Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính Vũ Xuân Bình

22/05/2016 00:36

Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong

phát triển cơ sở hạ tầng

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính Vũ Xuân Bình

Học viện Chính trị Khu vực I

Xueqing Zhang, M.ASCE

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Công nghệ và Quản lý xây dựng số 131(1) năm 2005, trang 3-14

Zhang, X. (2005). Critical success factors for public–private partnerships in infrastructure development. Journal of Construction Engineering and Management, 131(1), 3-14)

 

     Tóm tắt: Các loại hình hợp tác công – tư (PPPs) được triển khai trong phát triển cơ sở hạ tầng ở khắp nơi trên thế giới thu được nhiều kết quả khác nhau và còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Sự thành công hay thất bại của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng được quyết định bởi tổng hòa các yếu tố khác nhau. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là xây dựng một khuôn khổ thực hiện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác công – tư trong tương lai. Trong quá trình từng bước phát triển quy trình, nghiên cứu này sẽ xác định, phân tích, và phân loại các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư dựa trên nguyên tắc công – tư cùng thắng và cách tiếp cận nghiên cứu mang tính hệ thống gồm: nghiên cứu trường hợp, tổng quan, phỏng vấn các chuyên gia quốc tế. Nhóm các nhân tố quyết định thành công trong hợp tác công – tư gồm 5 nhân tố chính và các nhân tố phụ khác. Tầm quan trọng của các nhân tố này được đánh giá dựa trên những số liệu thu được từ ý kiến của các chuyên gia quốc tế. Phân tích này cho thấy sự đồng thuận của những người tham gia nghiên cứu đến từ khu vực doanh nghiệp cũng như giới học giả trong đánh giá xếp loại các nhân tố quyết định thành công chính và những nhân tố phụ khác trong hợp tác công – tư.


     Giới thiệu


        Thực tế triển khai tại các nước phát triển và đang phát triển cho thấy hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng mang lại nhiều kết quả khác nhau. Trong đó, nhiều dự án lớn có liên quan đến nhiều ban ngành chức năng được triển khai thành công với kết quả đáng kể thông qua hợp tác công – tư. Những dự án này bao gồm xây dựng các tuyến đường, cầu, cảng, sân bay, đường sắt, điện nước, hệ thống xử lý rác thải, mạng lưới viễn thông, các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin, trường học, khách sạn, bệnh viện, nhà tù và các thậm chí là thiết bị quân sự. Ví dụ như trong chương trình sáng kiến tài chính tư tại Anh, so với lộ trình triển khai truyền thống của khu vực công, mức tiết kiệm chi phí trung bình trong xây dựng 8 tuyến đường đầu tiên theo chu trình thiết kế - xây dựng - phân bổ nguồn vốn - vận hành là 15%, trong các dự án xây dựng nhà tù Bridgen và Fazakerley là 10%, trong xây dựng hệ thống ghi âm bảo mật quốc gia là 60% và trong dự án công nghệ thông tin của Bộ Nội vụ là 40% (Partnership for prosperity, 1997).


        Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề gặp phải trong hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. Vấn đề đầu tiên chính là tốc độ triển khai hợp tác công – tư còn chậm. Các dự án có nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều thách thức, thậm chí là thất bại trong các dự án hợp tác công – tư. Ví dụ như sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đối với một số dự án tư nhân hóa tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Pahlman, 1996) và tại một số bang của nước Mỹ (Levy, 1996), thất bại của hai dự án theo mô hình xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) ở Thái Lan do bất ổn chính trị và một số nguyên nhân khác (Ogunlana, 1997) hay như thất bại của dự án tư nhân hóa hệ thống thoát nước quốc gia tại Malaysia (Abdul-Aziz, 2001).


        Các vấn đề nảy sinh ở nhiều quốc gia như vậy là hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh có rất nhiều rủi ro và thách thức đối với các hợp đồng hợp tác công – tư dài hạn, với nhiều bên liên quan, cũng như do thiếu hụt kinh nghiệm và chuyên gia về hợp tác công – tư. Tuy vậy, xu thế toàn cầu trong hợp tác công – tư đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải xây dựng một khuôn khổ thực hiện có hiệu quả và khả thi nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác công – tư sau này. Một trong những nền tảng trong phát triển chu trình thực hiện chung là phải xác định, phân tích và phân loại các yếu tố khác nhau có vai trò quyết định thành công trong hợp tác công – tư. Vì thế, nghiên cứu này được triển khai nhằm phát triển nhóm các yếu tố quyết định thành công dựa trên nguyên tắc công – tư cùng thắng trong hợp tác công – tư.


