chủ nghĩa đế quốc (thực dân hóa văn hóa bởi các thuộc địa cũ). Cận chủ nghĩa đế quốc chính là minh chứng cho sự thay đổi chức năng “cửa ngõ văn hóa” của các thể chế văn hóa tại nước này. 

     Sự thống trị khu vực của Châu Á mới: Sự thay đổi chức năng cửa ngõ của các thể chế văn hóa

     Các thể chế văn hóa có chức năng như “khung quản trị của văn hóa” (Cunningham, 1992, tr. 22). Mục tiêu của các thể chế văn hóa và truyền thông gồm có vai trò “quản trị/gác cổng (gatekeeping)” như bảo tồn các di sản và giá trị truyền thống, phát hiện những nét mới và những truyền thống bị lãng quên, duy trì bản sắc dân tộc (trong và ngoài nước), quá trình hiện đại hóa đất nước, ghi nhớ tự tôn văn hóa và kiến tạo thịnh vượng. Trong nền kinh tế sáng tạo Singapore, các thể chế văn hóa đóng vai trò mới thông qua các chiến lược hội tụ và các chính sách sáng tạo, góp phần biến Singapore thành một “trung tâm” hoặc một “trục” trong khu vực châu Á. Vai trò mới này có thể thấy rõ thông qua sự thay đổi mục tiêu “cửa ngõ” của một loạt các thể chế như Singapore 21, Ủy ban phát thanh Singapore và Ủy ban du lịch Singapore. Cách nói ẩn dụ “cửa ngõ” có ý nghĩa quan trọng vì các thể chế văn hóa chính là điểm liên kết và cũng là nơi giao nhau của các nguồn lực, vốn và con người.

     Trước tiên, tác giả sẽ nghiên cứu chính sách quốc gia Singapore 21 với vai trò là tài nguyên văn hóa. Mục tiêu nghiên cứu là phân tích phép ẩn dụ “cửa ngõ” được huy động như thế nào thông qua sự thảo luận thuộc về tư cách công dân. Tác giả sẽ sử dụng vấn đề tiêu dùng trong giới đồng tính như là ví dụ cho thấy tư cách công dân được đề cập như thế nào trong các giá trị văn hóa châu Á về cộng đồng luận và chủ nghĩa tư bản. Tác giả cũng đồng thời phân tích quá trình chuyển đổi từ công dân sang người tiêu dùng. Công dân với tư cách là người tiêu dùng cho thấy cách nói ẩn dụ “cửa ngõ” đã trở thành bộ mặt mới của đặc trưng quốc tế liên Á mới. Dù là đồng tính hay dị tính, người tiêu dùng tốt phải là công dân tốt và mang trong mình vốn văn hóa châu Á mới. Tiếp đó, tác giả sẽ nghiên cứu các cơ quan văn hóa của Ủy ban du lịch Singapore và chiến dịch châu Á mới của ủy ban này. Trong đó, cách nói ẩn dụ “cửa ngõ” của các thể chế văn hóa sẽ được tập trung phân tích thông qua các khác biệt về vùng thể hiện trong khẩu hiệu và quảng cáo của chiến dịch châu Á mới. Tác giả cũng chỉ ra chủ nghĩa quốc tế liên Á tạo ra thói quen tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mang tính thống trị trong khu vực. Tính thống trị này địa lý hóa chiến dịch Châu Á mới thông qua một hệ thống các thành phố toàn cầu vốn đại diện cho thành công của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhận định này được củng cố thông qua nghiên cứu trường hợp cụ thể của một thể chế truyền thông – kênh tin tức Châu Á (News Asia Channel) – kênh tin tức khu vực để thấy được đặc trưng quốc tế liên Á được định hình như thế nào thông qua cách sử dụng kênh tin tức dùng ngôn ngữ tiếng Anh. Thông qua những ví dụ này, tác giả cho rằng các thể chế văn hóa và truyền thông tại Singapore không chỉ là minh chứng cho những đặc điểm của của nền kinh tế sáng tạo mới, mà nền kinh tế sáng tạo còn giúp hình thành nên quản trị văn hóa như một kênh kiểm chứng tính chủ quan (chủ thể tri thức và khách thể quy định).


     Với vai trò là tài nguyên văn hóa, Singapore 21 cho thấy vai trò “cửa ngõ” của mình thông qua quá trình triển khai công dân văn hóa. Giống như vai trò trung gian “cửa ngõ”, công dân văn hóa là khái niệm giúp thu hẹp khoảng cách giữa cá nhân với cộng đồng, giữa quyền cá nhân với lợi ích chung, giữa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa cộng đồng. Singapore 21 xây dựng công dân văn hóa thông qua hoạt động tiêu dùng và giúp công dân trở thành những người tiêu dùng hiểu biết hơn là thông qua đại diện chính trị và xã hội (Yue, 2003). Minh chứng cho điều này chính là sự xuất hiện của đại diện giới đồng tính ở Singapore vào tháng 5/2000 khi nhóm hoạt động xã hội người đồng tính địa phương có tên “Những người như chúng tôi” (People Like Us) xin mở diễn đàn chính thức đầu tiên của người đồng tính tại Singapore với tên gọi “Giới đồng tính tại Singapore thế kỷ 21” (Gays and Lesbians within Singapore 21). Đề nghị này bị Cơ quan cấp phép giải trí công của chính phủ từ chối (Lim, 2000). Diễn đàn này dự định hoạt động như khu vực công Habermasian (Habermas – triết học gia người Đức), nơi mà mọi người có thể thảo luận về chỗ đứng và vai trò của người đồng tính trong chiến lược Singapore 21. Trước câu hỏi “Diễn đàn sẽ có tác động như nào tới những cá nhân khác?” của ông Siew Kum Hong – nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức “Những người như chúng tôi”, ông Lim Swee Say, Bộ trưởng thuộc Văn phòng thủ tướng Singapore về Thương mại, công nghiệp, truyền thông và công nghệ thông tin trả lời:


