MÔ HÌNH ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI VÀ CHIẾN LƯỢC TRỞ
THÀNH TẬP ĐOÀN KINH TẾ TOÀN CẦU CỦA VIETTEL PGS. TS.
Nguyễn Hữu Thắng Theo: Thông tin Những vấn Lý luận Số: 12
tháng 12 năm 2014 “Hình thành các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, tạo ra
các “quả đấm thép” để đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập
quốc tế... là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Với nỗ lực trở thành
tập đoàn kinh tế toàn cầu, Viettel đang tích cực góp phần thực hiện chủ trương
đó và mô hình đầu tư ra nước ngoài là động lực quan trọng góp phần thực hiện sứ
mệnh đó của Viettel.”
Thành lập năm 1989 và chính thức đi vào kinh doanh
các dịch vụ viễn thông từ năm 2000, sau 25 năm thành lập và 14 năm hoạt động
trong ngành viễn thông, từ một doanh nghiệp với số vốn hơn 2 tỷ đồng và gần 100
lao động, đến nay, Viettel đã trở thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh, doanh
nghiệp viễn thông hàng đầu Việt nam và được xếp vào danh sách 30 doanh nghiệp
viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2013, doanh thu đạt 163 nghìn tỷ đồng (8,1 tỷ
USD), lợi nhuận 35 nghìn tỷ đồng (1,7 tỷ USD). Giai đoạn 2008 - 2013, trong khi
các doanh nghiệp cả nước gặp rất nhiều khó khăn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp
phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, thì Viettel vẫn phát triển mạnh, tăng trưởng
doanh thu bình quân 78,8%/năm, tăng trưởng lợi nhuận 59,9%/năm. Năm 2009,
Viettel trở thành công ty quốc tế với việc đưa Metfone - công ty con của
Viettel tại Cămpuchia vào hoạt động và đến nay đã mở rộng đầu tư kinh doanh ra
3 châu lục, tại 10 quốc gia. Viettel đề ra kế hoạch mở rộng thị trường ở nước
ngoài từ 400 - 500 triệu dân năm 2015 lên 600 - 800 triệu dân vào năm 2020, đồng
thời, đang hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế toàn cầu.
Điều gì làm nên sự thành công kỳ diệu đó của Viettel? ngoài yếu tố con
người và quản lý, có lẽ điều làm nên sự kỳ diệu đó chính là Viettel đã kiên trì
thực hiện bốn hướng chiến lược cơ bản, trong đó đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài
được coi là chiến lược kinh doanh cơ bản thứ hai mà Viettel theo đuổi và bắt đầu
khởi động từ năm 2007 tại Lào và Cămpuchia.
Sau 7 năm thực hiện, mô hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel với các
“thành tố” của mô hình như: ý tưởng đầu tư, chiến lược đầu tư, địa bàn đầu tư,
nguồn lực cho đầu tư... ngày càng hoàn thiện và mang lại những thành quả đáng
khích lệ. Đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư cộng dồn gần 1 tỷ USD, doanh thu từ
bộ phận đầu tư ra nước ngoài ước đạt 963,5 triệu USD (tăng 69,9% so với 2013),
lợi nhuận dự kiến đạt 170,3 triệu USD (tăng 212,1% so với năm 2013).
Mô hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel thể hiện trên thực tế với những
điểm cụ thể như sau:
Một là, có tầm nhìn chiến lược về đầu tư ra nước ngoài. Viettel đã sớm
nhận thấy thị trường trong nước khá chật hẹp để phát triển dịch vụ viễn thông.
Theo “quy tắc” xác định tổng mức đầu
tư tại một thị
trường của Viettel,
với mức đầu tư 20 USD/người và dân số cả nước 90 triệu người thì đầu tư
cho thị trường trong nước của Viettel cũng chỉ ở mức khoảng 2 tỷ USD. Muốn tăng
mức đầu tư, tăng vùng phủ sóng, tăng lượng thuê bao thì đầu tư ra nước ngoài là
tất yếu. Do vậy, Viettel đã sớm coi hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một chiến
lược phát triển cơ bản, quan trọng. Việc lựa chọn địa điểm đầu tư (quốc gia) ở
mỗi châu lục cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Viettel. Kết quả là, đầu tư ở
các nước này đều góp phần nâng cao vị thế thương hiệu Viettel ở nước ngoài,
mang lại hiệu quả đầu tư cao. Không những thế, từ các quốc gia này, Viettel đã
mở rộng đầu tư ra các quốc gia khác trong cùng châu lục. Chẳng
hạn, việc đầu tư vào Môdămbích với những kết quả ngoài mong đợi đã tạo
tiền đề để phát triển đầu tư sang Tandania, Burunđi và Camơrun ở Châu Phi. Ngoài
ra, việc đầu tư đồng bộ, đặc biệt đầu tư vào kết cấu hạ tầng viễn thông (đòi hỏi
vốn, công sức và thời gian rất lớn), đầu tư vào vùng nông thôn... không chỉ tạo
thế chủ động trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, mà còn tạo niềm tin, làm yên
lòng người dân và chính phủ các nước tiếp nhận đầu tư.