        Thành công hay thất bại của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng được quyết định bởi một nhóm các yếu tố dựa trên các mục tiêu phát triển dự án (như chi phí, thời gian, chất lượng). Do vậy, việc xác định các yếu tố chính quyết định thành công cho từng mục tiêu phát triển dự án sẽ cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực hữu hạn. Các yếu tố quyết định thành công có thể được xác định thông qua phương pháp thu thập dữ liệu định lượng (Chua et al., 19991) hoặc lấy ý kiến của chuyên gia (Chua et al., 1999). Ví dụ như quá trình phân tích phân tầng được áp dụng nhằm điều tra ý kiến của chuyên gia về các yếu tố quyết định thành công đối với các dự án xây dựng.


        Trong nghiên cứu này, cách tiếp cận hệ thống sẽ được dùng trong phân tích các yếu tố quyết định thành công trong hợp tác công – tư. Trước hết, phần tổng quan nghiên cứu sẽ xác định các yếu tố quyết định thành công đã được đề cập trong các nghiên cứu trước đây dưới quan điểm của những người đến từ khu vực công hoặc khu vực tư nhân. Thứ hai, nhiều kinh nghiệm cũng như bài học được rút ra từ những trường hợp thực tế trong nhiều bối cảnh hợp tác công – tư khác nhau tại các nước phát triển và đang phát triển như các dự án sáng kiến tài chính tư nhân ở Anh, các dự án giao thông trong khuôn khổ Đạo luật hữu hiệu giao thông đường bộ liên ngành của Mỹ, các dự án BOT ở Trung Quốc (kể cả Hồng Kông), Ấn Độ, Malaysia, Phillipine, Sri Lanka và Thái Lan. Thứ ba, các cuộc phỏng vấn và trao đổi với các chuyên gia và những người đang trực tiếp triển khai hợp tác công – tư sẽ được tiến hành. Họ sẽ là người xác định các nhân tố và vai trò của chúng trong việc quyết định thành công hay thất bại của hợp tác công – tư. Thứ tư, các nhân tố đã được xác định qua các bước trên sẽ được phân loại thành 5 nhóm, mỗi nhóm sẽ bao gồm các nhân tố phụ khác. Để làm được điều này, điều tra ý kiến bằng bảng hỏi sẽ được thiết kế nhằm thu hút sự quan tâm của các chuyên gia quốc tế về vai trò của các nhân tố quyết định thành công chính và các nhân tố phụ khác. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày trong báo cáo này.


     Xác định các nhân tố quyết định thành công


     Các nhân tố quyết định thành công chung đối với các dự án xây dựng


        Thành công của một dự án xây dựng được quyết định bởi bốn khía cạnh là: các đặc điểm của dự án, các thỏa thuận hợp đồng, các thành phần tham gia dự án và quá trình tương tác (Chua et al., 1999). Các đặc điểm của dự án bao gồm các yếu tố khách quan (như các rủi ro chính trị và kinh tế, tác động của công chúng tới thẩm quyền phê duyệt kỹ thuật, nguồn vốn, vị trí và hạn chế của vị trí xây dựng) hay chủ quan (như năng lực xây dựng, khả năng tiên phong hay quy mô dự án). Các đặc điểm của dự án sẽ quyết định các rủi ro nhất định của dự án như các rủi ro tài chính hay ngưng trệ tiến độ (Diekmann & Girard, 1995). Thỏa thuận hợp đồng gồm loại hình hợp đồng, phương pháp thẩm định hợp đồng và phân bổ rủi ro. Cách thức phân bổ rủi ro hợp lý được thể hiện trên hai khía cạnh là nội dung và loại hình hợp đồng (Gordon, 1994; Diekmann & Girard, 1995). Nhân tố có liên quan đến thành phần dự án như các xung đột nội bộ trong dự án xây dựng có thể có tác động tiêu cực đến chất lượng dự án (Mohsini & Davidson, 1992). Nhân tố thứ tư là quá trình tương tác bao gồm các yếu tố về truyền thông, lên kế hoạch, giám sát và kiểm soát nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình hợp tác trong suốt thời gian triển khai dự án. Sự thành công của dự án có thể được đảm bảo tốt hơn nếu các thành viên dự án phối hợp hoạt động cùng nhau với một mục tiêu chung và làm việc dưới một quy trình thống nhất nhằm hợp tác giải quyết các vấn đề nảy sinh (Larson, 1995).