     Chúng ta không cần nhấn mạnh về vấn đề giới tính trong thảo luận về vai trò của mình trong chiến lược Singapore 21. Có thể nói, để bàn về vấn đề vai trò cá nhân trong chiến lược Singapore 21 thì chỉ cần là công dân Singapore là đủ. Nếu mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy sự chấp thuận của xã hội về hành vi đồng tính trong cộng đồng, thì quan điểm của tôi là mọi người có toàn quyền quyết định mọi hành vi theo định hướng giới tính của mình. Nhưng đừng cố gắng kêu gọi sự chấp thuận của xã hội về hành vi đồng tính trong cộng đồng, vì chúng ta vẫn đang sống trong xã hội bảo thủ vì nhiều lý do tốt đẹp. Vì thế, thay vì tạo ra một diễn đàn chỉ tập trung hướng tới đối tượng đồng tính, bản thân họ luôn luôn có thể tham gia các diễn đàn của cộng đồng người Singapore nói chung. Bằng cách gắn tinh thần công dân tích cực với lợi ích chung của cả cộng đồng, chúng ta có thể cùng nhau chung sức giúp đỡ nhiều người hơn nữa có cuộc sống tốt đẹp hơn tại Singapore trong thế kỷ 21. (Lim, 2000)   

     Phản hồi này cho thấy vấn đề giới được gắn với chính sách văn hóa quốc gia thông qua khái niệm “công dân tích cực”. Vấn đề đồng tính không được tách riêng mà trở thành một phần trong các vấn đề của công dân Singapore. Tại đây, quyền công dân gợi nhắc lại mô hình Foucauldian về chính quyền hiện đại có nền tảng là cách ứng xử của bản thân và của người khác (Foucault, 1991). Ứng xử của bản thân trong nghị trình của Singapore 21 là quản lý hành vi theo hướng cộng đồng. Chua (1997) cho rằng tư tưởng này sẽ dẫn dắt quá trình triển khai Châu Á mới của Singapore khi mà nhà nước trung hòa chính trị đa văn hóa theo chính thể chuyên chế dân tộc thông qua việc truyền bá các giá trị châu Á. Singapore 21 vận dụng những giá trị này để tạo ra một xã hội không tưởng châu Á, và sử dụng kinh tế sáng tạo như một công cụ để quản trị nhà nước – thành phố và dân cư của mình bằng lực lượng cảnh sát. Phản hồi của Bộ trưởng Lim cho thấy các quyền liên quan đến vấn đề giới tính được cho là nguyên tắc đạo đức khác biệt với niềm tin không tưởng về một thành phố - cũng là nhà nước và với vai trò của phương pháp quản trị tự giác mà qua đó vị thế công dân văn hóa được xây dựng nhờ sự tiếp nhận các giá trị văn hóa cộng đồng. Hình thái công dân như vậy phủ nhận sự tham gia đầy đủ các hoạt động công dân của người đồng tính tại Singapore, đồng thời cũng giảm bớt sự công nhận đa văn hóa của cộng đồng thông qua tư tưởng độc nhất “là công dân Singapore”. Bên cạnh đó, quyền tự chủ của nhóm vận động vì người đồng tính cũng không được chấp thuận. “Công dân tích cực” được gắn với hình thái công dân đi liền với tiến trình tiêu dùng tích cực, thay vì nhấn mạnh vào dân chủ văn hóa hay công bằng trong phân phối các nguồn lực (Bianchini & Bloomfield, 1996; Stevenson, 2000).

