Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm
21/03/2016 11:45
Báo cáo quốc gia về Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về “Tăng trưởng vì mọi người” xem xét thông qua khung chính sách dựa trên tăng trưởng bao trùm để có thể giúp xác định đường hướng thúc đẩy phát triển con người ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới đầy thách thức.
Thông qua lăng kính phát triển con người, báo cáo tiếp cận theo cách lấy con người làm trung tâm để xem xét sự tham dự bao trùm của người dân Việt Nam vào quá trình phát triển của đất nước kể từ cuối những năm 1980. Báo cáo kết luận rằng vào giai đoạn đầu và giữa những năm Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng cả về phát triển con người và tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế ở Việt Nam mang tính bao trùm với những lợi ích và cơ hội được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có xu hướng chững lại, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tăng trưởng giảm sút và khoảng cách giữa các vùng miền, các tỉnh và các nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp. Tăng trưởng trong quá khứ mặc dù đã mang lại những chuyển dịch cơ cấu xã hội to lớn, với việc thu hẹp tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo và cận nghèo và mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, song đời sống của những người ở nhóm trung lưu còn chưa được đảm bảo an toàn trước các rủi ro, và những khó khăn của những người vẫn thuộc diện nghèo, đặc biệt ở những cộng đồng dân tộc thiểu số, thì ngày càng khó giải quyết. Báo cáo cũng đề cập đến những cải cách trong quá trình Đổi Mới như từng bước tự do hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt trong nông nghiệp cũng như chuyển đổi nền kinh tế từ xuất phát điểm dựa nhiều vào lao động. Những thay đổi này đã tạo ra cơ hội mới cho đại đa số người lao động và là động lực chính cho những thành tựu trong quá khứ. Tuy nhiên, sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn gần đây đã cho thấy những dấu hiệu rằng các cải cách mạnh mẽ đó - một thời là động lực tăng trưởng - hiện nay đã đến ngưỡng giới hạn. Quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng hiện nay dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình dựa vào tăng năng suất là thách thức đối với một nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phải có những hành động chính sách rõ ràng để đảm bảo gia tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, cải thiện kỹ năng, tạo lập nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Báo cáo cũng phân tích chiến lược tăng trưởng bao trùm nhằm giúp đạt được các kết quả này một cách công bằng để thúc đẩy phát triển con người và tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Báo cáo xem xét ba trụ cột chính sách tạo nên cách tiếp cận tăng trưởng bao trùm, đó là: mở rộng các cơ hội việc làm có năng suất, đảm bảo chất lượng cao về giáo dục và y tế cho toàn dân, và bảo đảm diện bao phủ rộng của hệ thống an sinh xã hội. Báo cáo cũng chỉ ra các cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người dồi dào của mình. Đặc biệt, báo cáo xem xét sự cải thiện về năng suất lao động nói riêng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế nói chung thông qua bốn quá trình chuyển đổi: thứ nhất, chuyển đổi trong nội tại ngành nông nghiệp từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn; thứ hai, chuyển đổi thông qua chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp thuộc khu vực phi chính thức; thứ ba, sự dịch chuyển lao động trên quy mô toàn nền kinh tế từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; và thứ tư là chuyển đổi thông qua việc nâng cao năng suất lao động trong chính khu vực chính thức. Trong các quá trình chuyển đổi này có những rủi ro đáng kể liên quan đến gia tăng bất bình đẳng khi chênh lệch về lương do sự khác biệt về kỹ năng và thu nhập của những người sở hữu vốn và ý tưởng so với nhóm còn lại sẽ gia tăng. Sự chênh