     Các nhân tố quyết định thành công trong hợp tác công tư đã được xác định trong các nghiên cứu trước đây


        Các nhân tố quyết định thành công trong hợp tác công – tư là đề tài của nhiều nghiên cứu và thảo luận trước đây như nghiên cứu của Berry (1991), Tiong et al. (1992), và Morledge và Owen (1997). Tác giả Tiong (1996) xác định 6 nhân tố quyết định thành công trong các hợp đồng xây dựng BOT, trong đó có: (1) khả năng kinh doanh và lãnh đạo, (2) xác định đúng dự án, (3) sức mạnh liên doanh, (4) lợi thế giải pháp kỹ thuật, (5) riêng biệt về gói tài chính, và (6) riêng biệt về quy trình bảo đảm. Tác giả Tiong và Alum (1997) đã đề xuất chi tiết nhóm các yếu tố phụ của ba yếu tố quyết định thành công chính bao gồm lợi thế giải pháp công nghệ, riêng biệt về gói tài chính và riêng biệt về quy trình bảo đảm. Các nhóm yếu tố phụ này quyết định thành công của các đề xuất xây dựng trong đấu thầu các dự án BOT. Gupta và Narasimham (1998) đưa ra thêm các nhân tố quyết định thành công, giúp các chủ nhiệm công trình giành được các hợp đồng BOT, gồm có: khả năng cung cấp các gói chuyển giao, khả năng linh động trước những tình huống phát triển và thay đổi trong tương lai, môi trường làm việc mang tính hỗ trợ và thông cảm và thời gian xây dựng ngắn.


     Các bài học rút ra từ thực tế áp dụng hợp tác công – tư


        Ngân hàng thế giới đã chỉ ra lý do thất bại của các dự án hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng: (1) dự tính, kỳ vọng khác nhau của khu vực công và tư về dự án, (2) thiếu hụt các mục tiêu và cam kết của chính phủ, (3) tính phức tạp trong quá trình ra quyết định, (4) phân định quyền hạn giữa các bên kém, (5) khung pháp lý/quy định chưa đầy đủ, (6) quản lý rủi ro kém, (7) mức độ tín nhiệm thấp của các chính sách của chính phủ, (8) thiếu thị trường vốn nội địa, (9) thiếu cơ chế thu hút vốn dài hạn từ khu vực tư nhân với mức lãi suất phù hợp, (10) kém minh bạch và (11) thiếu cạnh tranh (Báo doanh nghiệp châu Á, 1996).


        Thêm vào đó, những vấn đề tồn đọng của dự án tư nhân hóa hệ thống thoát nước quốc gia tại Malaysia đã phản ánh những lo ngại của cộng đồng trong việc tư nhân hóa phát triển cơ sở vật chất. Tháng 12/1993, chính phủ Malaysia và công ty Liên doanh nước sạch Indah đã ký thỏa thuận nhượng quyền trị giá 1.6 tỷ đô la Mỹ. Theo đó, công ty Indah sẽ nâng cấp và cải tạo hệ thống thoát nước quốc gia hiện tại và xây dựng mới hệ thống thoát nước đa điểm trong thời hạn 28 năm. Những vấn đề nảy sinh chính là: (1) thiếu cạnh tranh và minh bạch trong quá trình tuyển chọn nhà thầu, (2) tỷ suất tài sản – nợ thấp, (3) nhà thầu được chính phủ “bao bọc” quá nhiều, (4) sai sót trong quản lý và hoạt động thiếu hiệu quả của nhà thầu, (5) nhà thầu thay đổi chủ sở hữu thường xuyên trong thời gian ngắn, và (6) phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng. Hậu quả là chính phủ phải mua lại dự án sau 7 năm ký kết hợp đồng (Abdul-Aziz, 2001).