     Trong 5 năm qua, Singapore đã vượt qua Sydney trở thành trung tâm của giới đồng tính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhờ chiến lược gắn hình ảnh công dân với người tiêu dùng. Mặc dù đồng tính là vấn đề bất hợp pháp tại Singapore và nội dung các trang mạng của giới đồng tính bị Cơ quan Phát thanh Singapore kiểm duyệt chặt chẽ, văn hóa đồng tính vẫn nổi lên thông qua các tổ chức AIDS, các hoạt động cho người đồng tính và thông qua phong cách tiêu dùng, mua sắm của giới đồng tính. Từ năm 2000, Singapore tổ chức lễ hội khiêu vũ thường niên cho người đồng tính, thậm chí lễ hội này còn lớn hơn các lễ hội diễu hành cho người đồng tính Mardi Gras tại Sydney. Với số lượng các nhà tắm hơi cho đồng tính nam và câu lạc bộ đêm cho đồng tính nữ nhiều hơn so với tại Sydney, quá trình tiêu dùng tích cực của giới đồng tính đã vấn đề hóa chức năng “cửa ngõ” bằng cách đặt vấn đề chính trị giữa các quy định luật pháp và quá trình toàn cầu hóa thông tin mạng. Không giống như các hoạt động giải phóng quyền lợi cho người đồng tính tại Đài Loan hay chuyện du lịch tại thiên đường chuyển giới Bangkok, người đồng tính Singapore mang dấu ấn của quá trình tiêu dùng tư bản được hình thành bởi nền kinh tế sáng tạo – nơi mà cộng đồng chuyển giới tích cực tham gia xây dựng một thành phố sáng tạo. Trong nền văn hóa ấy, công dân văn hóa được thúc đẩy thông qua các giá trị chung: trước hết là công dân tích cực trong cộng đồng và thứ hai là thông qua cộng đồng làm khơi gợi lên chủ nghĩa duy vật tư bản Châu Á mới. Như vậy, bất chấp rào cản về quy định và kiểm duyệt thông tin, nền kinh tế tri thức và hình thái công dân – với tư cách là người tiêu dùng vẫn luôn được sản sinh và phát triển (Yue, 2003).

     Những giá trị chung đó của Singapore phù hợp với nội dung du lịch văn hóa vùng được đề ra bởi Ủy ban du lịch Singapore. Cơ quan này quảng bá khẩu hiệu “Singapore: Châu Á mới. Dễ dàng trải nghiệm” với mục tiêu nhấn mạnh tới “một đất nước – nơi giao thoa của phương Đông và phương Tây”; “một phép màu thời hiện đại [mà] …không thể không đến vào thể kỷ 21” với “một bản sắc dân tộc duy nhất, đến mức mà bạn sẽ dễ dàng thấy ai đó tự giới thiệu mình là người Singapore thay vì người Trung Quốc, Malay, Ấn Độ hay người mang trong mình dòng máu lai Âu Á khác” (Ủy ban du lịch Singapore, 2000, tr. 5). Tại đây, chính sách tiêu dùng được định hướng từ trên xuống nơi mà công dân thể hiện được bản sắc của mình không chỉ dựa trên các đặc điểm nhận dạng chung, nhưng cũng ngoài vấn đề vị thế tiêu dùng. Vị thế “là người Singapore” được hình thành từ chiến dịch Châu Á mới như là không gian mang tính địa phương, được hình thành một cách chiến lược như một thói quen, thông lệ.

     Với tư cách là một cơ quan văn hóa, Ủy ban Du lịch Singapore cho thấy chức năng “cửa ngõ” tại nhiều khu vực khác nhau trong chiến dịch quốc tế liên Á “Singapore Châu Á mới”. Từ năm 2000 đến 2003, chiến dịch này quảng bá du lịch ẩm thực đa văn hóa, mua sắm toàn cầu và du lịch vùng. Trên tờ Thời đại của Úc, mục quảng cáo du lịch với tiêu đề: “Niềm vui tận hưởng thiên đường nhiệt đới có thể khởi nguồn từ một thành phố quốc tế hiện đại?” Cùng với đó là hình ảnh mang lại cảm giác thanh bình tại một khu nghỉ dưỡng bãi biển của Indonesia với dòng chú thích “Banyan Tree Bintan – Chỉ mất 45 phút từ Singapore”. Có thể thấy Singapore đã thể hiện rõ vai trò của mình là vị trí trung tâm về mặt địa lý và là trục văn hóa của khu vực. Chiến lược du lịch “giao thoa giữa phương Đông và phương Tây” được đẩy mạnh quảng bá một cách thích hợp để “chạm tới thị trường đang phát triển tại khu vực như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia” bằng cách khuyến khích, xúc tiến sự phát triển của “các sản phẩm giải trí và phong cách sống mang đậm chất riêng Singapore tới thị trường quốc tế” (Cơ quan quản lý truyền thông, 2002, tr. 7). Chức năng cửa ngõ đó cũng phản ánh tầm ảnh hưởng chính trị của Singapore trong khu vực. Cũng như quảng cáo trên của Singapore được đặt cạnh bên vẻ đẹp hoang sơ của nước láng giềng, cảm giác thanh bình và sang trọng mà du lịch châu Á mang lại được quảng bá với điểm xuất phát là Singapore, chiến lược Châu Á mới là hình ảnh minh họa cho thuật ngữ “chủ nghĩa chủng tộc đang lên” (developmental racism) – khi mà hình ảnh liên Á mới ăn sâu vào thẩm mỹ tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tại các quốc gia châu Á khác kém phát triển hơn trong khu vực.    