Hai là, đầu tư ra nước ngoài của Viettel thể hiện ý chí kiên cường, bản
lĩnh và phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, không sợ khó khăn, gian khổ, đối mặt với
khó khăn, thách thức với tinh thần “có gan làm giàu”. Khi quyết định đầu tư ra
nước ngoài (năm 2007), Viettel chưa có kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài, thậm
chí kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh viễn thông trong nước vẫn còn khá “mỏng”.
Hơn nữa, không chỉ đối với Viettel, đầu tư ra nước ngoài cũng còn là lĩnh vực mới
mẻ đối với Việt nam cho đến nay. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, đến tháng 9/2014, cả nước có 905
dự án đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký luỹ kế đạt
19,1 tỷ USD, vốn giải ngân hơn 6 tỷ USD. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài toàn cầu năm 2014 là 1,6 nghìn tỷ USD, thì đầu tư ra nước ngoài của Việt
Nam là quá nhỏ bé. Ngoài ra, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập
trung vào ba lĩnh vực: khai khoáng, nông -lâm - thuỷ sản và sản xuất điện với tỷ
trọng trong tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng là 45,03%, 16,2% và 11%. Các lĩnh
vực công nghệ cao và cạnh tranh quốc tế gay gắt như viễn thông thì đầu tư ra nước
ngoài của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Do đầu tư ra nước ngoài là lĩnh vực còn mới mẻ nên pháp luật và chính
sách của Việt Nam đối với lĩnh vực này chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Sự bảo hộ
và hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước đối với các nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài
cũng còn rất hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Viettel vẫn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Khởi đầu từ
các nước láng giềng (Lào, Cămpuchia) rồi vượt qua đại dương đến các nước xa xôi
như Peru, Haiti. Tại các nước đầu tư, Viettel mang giải pháp đã thành công ở Việt
Nam áp dụng vào các nước này, không quản ngại đổ vốn vào các vùng nông thôn,
vùng sâu, vùng xa. Với triết lý gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội, tại các
nước đầu tư, Viettel đã hỗ trợ học sinh nghèo và những người có hoàn cảnh khó
khăn. Tại Cămpuchia, Viettel đã hỗ trợ cho học sinh nghèo 25.000 - 30.000 đồng/tháng;
tại Haiti, Viettel đã cung cấp Internet miễn phí tới 1.300 trường
học công ở nông thôn, các cơ quan chính phủ, bệnh viện và phòng khám bệnh.
Không dừng lại ở các nước có điều kiện và trình độ phát triển tương tự
như Việt Nam, Viettel đang từng bước xúc tiến đầu tư tại các nước phát triển.
Năm 2013, Viettel đã thành lập công ty con tại Mỹ và đang có ý định mở rộng đầu
tư sang Bêlarút - sẵn sàng đối mặt với cạnh tranh quốc tế gay gắt.
Ba là, kiên trì chiến lược đầu tư theo hướng bền vững, vừa bảo đảm hiệu
quả kinh tế của Viettel, vừa bảo đảm lợi ích về xã hội, bảo vệ môi trường cho
nước tiếp nhận đầu tư.
Để bảo đảm đầu tư bền vững, trước hết, đầu tư phải bảo đảm phát triển
nhanh, vững chắc và hiệu quả kinh tế cao. Xét về tốc độ đầu tư ra nước ngoài,
Viettel đạt được bước tiến “thần tốc”. Chỉ sau 7 năm triển khai đầu tư ra nước
ngoài, đến hết năm 2014, Viettel đã mở rộng vùng phủ sóng lên tới gần 140 triệu
dân (gần gấp đôi dân số trong nước), tổng tài sản ở nước ngoài tăng từ 247,2
triệu USD năm 2009 lên 974,6 triệu USD năm 2013; lao động người Việt Nam ở nước
ngoài từ 108 người năm 2008 lên 1.504 người năm 2013; doanh thu và lợi nhuận đều
tăng mạnh (Theo báo cáo của Tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel năm
2010 và 2014.). Trong tương lai không xa, đầu tư ra nước ngoài sẽ mang lại
doanh thu và lợi nhuận chủ yếu của Viettel.
Mặt khác, cũng như ở Việt nam, đầu tư của Viettel không chỉ để thu lợi
nhuận mà còn dựa vào cộng đồng, vì cộng đồng. Với phương châm “giúp
bạn là giúp mình” hoặc “thương
người như thể thương thân”, Viettel không chỉ chú trọng tạo việc làm, tăng thu
nhập cho người dân sở tại mà còn giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ cho họ.
Viettel không chỉ đưa sóng đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn ở các
nước đầu tư mà còn đưa cả máy tính, internet đến trường học, tài trợ cho các cơ
sở y tế, tặng máy tính, USB 3G cho học sinh nghèo... Các công ty con của
Viettel tại các nước được chính quyền và nhân dân sở tại đánh giá cao bởi những
thành tựu đặc biệt đối với quốc gia và người dân ở đó, các tổ chức quốc tế đã tặng
các danh hiệu cao quý.