     Nhân tố quyết định thành công trong hợp tác công – tư theo nguyên tắc cùng thắng


        Hợp tác công – tư liên quan đến nhiều loại rủi ro khác nhau, và những rủi ro này xảy ra ở những thời điểm khác nhau trong quá trình triển khai dự án. Hợp tác công – tư không phải đơn thuần là công cụ để chính phủ phát triển các dự án cơ sở vật chất bằng cách trút hết rủi ro cho doanh nghiệp tư nhân và thoái thác mọi trách nhiệm. Thay vào đó, khả năng phân bổ và quản lý rủi ro hiệu quả là rất quan trọng. Hơn nữa, sáng kiến tài chính tư nhân không phải lúc nào cũng được mặc định mang lại thành công cho các dự án hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. Hợp tác công – tư cần có một cơ chế hoạt động tốt. Nếu không các nguồn lực có thể bị lãng phí. Do đó, quy trình thực hiện dự án hợp tác công – tư cần phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc cùng thắng. Nhờ vậy, khu vực tư nhân mới có được môi trường thuận lợi và hỗ trợ cần thiết để tham gia các dự án với chất lượng và tiêu chuẩn thỏa mãn yêu cầu của nhà nước và người dân. Bên cạnh đó, sự cân bằng giữa hỗ trợ của chính phủ và đầu vào của doanh nghiệp tư nhân trong các dự án là rất cần thiết.


        Cách tiếp cận nghiên cứu hệ thống giúp cho nghiên cứu này có thể xác định các yếu tố quyết định thành công và phân tích, chắt lọc, mã hóa và phân loại các yếu tố này vào 5 nhóm nhân tố quyết định thành công chính, mỗi nhóm lại gồm các nhân tố phụ khác. Năm nhóm nhân tố quyết định thành công chính gồm có: (1) môi trường đầu tư thuận lợi, (2) khả năng phát triển kinh tế, (3) nhà thầu liên doanh đáng tin cậy với tiềm lực mạnh về kỹ thuật, (4) gói tài chính vững chắc và (5) phân bổ nguồn lực hợp lý thông qua thỏa thuận hợp đồng đáng tin cậy. Chi tiết các nhân tố phụ cho từng nhân tố chính sẽ được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1: Các yếu tố quyết định thành công chính và phụ trong các dự án

hợp tác công – tư

Nhân tố quyết định thành công chính

Các nhân tố phụ

Môi trường đầu tư thuận lợi

(1) Hệ thống chính trị ổn định

(2) Hệ thống kinh tế phù hợp

(3) Thị trường tài chính địa phương tương xứng

(4) Rủi ro trao đổi tiền tệ lường trước được

(5) Khung pháp lý thích hợp và ít biến động

(6) Hỗ trợ của chính phủ

(7) Cộng đồng ủng hộ và cảm thông

(8) Dự án phù hợp với lợi ích công

(9) Viễn cảnh rủi ro có thể lường trước được

(10) Dự án phù hợp với mục tiêu tư nhân hóa

(11) Nền kinh tế triển vọng

 

Khả năng phát triển kinh tế

(1) Nhu cầu sử dụng lâu dài đối với các sản phẩm/dịch vụ mà dự án mang lại

(2) Ít cạnh tranh từ các dự án khác

(3) Nhà đầu tư bị thu hút bởi khả năng sinh lời của dự án

(4) Dòng vốn dài hạn hấp dẫn người cho vay

(5) Sự hiện diện lâu dài của các nhà cung cấp cần thiết cho hoạt động bình thường của dự án

 

Nhà thầu liên doanh đáng tin cậy với tiềm lực kỹ thuật mạnh

(1) Vai trò dẫn dắt lãnh đạo của một doanh nghiệp/tổ chức chủ chốt

(2) Cơ cấu tổ chức dự án hiệu quả

(3) Đội dự án mạnh và có năng lực

(4) Có mối quan hệ tốt với cơ quan nhà nước chủ quản

(5) Kỹ năng đối tác

(6) Giàu kinh nghiệm trong quản lý các dự án hợp tác công – tư quốc tế

(7) Thành viên dự án đa ngành

(8) Giải pháp kỹ thuật phù hợp

(9) Giải pháp kỹ thuật tân tiến

(10) Giải pháp kỹ thuật tiết kiệm chi phí

(11) Mức độ tác động của môi trường thấp

(12) An toàn công cộng và an toàn lao động

 