     Chiến dịch “Độc đáo Singapore” (Uniquely Singapore) của Ủy ban du lịch Singapore được triển khai tháng 5/2004 nhấn mạnh hơn nữa ảnh hưởng chính trị khu vực của nước này. Chiến dịch này khai thác địa phương như nguồn văn hóa sáng tạo thông qua việc xây dựng giá trị địa phương trên cơ sở giao thoa Đông – Tây của chiến lược Singapore Châu Á mới. Chiến dịch này sử dụng bốn khía cạnh chính để nắm bắt hình ảnh Châu Á mới thông qua bốn chủ đề chính gồm “tuôn chảy”, “sắc nhọn”, “nhiệt đới” và “hoang dã” (Ủy ban du lịch Singapore, 2004). Lấy khẩu hiệu là “Điều gì khiến bạn muốn về nhà?”, chiến dịch này lấy điểm xuất phát là một thành phố khác (Đài Loan, Bangalore, Aires, Thượng Hải) và sau đó mới là hình ảnh địa phương Singapore và các hình thức du lịch tại đất nước này. Sự pha trộn được thể hiện thông qua lựa chọn các hình ảnh minh họa từ đài tượng niệm thực dân cũ cho tới quảng trường nhà hát đầy tính nghệ thuật cũng như hình ảnh các hình thức du lịch như các chuyến đi ngắm cảnh truyền thống cho tới phong cách sống mới và du lịch sinh thái. Ví dụ như khía cạnh “tuôn chảy” (poured) bắt nguồn từ hình ảnh quán trà ở Đài Loan với hình ảnh một geisha Nhật đang phục vụ trà cho hai doanh nhân người Trung Quốc. Cùng với đó, hình ảnh nước trà đang rót được lồng ghép cùng dòng chảy của dầu mát-xa tại một tổ hợp nghỉ dưỡng, cùng với đó là sự lắng đọng của trà Ấn tarik, sự hối hả trong ly cốc-tai tại quán ba hay hình ảnh dòng thác đang tuôn chảy. Trên khía cạnh “sắc nhọn”, hình ảnh các mũi kim khâu trong hội trường khiêu vũ ở Buenos Aires được lồng ghép với hình ảnh chóp nhà hình nón của một nhà hát mới, hình ảnh gai sầu riêng, hình ảnh mái đầu đinh và hình ảnh đỉnh chóp của một ngôi đền. Trong những quảng cáo đó, chiến lược châu Á mới được thể hiện thông qua sự pha trộn, lồng ghép các hình thức du lịch kèm theo các giá trị văn hóa khác nhau. Những hình thức, thói quen du lịch này không chỉ tạo ra một Singapore độc đáo bằng cách hòa trộn các giá trị văn hóa mà còn tái định vị khu vực theo tầng lớp, địa vị.

     Chính trị giai cấp được thể hiện thông qua cách các giá trị đi kèm và phân nhóm các chuỗi giá trị này đã chuyển đổi văn hóa từ các phong tục truyền thống, thói quen hay ăn ở hàng ngày thành các dịch vụ văn hóa. Tâm điểm của văn hóa – với tư cách là một ngành dịch vụ - chính là tầm quan trọng của ý nghĩa “nhà/gia đình” trong việc thể hiện chức năng cửa ngõ của Singapore Châu Á mới nhằm kết nối khu vực từ các thành phố quốc tế mới nổi như Đài Loan, Bangalore, Buenos Aires và Thượng Hải (Sassen, 2002). Nhờ đó, việc tái định vị khu vực không còn trên khía cạnh địa lý mà được thay thế bằng chủ nghĩa tư bản đang lên. Chiến lược thương hiệu như trên khai thác vốn văn hóa để thúc đẩy thói quen tiêu dùng hậu hiện đại của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Văn hóa như một ngành dịch vụ cũng được quảng bá trên trang web của Ủy ban du lịch Singapore có liên kết với trang web của “Giáo dục Singapore” và “Y tế Singapore”. Những tri thức ấy được chắt lọc thành vốn dưới dạng văn hóa được xem như một nguồn lực và nguồn cung cấp dịch vụ. Cùng với thói quen tiêu dùng những giá trị chung của chiến lược Singapore 21, các thói quen và hình thức du lịch tại Singapore cấu thành nên chính trị tầng lớp trung lưu trong tiêu dùng mang tính thống trị trong khu vực châu Á về mặt địa lý nói riêng và trong mạng lưới khu vực tư bản chủ nghĩa đang phát triển nói chung.

