Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình
19/04/2016 09:12
CHIẾN LƯỢC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ TẠI CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ ĐANG PHÁT TRIỂN: KHUNG THỰC HIỆN VÀ TRƯỜNG HỢP THỰC TIỄN (Phần 1) Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà Hiệu đính: Vũ Xuân Bình Học viện Chính trị Khu vực I Y. N. Chen, Đại học Tây Kentucky, Mỹ H. M. Chen, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc W. Huang, Đại học Kinh doanh, Đại học Ohio, Mỹ R. K. H. Ching, Đại học bang California, Mỹ (Tạp chí quản lý thông tin toàn cầu, trang 23-46, số 14(1), tháng 1-3/2006 Journal of Global Information Management, 14(1), 23-46, January-March 2006)
TÓM TẮT Trong bối cảnh ngày càng nhiều chính phủ đầu tư nhiều hơn cho thiết kế và triển khai chính phủ điện tử, khái niệm này đã trở thành đề tài nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực giải pháp mạng. Hầu hết các chiến lược chính phủ điện tử được công bố gần đây đều dựa trên những kinh nghiệm thành công của các nước phát triển. Những chiến lược này khó có thể áp dụng trực tiếp cho các nước đang phát triển. Nghiên cứu này tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, đồng thời xác định những nhân tố chính làm nên thành công của một chiến lược chính phủ điện tử cũng như đề ra khung thực hiện. Khung thực hiện này sẽ được sử dụng để phân tích thực tế quá trình triển khai chiến lược chính phủ điện tử trong trường hợp nghiên cứu cụ thể tại nước phát triển và đang phát triển. GIỚI THIỆU Trong giai đoạn bùng nổ Internet, “chính phủ điện tử” là thuật ngữ được sử dụng nhằm mô tả tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc kiện toàn cấu trúc bộ máy và nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Cựu chủ tịch tập đoàn Microsoft từng khẳng định chính phủ điện tử sẽ là một trong những lĩnh vực thương mại điện tử hấp dẫn nhất trong tương lai gần. Chính phủ điện tử là biện pháp tiết kiệm chi phí giúp thúc đẩy liên lạc giữa các cơ quan chính phủ các cấp bằng cách mở ra cách tiếp cận với nguồn thông tin và các dịch vụ hành chính trực tuyến. Trang Economist ước tính chính phủ điện tử giúp tiết kiệm tới 110 tỉ đôla tại Mỹ và khoảng 144 tỉ bảng Anh tại châu Âu (Symonds, 2000). Tuy là một thuật ngữ mới, nhưng chính phủ điện tử đã thu hút ngày càng nhiều quan tâm nghiên cứu từ khối doanh nghiệp, chính phủ và các trường đại học (Carter & Belanger, 2005; Chircu & Lê, 2003; Huang, Siau, & Wei, 2004; Jain & Patnayakuni, 2003; Moon & Norris, 2005; Navarra & Cornford, 2003). Viện chính phủ điện tử của Công ty IBM hay hàng loạt “Cơ quan chuyên trách về chính phủ điện tử” ở các nước khác nhau chính là những ví dụ cụ thể (Huang, D’Ambra, & Bhalla, 2002). Chính phủ điện tử là cam kết dài hạn của chính phủ nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa công dân và khối hành chính công thông qua cách tiếp cận dịch vụ, thông tin và kiến thức một cách tối ưu, tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Nhìn chung, chính phủ điện tử bao gồm việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, từ máy fax cho tới thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số không dây giúp hỗ trợ cho công việc hành chính hàng ngày của chính phủ, đặc biệt là các hoạt động thông qua internet nhằm cải thiện cách tiếp cận của công dân với các thông tin, dịch vụ hay tư vấn của chính phủ, đảm bảo sự tham gia cũng như sự hài lòng của công dân đối với các hoạt động của chính phủ (UN & ASPA, 2001). Nói gọn lại, chính phủ điện tử là sản phẩm và là hình thức chính phủ đưa các dịch vụ của mình thông qua các ứng dụng thông tin nhằm đơn giản hóa và đẩy mạnh giao dịch giữa chính phủ với các ban, ngành, doanh nghiệp hay các cơ quan chính phủ khác (Sprecher, 2000). Sự phát triển và quá trình thực hiện chính phủ điện tử mang lại những tác động và thay đổi tới cấu trúc và chức năng của hành chính công (Snellen, 2000). Không giống như hình thức