Gói tài chính vững chắc

(1) Phân tích tài chính sâu sắc

(2) Kế hoạch đầu tư/thanh toán/giải ngân

(3) Nguồn và thành phần của các khoản cho vay chính và các trang thiết bị dự trù

(4) Dòng nợ và vốn chủ sở hữu ổn định

(5) Tỷ lệ vốn chủ sở hữu – nợ cao

(6) Phí tài chính thấp

(7) Lãi suất cố định thấp

(8) Nguồn ngân sách nợ dài hạn để giảm thiểu nguy cơ tái cấp vốn

(9) Khả năng đối phó với biến động về lãi suất và tỷ giá trao đổi ngoại tệ

(10) Mức phí/thuế phù hợp và công thức điều chỉnh thích hợp

 

Phân bổ rủi ro hợp lý thông qua thỏa thuận hợp đồng đáng tin cậy

(1) Thỏa thuận đấu thầu

(2) Thỏa thuận cổ đông

(3) Hợp đồng thiết kế và xây dựng

(4) Thỏa thuận cho vay

(5) Thỏa thuận bảo hiểm

(6) Thỏa thuận cung cấp

(7) Thỏa thuận vận hành

(8) Hợp đồng bao tiêu

(9) Thư bảo đảm/hỗ trợ/chứng thực

 


     Mô tả ngắn gọn các yếu tố quyết định thành công


     Môi trường đầu tư thuận lợi


        Thiện chí tham gia phát triển cơ sở hạ tầng công cộng của các nhà đầu tư và cho vay tư nhân phụ thuộc rất lớn vào môi trường dự án được triển khai. Ví dụ như, họ sẽ chần chừ đầu tư trong môi trường mà chính quyền địa phương có chất lượng tín dụng kém và dự án đối mặt với nguy cơ khó được triển khai. Hợp tác công – tư hiệu quả cần môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế, thương mại thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân. Chính phủ được cho là có vị thế tốt nhất so với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu mối lo ngại của họ đối với các loại rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính trị như nguy cơ bị trưng dụng hay quốc hữu hóa. Đối với những rủi ro nhất định mà chỉ có chính phủ mới có thể xử lý như những thay đổi trong luật pháp, quy đổi ngoại tệ, tham nhũng, đình trệ cấp giấy phép hay các rủi ro có liên quan đến vấn đề quyền lực khác, thì hỗ trợ hoặc đảm bảo của chính phủ là cần thiết (Fitzgerald, 1998; Zhang & Kumaraswamy, 2001a).


        Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là cần có khung pháp lý khả thi để hình thành các công cụ triển khai hợp đồng hiệu quả mang tính tương thích với hệ thống luật pháp quốc gia. Khung pháp lý này cần được cập nhật thường xuyên dựa trên những kinh nghiệm và bài học thu được. Mặt khác, cần phải tránh những quy định rườm rà gây trở ngại tới hợp tác công – tư. Giao thức đấu thầu cạnh tranh cần tuân theo các hợp đồng quyết thầu hợp tác công – tư. Hơn nữa, các tiêu chí và phương pháp xét duyệt đấu thầu phải minh bạch nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng cũng như tránh được những chỉ trích về lựa chọn chủ công trình hay ưu ái chính trị. Bởi lẽ, thiếu minh bạch có thể là nguyên nhân gây ra tham nhũng và làm tổn hại tới lợi ích của cộng đồng.


        Quan điểm của chính phủ vì thế cũng cần chuyển đổi theo hướng dân chủ và năng động hơn, thay vì quan điểm lãnh đạo truyền thống. Hơn nữa, cơ sở vật chất thường do chính phủ xây dựng và người dân được sử dụng miễn phí. Do đó, việc phải trả phí sử dụng cần nhiều thời gian hơn nữa để công chúng chấp nhận, nhất là khi dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp thường có mức phí cao hơn so với của các đơn vị nhà nước vì không được chính phủ trợ cấp (Zhang & Kumaraswamy, 2001b). Trong bối cảnh đó, các chiến lược và hoạt động quan hệ công chúng thích hợp nhằm thu được sự thông cảm và ủng hộ của cộng đồng là rất cần thiết (Levy, 1996).