     Sự thống trị khu vực này được thể hiện thông qua kênh Tin tức châu Á – CNA (Channel News Asia). Được khởi động từ năm 1999, CNA là kênh truyền hình quốc tế chuyên về tin tức khu vực bằng tiếng Anh đầu tiên thuộc sở hữu và quản trị của một nước châu Á là Singapore. Báo cáo chỉ số truyền thông Nielsen năm 2000 cho thấy CNA thống lĩnh 42% thị phần khán giả tại châu Á, trong khi con số này của đài CNN chỉ là 8.5% và đài BBC là 7.5%. Được truyền dẫn bởi vệ tinh Apstar 11R và Palapa C2, kênh CNA phủ sóng tới Đông Á, Bắc Á, Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và châu Úc. Công nghệ truyền dẫn bằng cáp được sử dụng để truyền thông tin tới các thị trường thích hợp, thay vì trên diện rộng (Yue & Hawkins, 2000). Các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh cho thấy một tầng lớp châu Á mới được hình thành thông qua việc khán giả được tiếp xúc và dẫn dắt bởi các nguồn tin tức tiếng Anh đóng vai trò như văn hóa tiện dụng. Sự thống trị của Singapore càng được củng cố nhờ các chương trình được làm theo vành đai khu vực thay vì phân riêng từng nước. Trong mục tin tức, nội dung các chương trình tin tức được cập nhật theo giờ, tập trung đưa tin về Singapore, khu vực và thế giới. Các thành phố trong khu vực châu Á khác chỉ được đưa tin dưới dạng “thấu hiểu châu Á” hay “cửa ngõ châu Á”. Có thể nói, Singapore đóng vai trò trung tâm như là người đưa tin tại châu Á cho mạng lưới thông tin châu Á và quốc tế. Các tin tức mới nhất không chỉ quảng bá các giá trị châu Á (là thách thức đối với các nhà đưa tin phương Tây) mà còn hỗ trợ kinh tế sáng tạo khi mà tin tức đã trở thành một địa chỉ thông tin về vốn và tiêu dùng. Bên cạnh đó, kênh tin tức này cũng hướng tới khán giả mục tiêu là các nam doanh nhân, các nhà quản trị hay điều hành có tiếng nói và địa vị. Như vậy, tin tức không còn là thông tin thuần túy mà đã trở thành một dạng tiêu dùng phong cách sống, thể hiện qua các quảng cáo quảng bá cho sự tiện nghi và chủ nghĩa toàn cầu và góp phần hình thành nên đẳng cấp nam giới mới tại khu vực châu Á dưới thương hiệu vùng Châu Á mới. Biểu tượng chữ A màu đỏ được cách điệu bằng biểu tượng Delta thể hiện sự táo bạo và thịnh vượng trong những tham vọng thay đổi châu Á và báo hiệu một châu Á đang phát triển.

     Rõ ràng là, chức năng cửa ngõ của các thể chế văn hóa và truyền thông sáng tạo Singapore đã thúc đẩy hơn nữa sự thống trị của nước này trên khắp khu vực châu Á và xuyên suốt mạng lưới chủ nghĩa tư bản đang lên trong khu vực. Sự thống trị này tạo ra một tầng lớp trung lưu mới bằng việc thúc đẩy công dân văn hóa thông qua tiêu dùng và chia sẻ các giá trị châu Á. Nó cũng cho thấy sức mạnh của châu Á mới với tư cách là khu vực sáng tạo đang phát triển. Khu vực hóa, như là cách tái sát nhập quốc gia, dân cư, địa lý và biên giới, đóng vai trò quan trọng trong hiểu biết về tái sắp xếp thế giới dưới tác động của toàn cầu hóa và lãnh thổ hóa (Dirlik, 1992; Wilson & Dissanayake, 1996; Chen, 1998). Bài viết này, do đó, tập trung vào vấn đề khu vực hóa Châu Á mới, nối tiếp nghiên cứu của Leo Ching về “chủ nghĩa châu Á” (Ching, 2000) bằng việc phân tích chiến lược Châu Á mới đã hình thành như thế nào dưới dạng vốn văn hóa, được thể hiện thông qua hình thái tiêu dùng và quản trị văn hóa mới. Bất chấp chính sách từ trên xuống của Singapore, tính khách quan và các đặc trưng mới vẫn được tạo ra đồng hành và thậm chí trái với yêu cầu của quy định nhà nước. Trong nền kinh tế như vậy, tác giả đề xuất sử dụng cách tiếp cận điều khiển học (cybernetics) trong nghiên cứu quản trị văn hóa và tiêu dùng ở Singapore.

     Định hình quản trị văn hóa sáng tạo và tiêu dùng: Cách tiếp cận điều khiển học


    Singapore là trường hợp nghiên cứu quan trọng trong tìm hiểu quản trị chính sách đã được triển khai thành công và hài hòa như thế nào với làn sóng tư bản thông tin và tri thức hiện nay dựa trên thực tế đây là một thành phố thông minh và là nền kinh tế điện tử đầu tiên trên thế giới. Như đã đề cập ở phần giới thiệu, các nghiên cứu về chính sách văn hóa Singapore gần đây đã mắc phải hạn chế khi đề cập quản trị với vai trò là thực tiễn của tự quản lý (self-management), cũng chính là cơ sở cho những hiều biết về cách thức chủ thể thực hiện quyền tự do của mình như thế nào (Foucault, 2000). Bài viết này sẽ cho thấy những quyền tự do này được thể hiện như thế nào trong thói quen tiêu dùng mới của nền kinh tế sáng tạo như là kết quả của những vấn đề giới và giới tính mới.              