hành chính truyền thống, nơi mà thông tin được truyền theo chiều dọc và hiếm khi được trao đổi giữa các ban ngành, chính phủ điện tử kết nối công nghệ mới với hệ thống thông tin nội bộ sẵn có, và ngược lại, cũng kết nối hạ tầng thông tin chính phủ ra bên ngoài với mọi thiết bị số (Tapscott, 1995). Hơn nữa, chính phủ điện tử giúp xỏa bỏ rào cản thẩm quyền, cho phép tạo ra dịch vụ hành chính xuyên chính phủ một cách thống nhất hơn, thông suốt ba tầng của chính phủ (trung ương, tỉnh thành, quận huyện). Hành chính thông thường thường khó tiếp cận, đặc biệt đối với những người ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chính phủ điện tử giúp gia tăng đáng kể cách tiếp cận thông tin và dịch vụ. Chính phủ điện tử giúp người dân dễ dàng tham gia và đóng góp ý kiến trước các vấn đề của chính phủ. Các giai đoạn khác nhau trong triển khai chính phủ điện tử phản ánh mức độ phức tạp và tương tác kỹ thuật với người dùng (Hiller & Belanger, 2001). Watson và Mundy (2000) đã đề xuất một mô hình lớn với chiến lược ba pha và hai hướng nhằm thực hiện nền dân chủ điện tử. Ba pha dựa trên nguyên tắc phát triển kỹ năng (Quinn, Anderson, & Finkelstein, 1996), và các hướng phản ánh nền tảng kép của chính phủ dân chủ - tính hiệu quả và tối ưu. Cần lưu ý rằng chính phủ điện tử và chính trị điện tử được xác định như những nhân tố của nền dân chủ điện tử. Chính phủ điện tử thông báo cho người dân về đại diện của mình, cách thức liên hệ cũng như cải thiện tính hiệu quả của chính phủ bằng cách cho phép người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến; bởi lẽ chính trị điện tử sử dụng công nghệ mạng để nâng cao tính tối ưu của những quyết định bằng cách giúp người dân nhận thức được nguyên do và cách thức đưa ra các quyết định chính trị cũng như hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình này. Pha khởi đầu tập trung cung cấp cho người dân điểm tiếp cận riêng với nguồn thông tin của chính phủ và giao dịch với chính phủ qua mạng là những mục tiêu cơ bản ban đầu. Ở mức độ tham gia chính trị tối thiểu, người dân cần phải biết ai là người đại diện cho mình và những gì diễn ra trong đời sống chính trị. Khi nền dân chủ điện tử đạt tới giai đoạn hòa nhập, hầu hết các cơ quan chính phủ thực hiện theo các nguyên tắc của chính phủ điện tử. Đánh giá và triển khai thanh toán trực tuyến được áp dụng rộng rãi. Tiêu chuẩn cơ bản là người dân có thể thực hiện được hầu hết các thanh toán hành chính thông qua các hóa đơn điện tử. Chính phủ trở nên hiệu quả hơn thông qua hai hướng tiếp cận chính. Chính phủ điện tử ở quy mô nhỏ dành cho giải pháp Nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng (APS), trong khi chính phủ điện tử ở quy mô lớn áp dụng cho hệ thống nội bộ. Giai đoạn bắt đầu là rất cần thiết vì chính phủ cần xây dựng cơ sở hạ tầng (như các công ty phần mềm, phương pháp thực hiện, kỹ năng tư vấn), cho phép chính phủ và người dân quen dần với khái niệm chính phủ điện tử, và học cách mở rộng quy mô từ một vài cho tới hàng vạn dịch vụ hành chính trực tuyến. Một khi nền tảng kỹ năng và kiến thức đã được xây dựng, và ý tưởng đã trở nên phổ biến, việc áp dụng chính phủ điện tử trên quy mô lớn là hoàn toàn khả thi. Khi chính phủ điện tử đã phát triển rộng hơn, người dân có thể sẽ không hài lòng với giải pháp chung “một cho tất cả”, và tất yếu sẽ dẫn tới nhu cầu điều chỉnh. Trong pha điều chỉnh, nền dân chủ điện tử xây dựng mối quan hệ một đối một giữa người dân và chính quyền. Nhằm cải thiện tốt hơn tính hiệu quả sử dụng của từng cá nhân, tất cả người dân đều cần có hồ sơ cá nhân, lưu trữ trực tuyến toàn bộ giao dịch tài chính với chính phủ. Ví dụ, khi người dân thay đổi địa chỉ, thông báo sẽ được gửi cho mọi hệ thống điện tử của chính quyền. Bên cạnh đó, mọi công dân cũng sẽ có được thông tin chi tiết của từng khoản chi tiêu của chính phủ, vì thế người dân sẽ trực tiếp nắm được tiền thuế và các phí khác được chi tiêu như thế nào (ví dụ như bao nhiêu tiền