     Phân bổ rủi ro hợp lý thông qua các thỏa thuận hợp đồng đáng tin cậy


        Các thỏa thuận hợp đồng (như loại hợp đồng, cách thức quyết thầu hợp đồng và cách phân bổ rủi ro) là một trong những nhân tố quyết định thành công của các dự án xây dựng hợp tác công – tư (Sanvido et al. 1992). Việc xác định và phân bổ rủi ro là vấn đề quan trọng trong các thỏa thuận hợp đồng, trong đó có đề cập rõ về loại hình và nội dung hợp đồng (Gordon, 1994; Diekmann & Girard, 1995). Ngoài ra, thỏa thuận hợp đồng phải trình bày rõ ràng các mục như mục tiêu của dự án, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên ký kết, kế hoạch triển khai cụ thể, các đặc điểm kỹ thuật, quy trình giải quyết các vấn đề nảy sinh, động lực và động cơ của các bên tham gia ký kết (Chua et al., 1999).


        Các hoạt động hợp tác công – tư sẽ mang lại nhiều lợi ích do có sự tham gia mạnh mẽ của đại diện các bên liên quan. Có rất nhiều dự án thất bại do thiếu khả năng giải quyết các vấn đề pháp lý. Vì thế, việc đưa các quy định pháp lý mạnh và hiệu quả vào giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ góp phần giảm thiểu những vấn đề nảy sinh cũng như giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức (Ngân hàng phát triển châu Á, 1997). Thêm vào đó, các rủi ro khác cũng có thể được quản lý hiệu quả bằng cách giao trách nhiệm cho bên có năng lực quản trị rủi ro tốt nhất thông qua các thỏa thuận hợp đồng thích hợp, bao gồm thỏa thuận nhượng quyền giữa chính phủ và bên được nhượng quyền, thỏa thuận cổ đông, hợp đồng thiết kế và xây dựng, thỏa thuận cho vay, thỏa thuận bảo hiểm, thỏa thuận cung cấp, thỏa thuận vận hành và các thỏa thuận khác giữa bên nhận thầu và các bên ký kết có liên quan khác (Merna & Dubey, 1998; Delmon, 2000).


     Khả năng phát triển kinh tế


        Khả năng phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng đối với thành công của bất cứ loại dự án nào. Đối với dự án hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở vật chất, khả năng phát triển kinh tế phụ thuộc vào một số các yếu tố: (1) nhu cầu sử dụng lâu dài đối với các sản phẩm/dịch vụ mà dự án mang lại, (2) mức độ cạnh tranh thấp từ khác dự án tương tự khác, (3) khả năng sinh lợi nhuận nhằm thu hút các nhà đầu tư, (4) dòng vốn dài hạn hấp dẫn với bên cho vay và (5) sự hiện diện của các nhà cung cấp dài hạn cho hoạt động bình thường của dự án. Thông thường, có 4 phương pháp được sử dụng để đánh giá khả năng phát triển kinh tế gồm thời gian hoàn vốn, thời gian hoàn vốn chiết khấu, giá trị hiện tại ròng và tỷ lệ hoàn vốn nội bộ. Các phương pháp này dựa trên hoàn vốn của dự án và trên giả định dòng tiền của dự án là nhất định. Tuy nhiên, các dự án hợp tác công – tư có đặc điểm là kinh phí vốn cao, thời gian tiến hành dự án dài, giai đoạn vận hành lâu với rất nhiều rủi ro và biến động. Những biến động này gây ra rủi ro trong các quyết định đánh giá vốn đầu tư, và kết quả là các phương pháp mới đã được phát triển, bao gồm tỷ lệ chiết khấu điều chỉnh rủi ro (như mô hình định giá tài sản vốn, thuyết định giá tài sản, chi phí trung bình trọng số của vốn), các phương pháp xác suất và thống kê (như mô hình cây quyết định, phương sai trung bình, hệ số biến thiên lợi nhuận kỳ vọng, phân tích phân phối tích lũy). Thêm vào đó, phân tích độ nhạy và kỹ thuật mô phỏng cũng được sử dụng trong phân tích tính kinh tế của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn (Woodward, 1995; Ye & Tiong, 2000).