     Tác giả sẽ đi đến kết luận bằng việc mở rộng mối quan hệ giữa chính phủ và người dân bằng việc sử dụng tính tương đương của điều khiển học với văn hóa tiêu dùng như là cơ sở tiếp cận nghiên cứu quản trị chính sách và tư bản thông tin tại Singapore. Những nghiên cứu về Singapore cũng được rộng mở hơn nhờ văn hóa tiêu dùng do chính sách và thực tiễn được liên kết với nhau. Quan trọng hơn, văn hóa tiêu dùng có liên quan đến kinh tế sáng tạo vì văn hóa được xem như một ngành công nghiệp dịch vụ. Ở mức cơ bản, chính sách tiêu dùng cho thấy các sáng kiến chính sách đã đi vào cuộc sống. Sự chuyển đổi nghị trình theo định hướng người tiêu dùng đã trở thành nền tảng cho hiểu biết về những đòi hỏi mới của công dân. Từ quan điểm nghiên cứu chính sách văn hóa, tiêu dùng mang đến những kiến thức về văn hóa thường thức nhờ nghiên cứu văn hóa đã định hướng hoạt động thực tiễn như thế nào như việc sử dụng mạng internet, mua sắm, ẩm thực, đón tiếp khách hay truyền thông với khán giả. Nghiên cứu sâu sắc nền kinh tế sáng tạo Singapore cũng góp phần bổ sung cho những nghiên cứu về kinh tế sáng tạo toàn cầu.


     Nền kinh tế tri thức đóng vai trò trung tâm cho nền kinh tế sáng tạo khi mà công dân có chức năng như nguồn lực sản sinh giá trị và thịnh vượng. Trong nền kinh tế đó, quản trị thông tin rất quan trọng đối với thành công hay thất bại trong việc thực thi các chính sách. Học giả Beng-huat Chua (1997) cho rằng tư tưởng của Gramscian về đồng thuận thống trị (hegemonic consensus) là mấu chốt cho những thành tựu về kinh tế, xã hội và chính trị của Singapore. Đồng thuận thống trị mô tả một xã hội mà sự ổn định xã hội đạt mức cao bất chấp những điều kiện ngặt nghèo của nhà nước tư bản. Mặc dù học giả này đã nghiên cứu thành công của chính sách nhà ở công đa văn hóa ở Singapore những năm 70 và 80, định nghĩa của ông về đồng thuận vẫn mang hơi hướng Singapore đương thời. Điều khiển học cập nhật những phân tích của Chua trên hai khía cạnh: thứ nhất, điều khiển học nghiên cứu kinh tế sáng tạo như là pha hiện hành nhất trong quá trình phát triển kinh tế của Singapore và thứ hai, công cụ phản hồi của điều khiển học cho phép việc sở hữu và tự trau dồi tri thức và thông tin trở nên khách quan và hài hòa.


     Trong môi trường thông tin toàn cầu bao quanh là những công nghệ điện tử và truyền thông mới, điều kiện của Singapore về đồng thuận gợi nhắc tới hình ảnh không gian mạng dưới dạng “ảo giác tồn tại” của nhà văn viễn tưởng nổi tiếng William Gibson (Gibson, 1986, p. 56). Không gian mạng mô tả một môi trường xã hội và công nghệ mới mà dữ liệu, tài sản, các mối quan hệ và năng lượng được kết nối với con người nhờ công nghệ. Mô tả này dường như phù hợp với nền kinh tế điện tử và sáng tạo hiện nay của Singapore, thích hợp với một quốc gia sử dụng công nghệ và thông tin để điều phối con người, nguồn lực và vốn. Mặc dù David Hakken (2003) gần đây đã nghiên cứu quản trị tri thức trong không gian mạng, cách tiếp cận của học giả này là nhân chủng học và chưa xét đến tác động của nền kinh tế sáng tạo. Đối với nghiên cứu chính sách văn hóa, tiếp cận theo hướng điều khiển học có thể xây dựng nền tảng để nghiên cứu sự thể hiện, sắp xếp và quản trị tri thức. Đối với Singapore, cách tiếp cận này phù hợp hơn trong tìm kiếm phương pháp đồng thuận trong quản lý văn hóa vì công cụ phản hồi của điều khiển học có thể đo lường thực tiễn tiêu dùng văn hóa tạo ra tính khách quan như thế nào, cũng tương tự như chủ thể sáng tạo và độc lập có thể vận dụng kiến thức như thế nào để có được tự do trong mối quan hệ với các chủ thể khác (Foucault, 2000).   