Bốn là, đầu tư theo hướng năng động và sáng tạo. Sáng tạo là một trong
tám giá trị cốt lõi của Viettel: “Sáng tạo là sức sống”. Để bảo đảm chủ động
trong kinh doanh, giảm giá thành dịch vụ viễn thông, Viettel tăng cường hoạt động
sáng tạo, xây dựng các phần mềm, phát triển các phần cứng, tự sản xuất các thiết
bị như điện thoại “2 sim, 2 sóng” Sumo V6206, tiếp cận đến tự động hoá... nhiều
thiết bị sử dụng trong đầu tư ở nước ngoài của Viettel đều do Viettel sản xuất.
Đến nay, Viện nghiên cứu Viettel đã sản xuất được 8 loại máy truyền tin khác
nhau ở thế hệ công nghệ thứ tư, tiến gần sát tới loại máy hiện đại nhất thế giới
hiện nay - thế hệ thứ năm. Nhân kỷ niệm 10 năm gia nhập thị trường viễn thông
Việt nam, Viettel đã rút ra những bài học cơ bản: “lao động sáng tạo quên mình,
không ngừng nghỉ, dám làm việc khó, dám đương đầu và vượt qua những thách thức,
khó khăn”.
Năm là, đầu tư theo hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Khi lần đầu
tiên đầu tư ra nước ngoài - vào Cămpuchia, Viettel đã ứng dụng ngay công nghệ
hiện đại, xây dựng hơn 1.000 trạm BTS, triển
khai 5.000 km cáp quang, trong khi một số đối thủ của Viettel vẫn sử dụng
cáp đồng. Giải pháp này cũng được Viettel áp dụng khi đầu tư vào Haiti và
Môdămbích. Nhờ việc đi thẳng vào công nghệ hiện đại làm tăng chất lượng dịch vụ,
nâng cao năng lực cạnh tranh của Viettel tại các nước.
Sáu là, vận động không ngừng,
luôn luôn phát triển trong hoạt động đầu tư. Cuốn sách “Mỗi sáng thức dậy bạn
hãy bắt đầu chạy” đã khái quát được các giai đoạn phát triển - sự vận động
không ngừng của Viettel. Mỗi giai đoạn tương ứng với một cách “chạy” - sự vận động.
Theo đó, giai đoạn 1989 - 1995 là giai đoạn
“chạy” những bước đầu tiên, bắt nhịp với sự đổi mới của đất nước, tiếp cận lĩnh
vực mới -dịch vụ viễn thông (1994); giai đoạn 1996 - 2000, đầu tư có trọng điểm
theo hướng đi thẳng vào kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, bắt đầu triển khai kinh
doanh dịch vụ đường dài; giai đoạn 2001 - 2007, “chạy” để sinh tồn, đã bứt phá
vươn lên vị trí thứ hai trong số các nhà khai thác viễn thông ở Việt Nam, tạo
tiền đề để trở thành người “chạy” nhanh nhất trong làng viễn thông. Với việc đầu
tư ra nước ngoài, Viettel đã từng bước làm chủ được cuộc chạy. Năm 2008,
Viettel được xếp thứ 83 trong số 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới
và năm 2013 được xếp vào top 30.
Viettel đã đạt được nhiều thành công trong việc trở thành một tập đoàn
kinh tế quốc tế, công ty đa quốc gia lĩnh vực viễn thông. Viettel đang phấn đấu
đến năm 2020, mở rộng diện phủ sóng lên tới 600 - 800 triệu dân.
Tuy nhiên, để trở thành một tập đoàn kinh tế toàn cầu, Viettel cần nhiều
nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là
cung cấp các sản
phẩm, dịch vụ theo chuẩn mực toàn cầu, xây dựng các giá trị văn hoá kinh doanh
có tính toàn cầu trong sự đa dạng văn hoá của các quốc gia, tổ chức quản lý
theo phương thức toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực quản lý và
kinh doanh trong môi trường toàn cầu hoá./.
Share Post
Một số bài viết khác
- Tương quan giữa nhà nước và thị trường trong vận hành nền kinh tế ở một số nước châu Á: Hàm ý cho Việt Nam - Tác giả: PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, TS. Vũ Xuân Bình
- Định hướng phát triển Logistic Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế - Tác giả: TS. Hoàng Đình Minh, TS. Trương Bảo Thanh, Ths. Nguyễn Quang Minh
- Chính sách tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam - Tác giả: PGS.TS Hoàng Văn Hoan
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015: Thực trạng và vấn đề - Tác giả: Ngô Quang Trung
- Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường - Góc nhìn từ khu kinh tế Vũng Áng: Nghiên cứu trường hợp khu liên hợp gang thép của tập đoàn FORMOSA - Tác giả: TS. Phí Hùng Cường
- Khả năng huy động vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Tác giả: TS. Hoàng Đình Minh, TS. Trương Bảo Thanh
- Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay - Tác giả: Ngô Quang Trung
- Phòng ngừa, khắc phục một số căn bệnh trong tư duy lãnh đạo, quản lý - Tác giả: PGS.TS. Đoàn Minh Huấn
|