         Đối với các dự án eo hẹp về tài chính nhưng có giá trị kinh tế và mục tiêu chính trị, môi trường quan trọng, chính phủ nên dành những hỗ trợ/đảm bảo riêng để những dự án này có đủ khả năng phát triển tài chính. Những hỗ trợ này bao gồm bảo đảm về trao đổi ngoại hối, các biện pháp chống lạm phát và lãi suất cao, giảm thuế và tổ chức các kỳ nghỉ, chính sách công bằng của nhà nước, đền bù khi xảy ra những thay đổi trong luật tiền tệ hoặc những quy định có ảnh hưởng tới dự án, nguy cơ gia hạn nhượng quyền do thay đổi quyền lực, quyền phát triển tài sản và dùng các trang thiết bị đang trong sử dụng cũng như cơ chế điều chỉnh thanh toán thích hợp.


        Khả năng chi trả của người dân cũng là một phép thử cho khả năng phát triển kinh tế (Hội đồng quỹ giáo dục đại học nước Anh, 1998). Quy mô phí dịch vụ dài hạn cần phải duy trì trong giới hạn chi tiêu của người dân. Một khi người dân trả phí cho một dịch vụ, mức phí/thuế quan cần phải được xây dựng trong khả năng chi trả của họ. Nếu không, làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng sẽ là nguyên nhân khiến dự án đổ bể, như trường hợp dự án xây dựng cầu Tha Ngone tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Pahlman, 1996).  


     Nhà thầu liên doanh đáng tin cậy với tiềm lực mạnh về kỹ thuật


        Trong khi chính phủ có lợi thế tốt hơn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng cơ sở công cộng, thì bản thân phía tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thành công của các dự án hợp tác công – tư. Một trong những đặc điểm nổi bật của kế hoạch hợp tác công – tư là quá trình cơ cấu lại đáng kể những rủi ro giữa nhiều bên tham gia dự án, trong đó bên được nhượng quyền có trách nhiệm thực hiện nhiều cam kết hơn và có nguy cơ đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với một nhà thầu đơn lẻ. Vì thế, lựa chọn đúng bên được nhượng quyền được cho là yếu tố thành công của dự án. Điều này có thể được thấy rõ qua quá trình đấu thầu cạnh tranh.


        Sức mạnh kỹ thuật và tài chính được cho là những nhân tố thành công quan trọng nhất trong đấu thầu cạnh tranh một dự án hợp tác công – tư (Tiong, 1996). Đánh giá năng lực kỹ thuật liên quan tới đánh giá thiết kế và các thiết bị dự trù trong suốt quá trình triển khai, trong đó có tính toán tới các vấn đề như tác động của môi trường và an toàn lao động. Các kỹ thuật cơ khí tối tân có thể được triển khai nhằm nâng cao ưu thế về lợi ích/chi phí của các giải pháp công nghệ tiềm năng, đặc biệt là trong đánh giá các đề xuất công nghệ. Vai trò của sức mạnh công nghệ sẽ được để cập trong phần tổng hợp tiếp theo của nghiên cứu này. Bên cạnh sức mạnh về kỹ thuật và tài chính, nhà thầu cũng cần phải có năng lực quản lý, bao gồm vai trò lãnh đạo của một doanh nghiệp hay công ty chủ chốt, cấu trúc tổ chức dự án có tính khả thi, mối quan hệ tốt với cơ quan nhà nước chủ quản, có kỹ năng và tinh thần đối tác tốt, giàu kinh nghiệm trong quản lý các dự án hợp tác công – tư quốc tế, có các doanh nghiệp thành viên đa lĩnh vực cũng như có đội dự án hùng hậu.    