     “Điều khiển học” liên quan đến nghiên cứu hệ thống kiểm soát hiển thị thông tin. Từ “điều khiển (cyber)” trong điều khiển học (cybernetics) có gốc từ tiếng Hi Lạp “kubernetes” có nghĩa là “người lái thuyền” hoặc “kubernan” có nghĩa là kiểm soát hay định vị. Sự kiểm soát và hiển thị thông tin đóng vai trò quan trọng đối với Singapore – vốn là nền kinh tế điện tử được định hướng bởi chủ nghĩa tư bản thông tin toàn cầu. Trong nền kinh tế gắn liền với sự nổi lên của các phương tiện truyền thông mới, giá trị của thông tin từ ý nghĩa ban đầu là các dữ liệu hay thông tin đã được chuyển thể thành hình ảnh, quá trình trao đổi hay vốn (Roszak, 1994; Wark, 1997). Đúng như học giả Virilio (1995) đã từng nhận định, thông tin là tốc độ và tốc độ là vốn. Bằng cách nhấn mạnh điều khiển học với vai trò là hệ thống tổ chức thông tin dựa trên cấu trúc và hiển thị thông tin, chu trình xuất phát từ các công cụ công nghệ xác định được triển khai từ lý thuyết về người máy. Sau đó, chu trình tiếp tục đi theo ý tưởng ban đầu của Norbet Weiner cho rằng điều khiển học như một ngành khoa học công nghệ mà cả con người và máy móc đều tham gia vào hệ thống thông tin (Jerison và cộng sự, 1994; Haraway, 1997; Gray, 1995). Trong lý thuyết đó, đặc trưng cơ bản của điều khiển học là khả năng phản hồi hay tái diễn. “Phản hồi” là khả năng gửi lại phần thông tin của đầu ra (bên nhận) cho đầu vào (bên gửi). Tuyến tính hoặc hệ thống điện tử sắp xếp thông tin theo thứ bậc từ bên gửi đến bên nhận; phi tuyến hay hệ thống số hóa sẽ tự sắp xếp thông tin một cách hỗn loạn từ bên nhận đến bên gửi (Eglash, 1998; Haraway, 1997). Công cụ phản hồi của điều khiển học sẽ cho thấy sự quản trị văn hóa của Singapore trên cả hai hệ thống sắp xếp và quản lý thông tin tuyến tính và phi tuyến. 

     Đóng vai trò là công cụ đánh giá thành công (hoặc thiếu hụt) xử lý thông tin, phản hồi điều khiển học có ý nghĩa tương tự như giải thích của học giả Tom O’Regan về triển khai chính sách. Ông tán thành việc chính sách văn hóa cần được tiếp cận như “kỹ thuật xử lý thông tin” (O’Regan, 1992, tr. 416). Đề xuất của ông về xung đột giữa cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên bắt nguồn từ phương pháp nghiên cứu chính sách văn hóa theo hướng Foucauldian. Cũng tương tự như vậy, Tony Bennett (1998) cũng nghiên cứu về quản trị văn hóa Foucauldian với vai trò là một trong những khía cạnh của quản trị xã hội. Đề xuất của học giả này cho rằng chính sách văn hóa cần được xem xét một cách hợp lý như trong vấn đề công nghệ, cũng như việc chúng ta cần xem xét lại chính sách cần có cơ chế hoạt động như thế nào giống như vấn đề công nghệ trong mối quan hệ với các yếu tố về thể chế, thực tiễn, quản lý, kinh tế và công dân.

     Công cụ phản hồi của điều khiển học là thước đo thành công (hay thất bại) trong cung cấp và phân bổ thông tin xuyên suốt hệ thống và mạng lưới thông tin. Tại đây, nền tảng cho sự sáng tạo của nền kinh tế sáng tạo theo thuyết của O’Regan cho rằng hệ thống thông tin/tri thức có thể đóng vai trò như địa chỉ hữu dụng trong kết nối cộng đồng với phát triển công nghiệp và nghị trình kinh doanh. Ngược lại, vấn đề là quản trị chính sách phải như thế nào để tiến gần hơn đến cách tiếp cận thực tế trong xem xét việc sử dụng văn hóa vốn được biết đến như “chuỗi nguồn lực linh động và liên kết với nhau cho phép tái sắp xếp và tái gắn kết vào mạng lưới” (O’Regan, 2002, tr. 7). Cách tiếp cận như vậy nhấn mạnh tới việc áp dụng các nhóm ngành sáng tạo của nền kinh tế sáng tạo. Bởi các nhóm ngành sáng tạo bao gồm mạng lưới được hình thành thông qua sự kết hợp và hội tụ của các ngành công nghiệp truyền thống và công nghệ cao để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, các nhóm ngành sáng tạo còn giúp hình thành cách thức riêng biệt trong sắp xếp dữ liệu và nền kinh tế, tất yếu là một cách nhận thức văn hóa mới.

     Phản hồi điều khiển học liên quan đến tiêu dùng văn hóa mà xoay quanh trục này, ý nghĩa văn hóa, sự hài lòng và các đặc tính được hình thành vì đây chính là thước đo thành công của triển khai chính sách. Sử dụng phản hồi điều khiển học như một công cụ đo lường thành công (hay thiếu hụt) của đầu vào chính là nhờ vào khả năng chuyển đổi đặc điểm của đầu vào; và với cách tiếp cận này, thực tế tiêu dùng văn hóa có thể thay đổi giá trị thông tin và tự dưỡng các đặc tính chính thống của thế hệ người dân châu Á mới. Cách hiểu như trên về điều khiển học xuất phát từ nghiên cứu khía cạnh toán học trong điều khiển học như là công cụ xây dựng thông tin, triển khai thông tin và hệ thống xử lý thông tin. Mặc dù cách thức quản trị văn hóa của giới cầm quyền Singapore là quản lý thông tin một chiều từ trên xuống hoặc hiểu là từ bên gửi đến bên nhận, nhưng những chính sách của nước này vẫn giúp hình thành nên nền văn hóa châu Á mới không chỉ chứa đựng các yếu tố cấu thành, mà quá trình triển khai cũng được phù hợp hóa vì thực tiễn tiêu dùng đã phản ánh các đặc tính mới nảy sinh dù có thể trái với kết quả dự tính nhưng đã cho thấy sự hòa trộn văn hóa độc đáo của Châu Á mới (Yue, 2003).