lệch giữa các vùng và địa bàn cũng có chiều hướng gia tăng. Có nguy cơ hiện hữu về một bộ phận đáng kể người dân có thể tụt lại phía sau trong khi việc tiếp tục các nỗ lực giảm nghèo, để nghèo không trở thành cố hữu, vẫn đang vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là việc áp dụng chiến lược tăng trưởng bao trùm có tầm quan trọng nhằm mở ra các cơ hội và duy trì tăng trưởng nhanh thông qua việc khai thác tiềm năng của tất cả mọi người trong nền kinh tế. Trong khi nhận thức rõ giáo dục và y tế là các thành tố cơ bản của phát triển con người và là trung tâm để thúc đẩy các năng lực của con người cũng như cho phép con người nắm bắt các cơ hội tăng năng suất lao động, báo cáo cũng xác định một số thách thức chính, bao gồm những bất cập trong giáo dục ngoài các cấp tiểu học và trung học cơ sở, những lệch lạc trong cung cấp dịch vụ y tế và những hạn chế về diện bao phủ của bảo hiểm y tế. Vấn đề chủ yếu của giáo dục là mặc dù giáo dục mầm non, dạy nghề và đại học là nền tảng để đảm bảo tăng trưởng bao trùm nhưng các lĩnh vực này còn chưa đảm bảo chất lượng và khả năng tiếp cận còn hạn chế đối với nhóm có thu nhập thấp. Báo cáo cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cả lĩnh vực giáo dục và y tế, bởi các kết quả thu được không tương xứng với nguồn lực đầu tư lớn, của cả Nhà nước và người dân trong các lĩnh vực này. Do đó, vấn đề không nằm ở mức độ đầu tư mà ở cách thức chi tiêu và đặc biệt là ở những đổi mới gần đây về quản lý và mở rộng nguồn thu. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của
an sinh xã hội trong việc thúc đẩy tính công bằng, hiệu quả và sức chống chịu,
đồng thời đưa ra đánh giá cơ bản về hệ thống này của Việt Nam. Báo cáo cũng nêu
rõ những hạn chế của trợ giúp xã hội cho người nghèo và sự xuất hiện của “nhóm trung
lưu bị bỏ sót” gồm nhóm cận nghèo và trung lưu lớp dưới - những người thường
làm việc ở khu vực phi chính thức, không đủ các điều kiện để được trợ giúp xã hội
nhưng cũng khó có thể tiếp cận bảo hiểm xã hội. Báo cáo nhận thấy rằng hệ thống
hiện nay đã khiến nhóm nghèo nhất và “nhóm trung lưu bị bỏ sót” có nguy cơ dễ bị
tổn thương cao trước các cú sốc và không đủ khả năng đầu tư cho con cái học
hành, phát triển sản xuất kinh doanh và như vậy, các rủi ro sẽ tăng cao đồng thời
năng suất sẽ giảm sút.
Hướng đến tương lai, báo cáo tập trung khuyến nghị các hành động chính sách thiết thực để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hiệu quả và nâng cao tính công bằng của hệ thống giáo dục và y tế cũng như gia tăng diện bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. Những cải cách này sẽ giúp đảm bảo được quỹ đạo tăng trưởng mang tính bao trùm - phương thức phù hợp với nền kinh tế đang thay đổi của Việt Nam và những nhu cầu phát triển trong tương lai của đất nước. Khuôn khổ chính sách được xác định trong Báo cáo này gắn liền với động lực tăng trưởng của Việt Nam và góp phần thúc đẩy nâng phát triển con người lên tầm cao mới. Đây là những khuyến nghị quan trọng và vào đúng thời điểm Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn bị triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là tăng trưởng bao trùm và xóa bỏ đói nghèo. Những phát hiện và khuyến nghị của báo cáo là những đóng góp quý báu cho quá trình này.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 tới bạn đọc! Để tải bản tiếng Anh của báo cáo này, xin mời kích vào: http://ipd.org.vn/an-pham/growth-that-works-for-all-viet-nam-human-development-report-2015-on-inclusive-growth-a444.html Nội dung đầy đủ của báo cáo bản Tiếng Việt, xem file đính kèm dưới đây:
Tải file đính kèm: Click vào đây. Share Post Một số bài viết khác
- Growth that works for all - Viet Nam Human Development Report 2015 On Inclusive Growth
- Policy Brief - Viet Nam National Human Development Report 2015 - Growth that works for all
- Báo cáo tổng quan: Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ
- Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020 |