     Gói tài chính vững chắc


        Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hợp tác công – tư thường không có nguồn viện trợ hoặc viện trợ ít ỏi. Do đó, các biện pháp tài chính cần được sử dụng trong dự án như cho nợ, vốn cổ phần, mở rộng vốn chuyển đổi, đấu thầu, tín dụng cho nhà cung cấp và người mua hay hình thức bảo lãnh. Nền tảng tài chính của dự án là dòng lợi tức ổn định khi mà nhà đầu tư và người cho vay chỉ có thể trông đợi vào dòng lợi tức này và tài sản của dự án có thể có hoặc không có giá trị thanh lý (Merna & Dubey, 1998). Vì thế, gói tài chính thường có tác động lớn hơn chi phí thiết kế hoặc xây dựng đối với khả năng triển khai của dự án hợp tác công – tư. Hơn nữa, cần có những hỗ trợ kỹ thuật tài chính để thúc đẩy vốn đầu tư cơ bản của dự án cơ sở hạ tầng khớp với các công cụ tài chính mới phù hợp với dòng tiền dự toán. Gói tài chính vững chắc thường có những đặc điểm sau: có phân tích tài chính sâu sắc, kế hoạch đầu tư, thanh toán, giải ngân đúng đắn, kết hợp hài hòa giữa nguồn tài chính với trang thiết bị dự phòng, dòng nợ và vốn chủ sở hữu ổn định, tỷ lệ vốn chủ sở hữu – nợ cao, phí tài chính thấp, lãi suất cố định thấp, nguồn tài chính nợ dài hạn để giảm thiểu nguy cơ tái cấp vốn, khả năng đối phó với biến động về lãi suất và tỷ giá trao đổi ngoại tệ cũng như cấu trúc thanh toán thích hợp.


     Chỉ số mức độ quan trọng của các nhân tố quyết định thành công chính và các nhân tố phụ khác


     Điều tra thông qua bảng hỏi về mức độ quan trọng tương quan của các nhân tố quyết định thành công chính và các nhân tố phụ khác


        Phân tích tầm quan trọng tương quan của các nhân tố quyết định thành công chính và phụ đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu này tiến hành điều tra bằng bảng hỏi thông qua thu thập ý kiến của các chuyên gia toàn cầu từ tháng 12/2000 đến tháng 5/2001 về mức độ quan trọng của các nhân tố. Thang mức độ từ 0 – 5 được sử dụng (trong đó 0 là không có vai trò gì, 1 là không quan trọng, 2 là khá quan trọng, 3 là quan trọng, 4 là rất quan trọng và 5 là cực kỳ quan trọng).


        Khoảng 200 bảng hỏi được gửi đi. 42 người đến từ 42 tổ chức/cơ sở tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Úc, Hong Kong, Trung quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Peru, Philippin, Malaysia, Singapore, Nam Phi, Thái Lan, Anh và Mỹ đã trả lời bảng hỏi đầy đủ. 29 người đến từ khu vực công nghiệp và 17 người trong giới học giả. Rất nhiều trong số đó đến từ các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong các dự án hợp tác công tư. Nghiên cứu của tác giả Zhang (2004) cho biết các thông tin cơ bản về quốc tịch cũng như kinh nghiệm làm việc (học thuật hoặc doanh nghiệp) và loại hình doanh nghiệp mà họ làm việc (khu vực công, tư, hay các công ty có vốn nhà nước).


     Cách quy ước chỉ số mức độ quan trọng


        Chỉ số mức độ quan trọng được tính toán cho 5 nhân tố chính và nhóm các nhân tố phụ của từng nhân tố chính. Thang mức độ trong bảng hỏi từ 0 – 5 sẽ được quy đổi với kết quả trên thang điểm 0 – 100. Như vậy có nghĩa là mức 5, 4, 3, 2, 1 và 0 sẽ được quy đổi lần lượt là 100, 80, 60, 40, 20 và 0.

(Còn nữa...)



Share Post




Một số bài viết khác

- Các yếu tố quyết định thành công cho hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng (phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Các thành phố thông minh ở Châu Âu - Tác giả: Andrea Caragliu, Chiara Del Bo & Peter Nijkamp - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Trần Minh Hoàng

- Quản trị văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo ở Singapore - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu đính: Nguyễn Thanh Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 2) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Chiến lược chính phủ điện tử tại các nước phát triển và đang phát triển: Khung thực hiện và trường hợp thực tiễn (Phần 1) - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Vũ Xuân Bình

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 2) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Giao thông đô thị bền vững: Bốn khía cạnh đổi mới (Phần 1) - Tác giả: Todd Goldman & Roger Gorham - Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Hà - Hiệu đính: Hồ Thị Tuyết Nhung

- Quản lý nguồn nhân lực với tư cách là quá trình tương tác xã hội - Tác giả: GS, TS. Safonov Kirill Borisovich - ThS. Nguyễn Thu Thủy dịch, ThS. Vũ Thị Xuân Mai hiệu đính