     Đây là điều khá khác biệt vì giá trị thông tin được chuyển đổi thông qua tiêu dùng văn hóa của chiến lược Châu Á mới (như tiêu dùng các giá trị chung). Một khi thông tin dưới dạng dữ liệu được cấu thành nhờ chương trình chính sách thành công, thông tin sẽ được trao đổi và tái sắp xếp thông qua các giá trị châu Á chung dưới dạng vốn văn hóa. Khi là hệ thống tuyến tính trao đổi thông tin từ bên nhân đến bên gửi, phản hồi điều khiển học đóng vai trò thước đo của phương thức quản trị từ trên xuống của chính quyền. Khi là hệ thống phi tuyến của tổ chức thông tin, phản hồi điều khiển học đánh giá thực tiễn tiêu dùng. Công cụ phản hồi của điều khiển học cho phép hình thái mới của truyền thông và các đặc tính sản phẩm quốc gia trở nên đa dạng và mang tính phân đoạn hơn (Poster, 1990).

     Chua (1997) đã tiến hành nghiên cứu sự thành công của Singapore trong triển khai chính sách chủ nghĩa đa chủng tộc. Tương tự, học giả Ien Ang và Jon Stratton (1995, tr. 189) mô tả cách thức chủ nghĩa đa chủng tộc và đa ngôn ngữ đã hình thành nên một Châu Á mới được xem là “hình mẫu cho đặc trưng tổng hợp mới của Singapore”. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào, kể cả các nghiên cứu về giá trị châu Á, tập trung vào chính sách văn hóa và kinh tế sáng tạo. Cách tiếp cận của nghiên cứu này đã mở rộng hơn những nghiên cứu gần đây về phát triển chính sách, đưa ra phân tích cụ thể những chính sách này đã tác động như thế nào tới đời sống hàng ngày và làm thay đổi các đặc trưng của Singapore. Nghiên cứu này cũng tập trung vào các vấn đề thực tiễn của Châu Á mới. Những thực tiễn này, thể hiện trong những chính sách về du lịch, phát thanh và truyền thông đã cho thấy các chính sách đã đi sâu tới cấp độ tiêu dùng hàng ngày. Các đặc trưng tiêu dùng mới có thể được định hình thông qua cách tiếp cận nghiên cứu dân tộc học, nghiên cứu về truyền thông xã hội hay tiêu dùng đại chúng. Kết quả của những phương pháp này có được đồng thời phản ánh thành quả của công cụ phản hồi điều khiển học.


     Kết quả nghiên cứu từ những phương pháp này cũng có thể được trình bày theo phương pháp định tính thông qua áp dụng thuyết tiếp nhận phương tiện truyền thông cũng như các nghiên cứu lịch sử hậu thuộc địa, nhân chủng học về văn hóa vật chất và công dân văn hóa. Các nghiên cứu hiện nay về công dân văn hóa xung quanh các vấn đề về cách tiếp cận, công bằng và tính đại diện cũng sẽ được mở rộng hơn với cách tiếp cận công dân với vai trò người tiêu dùng (Marshall, 1964). Cách tiếp cận này hỗ trợ nhiều trong phân tích kinh tế chính trị, bao gồm các nghiên cứu về tầng lớp và giới trong xã hội, đóng góp vào những thành tựu nghiên cứu của Chua (2000, 2003) về phân tích xã hội học trước sự nổi lên của tầng lớp mới giàu (nouveau riche) tại Singapore. Những lý thuyết về giới và giới tính cũng cần được lưu tâm trong tìm hiểu sự khác biệt và biểu hiện của các đặc tính mới. Cách tiếp cận như vậy có nhiều ý nghĩa quan trọng cho ngành nghiên cứu chính sách văn hóa do những đóng góp cho các dự án nghiên cứu văn hóa về các yếu tố mới nổi từ châu Á (Chen, 1998); tái giải quyết các phân tích nhà nước mang tính xã hội học, kinh tế chính trị về Singapore; và giải quyết vấn đề sử dụng văn hóa nhờ tạo ra các dạng văn hóa phổ biến có được thông qua những hiểu biết về thực tiễn Châu Á mới đã gắn kết với những mệnh lệnh được thúc đẩy bởi những chính sách Châu Á mới như thế nào./.


 

 

 

 

 

 



Tải file đính kèm: Click vào đây.

Share Post




Một số bài viết khác

- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Các thành phố thông minh ở Châu Âu - Tác giả: Andrea Caragliu, Chiara Del Bo & Peter Nijkamp - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Trần Minh Hoàng

- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính Vũ Xuân Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 2) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 1) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Quản lý nguồn nhân lực với tư cách là quá trình tương tác xã hội - Tác giả: GS, TS. Safonov Kirill Borisovich - ThS. Nguyễn Thu Thủy dịch, ThS. Vũ Thị Xuân Mai hiệu đính