sẽ được dành cho giáo dục). CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ ĐANG PHÁT TRIỂN Hằng năm, Liên Hợp Quốc đều ra bản báo cáo về các quốc gia kém phát triển nhất và so sánh điều kiện kinh tế của các nước này dựa trên một số tiêu chí. Năm 2002, có 49 quốc gia bị xếp hạng kém phát triển nhất. Các quốc gia này được xếp hạng dựa trên chỉ số GDP bình quân đầu người thấp, nguồn nhân lực kém cũng như nguy cơ tổn thương về mặt kinh tế cao (UNCTAD, 2002). Việc triển khai và phát triển chính phủ điện tử là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia. Một số quốc gia vượt trên các nước khác về tiêu chí dịch vụ trực tuyến dành cho công dân. Các chỉ số về giáo dục và trình độ văn hóa chỉ ra rằng ở Mozambique, chỉ 7% tổng dân số học hết cấp 2. Xét trên tiêu chỉ số về thông tin và truyền thông, tại Bangladesh, chỉ 3,4% dân số có điện thoại và khoảng 9,3% dân số đọc báo chí hàng ngày (UNCTAD, 2002). Mặc dù chính phủ điện tử có khả năng cải thiện cuộc sống của khoảng 80% dân số thế giới hiện đang sống tại các nước đang phát triển, thì các nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh hay Úc hiện nay – những quốc gia hàng đầu về chính phủ điện tử (Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Accenture, 2002) – mới là các quốc gia được hưởng những thành quả chính từ quá trình triển khai chính phủ điện tử. Thực tế, khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển về hạ tầng cơ sở công nghệ mạng, quá trình triển khai, và số lượng người sử dụng đang ngày gia tăng, thay vì rút ngắn lại những năm gần đây. Ngoài việc thiếu hụt vốn cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin quốc gia vốn rất tốn kém mà từ đó chính phủ điện tử được phát triển, các nước đang phát triển còn thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển chiến lược thiết lập và thúc đẩy chính phủ điện tử một cách phù hợp và hiệu quả. Có khoảng 500 chương trình chính phủ điện tử được triển khai năm 2001 trên toàn cầu (Palmer, 2002). Chiến lược chính phủ điện tử đang có những tác động to lớn tới cách thức chính phủ tương tác với người dân. Hơn 75% người dân Úc nộp thuế thu nhập trực tuyến, trong khi thống đốc bang Minnesota nhận khoảng 13000 thư điện tử từ công chúng mỗi tuần (Palmer, 2002). Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn toàn cầu Accenture (trước kia là công ty tư vấn Anderson) năm 2002, Canada là nước dẫn đầu trong triển khai chính phủ điện tử. 10 nước tiếp theo (xếp theo trình tự) gồm: Singapore, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Anh, Phần Lan, Hong Kong, Đức và Ireland. Điều tra của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng trong số 190 nước thành viên, 36 trên tổng số 169 nước có trang web chính phủ có cổng thông tin một cửa và chưa tới 20 nước cho phép giao dịch trực tuyến (Jackson, 2002). Điều này cho thấy khoảng cách lớn trong tình trạng triển khai và thực hiện chính phủ điện tử tại các quốc gia khác nhau. Một nghiên cứu khác gần đây sử dụng số liệu của Liên Hợp Quốc đã chứng minh rằng quá trình phát triển và thực hiện chính phủ điện tử tại các nước khác nhau trên 3 khía cạnh: mức độ thu nhập, tình trạng phát triển và khu vực (Siau & Long, 2005). So với các quốc gia khác, Mỹ cùng với Úc, Singapore và Canada là các quốc gia sớm áp dụng chính phủ điện tử. Chính phủ các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Na-uy, Hong Kong và New Zealand đã cam kết thay đổi chính sách thực hiện chính phủ điện tử theo hướng tận dụng tối đa ưu thế của thời đại số. Các quốc gia rất thận trọng trong việc thực hiện chính phủ điện tử bao gồm Ý, Nhật Bản, Hà Lan, và Nam Phi. Trong khi các quốc gia phát triển đã có những bước tiến lớn trong triển khai chính phủ điện tử, rất nhiều quốc gia đang phát triển bị tụt lại phía sau. Bảng 1 tóm tắt các nét khác biệt chính giữa các nước phát triển và đang phát triển trên các khía cạnh khác nhau của chính phủ.
Còn nữa... Share Post Một số bài viết khác |